baokontum.com.vn
29/07/2024 13:10
Tỉnh ta đang vào mùa mưa lũ. Trước những diễn biến ngày càng thất thường của thời tiết, việc đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm như sạt lở đất, lũ quét là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Mới đầu mùa mưa bão, nhưng những ngày qua, mưa lũ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gây ra thiệt hại không chỉ về tài sản mà cả tính mạng của người dân. Trong đó, xót xa nhất là vụ sạt lở đất xảy ra ở tỉnh Hà Giang vào đêm 13/7 đã làm 11 người bị thiệt mạng. Và mới đây nhất (từ ngày 22 – 24/7), mưa lớn kéo dài đã gây lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Sơn La làm 9 người c h ế t và mất tích; tại tỉnh Điện Biên đã có 2 người c h ế t, 5 người mất tích.
Những sự việc xót xa, đau lòng này cho thấy thiên tai luôn rất khốc liệt và để lại những hậu quả nặng nề.
Thực tế tại tỉnh ta, trong các mùa mưa bão trước, lũ lụt, sạt lở đất đã gây ra những thiệt hại đáng kể về người và của. Đơn cử như trong mùa mưa bão năm 2022, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài, lũ quét, sạt lở đất, toàn tỉnh đã có 3 người c h ế t, 157 nhà ở của người dân bị thiệt hại, nhiều công trình thủy lợi, đường sá, cầu cống bị hư hỏng…ước tính giá trị thiệt hại về tài sản trên 319,2 tỷ đồng. Tương tự, năm 2023, mưa lũ, sạt lở đất cũng đã cướp đi sinh mạng của 4 người dân, nhiều nhà ở, hoa màu của nhân dân cùng các công trình hạ tầng cơ sở của nhà nước bị hư hỏng… thiệt hại về kinh tế ước tính 127,42 tỷ đồng.
Công tác phòng chống thiên tai luôn được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, các ngành, địa phương tập trung thực hiện. Ảnh: TH
Hơn 10 ngày qua, trên địa bàn tỉnh ta liên tục có mưa, mưa kéo dài, dồn dập tại một số địa bàn nên trên hệ thống sông Pô Kô đã xuất hiện lũ, ngập úng, sạt lở đất xảy ra cục bộ ở một số nơi. Tuy chưa gây thiệt hại lớn, song nhiều tuyến giao thông như Tỉnh lộ 675, Quốc lộ 14C, đường liên thôn, liên xã đã bị sạt lở; một số trường học, nhà ở của người dân bị ảnh hưởng, hư hỏng.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong những tháng cuối năm 2024, thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, có thể xảy ra bão, lũ với tần suất và cường độ lớn. Đặc biệt, Kon Tum là tỉnh miền núi nên thường chịu ảnh hưởng của những loại hình thiên tai nguy hiểm như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đe dọa đến tính mạng và nguy cơ mất an toàn cho các công trình hạ tầng cơ sở.
Vì vậy, phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, thực hiện phát triển kinh tế -xã hội 6 tháng cuối năm của tỉnh ta. Điều này được đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII vừa qua (diễn ra từ ngày 8-10/7).
Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát kế hoạch, phương án và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; quán triệt nghiêm quan điểm chỉ đạo là chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương chậm “4 tại chỗ”. Công tác dự báo phải được thực hiện từ sớm, từ xa, chính xác, đánh giá đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ và lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai.
Các cơ quan chức năng quan tâm lắp đặt biển cảnh báo để người dân chủ động phòng, chống thiên tai. Ảnh: TH
Đề cao cảnh giác trước thiên tai, những ngày qua, bám sát tình hình thời tiết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống thiên tai. Cụ thể, ngày 16/7, UBND tỉnh có văn bản số 2504/UBND-NNTN về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn; đến ngày 21/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp tiếp tục ký ban hành Công văn số 2582/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2024. Sau đó 1 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện 02/CĐ-UBND (ngày 22/7) yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, chính quyền các huyện, thành phố chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất.
Thực tiễn khẳng định, trong phòng chống thiên tai, phòng quan trọng hơn chống, ngăn ngừa tốt hơn khắc phục hậu quả. Việc đề cao cảnh giác, tập trung chuẩn bị trước là giải pháp quan trọng nhất, bởi lẽ, mọi mọi sự chủ động, cẩn thận sẽ không bao giờ là thừa, nhưng chỉ cẩn một chút chủ quan, lơ là thì có thể phải trả giá đắt.
Thùy Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/canh-giac-voi-thien-tai-42111.html