So với nhiều tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, mật độ quán Cà phê ở thành phố Kon Tum thuộc vào loại cao, đặc biệt khi đem so sánh với tỷ lệ dân số. Việc phát triển nở rộ của các quán Cà phê cho ta thấy một điều. Đó là đời sống kinh tế xã hội phát triển, số lượng người dân có nhu cầu uống và thưởng thức cà phê ngày càng đông hơn. Một khách du lịch khi tới thành phố Kon Tum đã phải ngạc nhiên thốt lên: “Đi đường nào cũng gặp quán Cà phê!”. Chắc chắn vị khách này sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu biết rằng mặc dù nhiều như vậy nhưng quán nào cũng đông khách, đặc biệt vào thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ của cán bộ công nhân viên chức.
Bởi không chỉ dừng lại ở việc “uống” nên khách hàng có nhiều sự lựa chọn khác nhau khi đặt chân vào quán. Tiêu chí đầu tiên để anh Võ Thanh Hương, một người thường xuyên uống Cà phê vào mỗi buổi sáng lựa chọn quán là Cà phê phải ngon. Thế nhưng ngược lại với anh Hương, nhiều người lại đặt các yếu tố khác lên hàng đầu, ví dụ như: không gian, cách bài trí của quán, âm nhạc…
Một góc vườn mang sắc thái nông thôn Việt
Là một trong những quán ra đời sau nhiều quán cà phê khác ở thành phố Kon Tum nhưng quán Làng Việt ở đường Trần Văn Hai ngay sau ngày khai trương luôn giữ được lượng khách ổn định. Chủ quán cho biết: “Để duy trì lượng khách ổn định quán mình luôn thực hiện 3 điều kiện, đó là vệ sinh an toàn thực phẩm, thứ 2 là chất lượng thức uống, thức 3 là phong cách phục vụ. Bên cạnh đó lối kiến trúc là cà phê sân vườn, kết hợp với nét mộc mạc của nông thôn Việt đã tạo nên nét riêng của quán để khách đến thư giãn được thoải mái và vui vẻ”.
Có một điều khá thú vị là cách bài trí của mỗi quán cà phê mang đậm dấu ấn chủ nhân của chúng. Ít ai nghĩ rằng quán cà phê sân vườn Làng Việt được hình thành hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của ông chủ quán và chính ông đã đứng ra thiết kế, hướng dẫn xây dựng nên.
Gây ấn tượng mạnh với khách uống cà phê không thể không nhắc tới quán Eva và Adam & Eva trên đường Phan Chu Chinh. Đây là hai địa chỉ luôn được du khách trong nước và cả ngoài nước tìm đến mỗi khi đặt chân tới Kon Tum. Một trong những bí quyết để Eva và Adam & Eva duy trì được lượng khách ổn định, mặc dù giá cả ở đây có nhỉnh hơn so với các quán cà phê khác tại thành phố chính là yếu tố văn hóa của quán. Với sự đam mê văn hóa, chủ quán đã thổi được cái “hồn cốt Tây Nguyên” vào quán của mình. Trong tương lai, quán Eva và Adam & Eva sẽ còn thu hút nhiều khách tới thưởng thức cà phê bởi tới đây người uống cà phê được thỏa mãn hai nhu cầu cùng lúc, đó là: Cà phê và văn hóa Tây Nguyên.
Thưởng thức không gian văn hóa Tây Nguyên ở quán Cà phê
Bởi vậy nói thành phố Kon Tum đang dần hình thành một nét “Văn hóa cà phê” chắc cũng không phải là nói qúa. Anh Nguyễn Ngọc Ẩn – Chủ quán cà phê Eva có nhận định: “Ngày nay, khách uống cà phê không còn chỉ vì thích hay thói quen nữa mà người ta cần uống cà phê là cần thưởng thức cái không gian văn hóa. Nghĩa là người ta uống cà phê người ta phải biết ly cà phê đó người ta uống ở đâu, người ta ăn món ăn đó người ta phải biết món ăn đó bắt nguồn từ văn hóa gì và như vậy tất cả đều có một mơ ước đi xa hơn trong cái hội nhập”.
Chắc chắn chưa thể so sánh giữa việc uống, thưởng thức cà phê của người dân thành phố Kon Tum hay rộng ra là khu vực Tây Nguyên với văn hóa trà đạo của người Nhật Bản, song chắc chắn một điều văn hóa trà đạo đầu tiên cũng khởi nguồn từ một thói quen, từ ý thích trong sinh hoạt của người dân để dần hình thành nên một nét văn hóa đẹp, văn hóa bác học. Liệu vài trăm năm nữa việc uống cà phê có thể đạt tới đỉnh cao, thành một nét “văn hóa uống”. Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời, nhưng có một điều chắc chắn rằng để hình thành được bất cứ một nét văn hóa đẹp nào, những người trong cuộc phải dần tự loại bỏ những yếu tố không văn hóa còn tồn tại, cụ thể ở đây với người bán cà phê đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Với người uống cà phê, đó là thái độ ứng xử, là ý thức tự giác với bản thân, với gia đình, với cơ quan đơn vị và với xã hội. Xóa được ấn tượng quán cà phê là nơi để giết thời gian, để tán gẫu, để trốn tránh phận sự của một công chức Nhà nước cũng là một cách góp phần dần hình thành nên một nét “Văn hóa cà phê” ở thành phố Kon Tum.
Tường Lam