70 ngày xuyên Việt, Cường và Trân không chỉ khám phá mà còn tìm hiểu được các nguyên liệu vùng miền, sáng tạo ra nhiều loại cocktail mới.
Nguyễn Phú Cường và Hoàng Lê Thùy Trân, cùng 31 tuổi, bắt đầu chuyến phượt xuyên Việt 70 ngày bằng xe máy vào tháng 10/2023. Chuyến đi kết thúc vào tháng 1, nhưng đến nay đôi vợ chồng sống tại quận Bình Tân, TP HCM vẫn tiếp tục chia sẻ các video về mỗi điểm đến và công thức pha chế cocktail đã thực hiện trong suốt hành trình.
Ở mỗi địa phương, cặp đôi dùng sản vật tại chỗ để làm nguyên liệu cho ly cocktail. Các công thức của họ thu hút sự chú ý trong cộng đồng pha chế Việt.
Vợ chồng Phú Cường – Thùy Trân tại Ninh Bình. Ảnh: NVCC
Là bartender có hơn 5 năm kinh nghiệm, trong đó có 2 năm giảng dạy, Cường muốn sáng tạo ra nhiều món cocktail mới. Khi còn làm việc ở Australia, Cường có một người bạn thường dùng cocktail và nói nhớ Việt Nam. Từ đó, anh nảy ra ý định sẽ đi khắp đất nước và đưa nguyên liệu ở mỗi vùng quê vào ly cocktail, nhằm lan tỏa tình yêu pha chế đến mọi người.
Thay vì đến một điểm, Cường bàn với Trân làm một chuyến “cho đáng thanh xuân”. Trân làm kinh doanh riêng, mê những món nước chồng pha nên gác công việc để cùng anh lên đường. Chàng bartender được vợ thiết kế một quầy bar mini bằng gỗ, sau đó gửi thợ đóng và mang theo. Cường chiết khoảng 15 loại rượu vào những chai nhỏ kèm vài loại siro hay dùng. Dụng cụ pha chế như bình lắc, ly nhựa, muỗng, cây gắp đá được anh xếp gọn trong túi đặt ở đầu xe.
Cặp đôi khởi hành từ TP HCM đi Bến Tre, sau đó là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh rồi quay lại TP HCM.
Phú Cường chụp ảnh Thùy Trân tại Bến Tre. Ảnh: NVCC
Ở Bến Tre, điểm đến đầu tiên, khi ngồi ghe len lỏi qua những con rạch nhỏ giữa hàng dừa nước thanh bình, họ mang quầy bar mini ra để pha chế. Sử dụng rượu, dừa tươi cùng với một số nguyên liệu “đậm chất xứ dừa”, cặp đôi nhận được lời khen “món đồ uống ngon, vị lạ” từ một bác tài công và vài người dân.
Đến An Giang, vợ chồng Cường vào chợ để tìm trái chúc của vùng Bảy Núi. Loại trái này có mùi vị gần giống chanh nhưng the và chua hơn. Cường sử dụng nó để pha Mojito, loại đồ uống nổi tiếng vốn có thành phần chính là chanh và lá bạc hà.
Cặp đôi còn trải nghiệm đi hái cà phê cùng người dân khi đến Buôn Ma Thuột. Chặng miền Trung của họ bao gồm Đăk Nông, Đăk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Cường làm cocktail từ cà phê rang xay, pha với rượu, tạo ra một loại thức uống mà theo người dân là vừa đắng vừa thơm mùi khói cà phê và ngà ngà của rượu.
Đến Quảng Trị, món “cocktail trên đường Trường Sơn” ra đời, lấy ý tưởng từ câu chuyện về chiến tranh Việt Nam sau khi cả hai ghé thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Di chuyển đến Huế, Cường pha cocktail lấy cảm hứng từ trà sen. Tại Bình Định, họ có cocktail với rượu Bàu Đá, rồi cocktail nước khoáng tại Khánh Hòa, nho tại Ninh Thuận, hay cocktail tinh bột trà xanh pha tại đồi chè Bảo Lộc, dâu tây tại Đà Lạt.
Chưa dừng lại đó, pha chế cocktail kết hợp nước mắm là ý tưởng táo bạo nhất khi họ tới Phan Thiết. Cường khá ngạc nhiên vì sự hiếu khách của chủ xưởng nước mắm khi anh đưa ra ý tưởng nghe có vẻ điên rồ này.
Từ Đà Nẵng, họ gửi xe ra Hà Nội rồi bay do gặp thời tiết mưa gió thất thường. Cặp đôi tiếp tục hành trình đến Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hải Phòng rồi quay về theo hướng Ninh Bình, Quảng Bình và đi dọc đường Trường Sơn.
Khi ở vùng cao phía Bắc, cặp đôi làm ly cocktail với thịt gác bếp được tặng tại Sa Pa. “Thay vì thịt xông khói như trên thế giới, tôi sử dụng thịt lợn gác bếp. Nó mang mùi rượu whisky, mùi khói từ thịt rất khác biệt”, Cường cho hay.
Vì Cường là người cầm lái suốt chặng đường nên 100% các món cocktail đều do Trân nếm rồi nhận xét. Sau mỗi video quay công thức mới tự nghĩ ra, Trân luôn dặn dò: “Hãy uống có trách nhiệm nhé”. Cường và Trân nhấn mạnh cocktail để thưởng thức, ngẫm nghĩ về những nguyên liệu chứ không phải để uống cho say.
Cường thấy để pha chế một ly cocktail cần nhiều loại rượu lạ. Từ sau Covid-19, anh nuôi ý tưởng sáng tạo ra nhiều loại cocktail với màu sắc và mùi vị mới. Xa hơn nữa, nam bartender muốn đưa cocktail đến gần hơn với cuộc sống, trở thành thức uống bình dân. Ai cũng có thể tận dụng nguyên liệu trong nhà làm nên cocktail như rượu vang Đà Lạt, mứt dâu tằm và gia vị nấu phở.
Hai vợ chồng dừng ở mọi nơi có thể để pha chế. Tại một thác ven đường ở Mù Cang Chải, Cường pha cocktail mời người qua đường thử, tặng họ cả công thức. Ở Hội An, họ đem quầy bar mini lên thuyền thúng ở rừng dừa bảy Mẫu. Hay ở Pleiku, cặp đôi đứng ở Biển Hồ để pha chế. Trân ghi lại hình ảnh chiếc quầy bar mini tại tất cả các địa danh nổi tiếng.
Hai vợ chồng bên chiếc xe máy và quầy bar mini tại Bình Thuận. Ảnh: NVCC
Trên trang cá nhân gần 200.000 người theo dõi, những bài đăng của Cường về chuyến đi nhận được nhiều bình luận tích cực. Anh chia sẻ tìm và sử dụng được hơn 10 loại nguyên liệu địa phương. Ngoài ghi chép để làm tư liệu, Cường cũng sẵn sàng chia sẻ công thức đến cộng đồng để mọi người có thể tham khảo, làm cocktail tại nhà.
Chuyến xuyên Việt của hai vợ chồng hết 65 triệu đồng, gồm tiền ăn ở và xăng. Cường lên lịch trình, Trân lo chi phí và chỗ ở. Cường vẫn kể với học viên trong mỗi buổi dạy về chuyến đi đầy kỷ niệm cũng như ước mơ tận dụng các nguyên liệu xung quanh để pha chế cocktail, làm thành thức uống bình dân.
“Bỏ qua một vài cung đường xấu như Hoàng Su Phì, Du Già ở Hà Giang, chuyến đi 70 ngày quả thật tuyệt vời. Tôi đang khao khát chinh phục Đông Nam Á, sáng tạo nhiều loại cocktail hơn nữa”, Cường nói.
Tâm Anh – Thanh ThuẢnh: NVCC