Rượu Giàng và bao mối ngẩn ngơ

650

 

Kỳ bí rượu Giàng

 

Nghe nói tại xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô có rượu Giàng, tôi hẹn với một người bạn đồng nghiệp nhưng cả hai lần đều lỡ. Lần này, tôi quyết định đi một mình vào xã. A Ly – Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Ngọc Tụ, mỉa mai: “Nhà báo mà cũng nhầm! Rượu Giàng ở làng Đăk Dế, xã Đăk Rơ Nga kia!”. Lại đi. Đến xã Đăk Rơ Nga, tôi được Sa Ly Suýt – cán bộ phụ trách văn hóa – thông tin xã nhiệt tình đưa đến gặp thôn trưởng A Hvôi, làng Đăk Dế.

 

Rượu Giàng và bao mối ngẩn ngơ

Thôn trưởng A Hvôi lên cây t’vea lấy rượu Giàng

 

Thôn trưởng A Hvôi là người thường khai thác cây t’vea lấy rượu, nhưng ông thật lòng không rõ vì sao dân làng nắm được bí quyết này. Ông đưa tôi đến gặp già làng A Răng giữa lúc ban trưa. Phải đợi đến khi ông mặt trời nghiêng qua buổi chiều, chúng tôi mới gặp già làng A Răng đi bẫy chuột trên rẫy về. Nghe thôn trưởng giới thiệu có nhà báo đến thăm, A Răng ăn vội mấy miếng cơm rồi thân mật tiếp khách. Nhà không có bàn ghế tươm tất và trời lại nóng, già làng A Răng mời khách cùng ngồi mát dưới gốc cây trong vườn. Tựa lưng vào gốc cây, sau mấy hơi thuốc dài, mắt nhìn lên núi cao trước mặt, A Răng kể: Ngày xưa, thời ông bà của mình lâu lắm rồi, dân làng tổ chức đi săn thú rừng. Lạ thay, hôm đó, đoàn người đi mãi, đi mãi mà không gặp con thú nào. Dân làng ai nấy đều mệt lả, nằm ngả người dưới gốc cây rừng và thiếp đi lúc nào không hay. Giàng hiện ra nói với già làng: ngươi biết hôm nay vì sao không săn được thú rừng hay không? Bù lại, ta sẽ cho ngươi và dân làng cái thứ còn quý hơn những con thú rừng. Các ngươi hãy lột vỏ cây kre. Chặt ống lồ ô và bỏ vỏ cây vào đó. Ngươi bảo mấy đứa thanh niên leo lên cây t’vea, cắt buồng quả trên ngọn cây. Đem ống tre lồ ô có vỏ cây kre, hứng nước chảy ra từ chỗ cắt sẽ có nước rượu uống. Nước rượu cây t’vea sẽ làm các ngươi tỉnh ra và khỏe mạnh lên.

 

Bày già làng lấy nước xong, Giàng biến mất. Ngay lúc đó, già làng và đoàn người cũng tỉnh giấc. Già làng đem câu chuyện gặp Giàng trong giấc chiêm bao kể đoàn thợ săn nghe. Già làng sai thanh niên làm y lời Giàng dặn và lấy được rượu từ nước cây t’vea. Nước t’vea thơm ngọt, nồng nồng… Uống nước vào ai nấy cũng đều thấy tinh thần phấn chấn, mạnh mẽ hẳn lên. Kể từ đấy, dân làng Đăk Dế thường lấy nước rượu t’vea uống. Rượu t’vea hay còn gọi là rượu Giàng ra đời từ đó.

 

Vào mùa khô, dân làng Đăk Dế thường hay lên núi khai thác rượu Giàng. Và cũng kỳ lạ thay, cây t’vea cho rượu Giàng chỉ thấy mọc ở khu rừng sau làng Đăk Dế mà hiếm khi thấy mọc ở nơi khác.

 

Uống rượu Giàng, ăn sâu trin

 

Theo chân thôn trưởng A Hvôi, chúng tôi leo lên sườn núi cao nơi có những cây t’vea mà tổ tiên của người Xê Đăng làng Đăk Dế đã gặp Giàng. Cây t’vea cho rượu Giàng mọc hai bên khe núi dựng đứng. Thân t’vea giống như thân dừa và thốt nốt. Ngược lại, lá t’vea giống lá dừa, nhưng khác lá thốt nốt. Lá t’vea và lá dừa mọc đều từ hai bên gốc bẹ lên đến hết ngọn bẹ, còn lá thốt nốt mọc như cánh quạt trên ngọn bẹ. Trái cây t’vea ra từng chùm theo buồng, lớn hơn trái cau một tý và ngứa. Trong khi trái dừa, thốt nốt to hơn nhiều và không ngứa. Điều đó để nói rằng, cây t’vea không phải là cây thốt nốt như nhiều người thường lầm tưởng. Có chăng thì t’vea thuộc họ nhà dừa.

 

Hiện nay, tại làng Đăk Dế có 8 hộ gia đình thường lên núi khai thác rượu Giàng. Mỗi hộ khai thác khoảng từ 2-3 cây t’vea lấy rượu. Nước từ buồng cây t’vea chỉ thành rượu khi có vỏ cây kre làm xúc tác. Vỏ kre thơm mùi dễ chịu. Tuy nhiên, xung quanh vùng núi có cây t’vea, thì cây kre không còn nữa vì dân làng đã chặt lấy vỏ hết từ lâu rồi. Muốn tìm vỏ cây kre phải lên núi cao, sâu và xa hơn mới có. Để có rượu ngon, bà con phải cạo bỏ lớp da sù sì ngoài cùng của vỏ kre. Sau đó, bẻ từng đoạn vỏ bỏ vào ống lồ ô. Đem ống lồ ô có vỏ cây hứng lấy nước tiết ra từ buồng cây t’vea. Tùy theo việc bỏ vỏ kre vào ống lồ ô nhiều hay ít mà rượu Giàng sẽ có hương vị khác nhau. Thường thì 1 lạng vỏ kre tươi tương ứng với khoảng 1 lít nước t’vea là vừa. Nước t’vea ngâm vỏ kre sau một đêm là thành rượu Giàng. Mỗi cây t’vea cho từ 5-20 lít rượu/ngày đêm. Hàng ngày vào khoảng 16-17 giờ, bà con lên núi lấy rượu. Mỗi lần lên lấy rượu, bà con làm một hơi rượu mát lạnh để tiếp năng lượng rồi mới mang về nhà. Rượu Giàng có vị ngọt, chát và hương thơm dễ chịu. Uống rượu Giàng nhiều có thể say. Tuy nhiên, rượu Giàng say không nhứt đầu.

 

1536287666 108 Rượu Giàng và bao mối ngẩn ngơ1536287666 724 Rượu Giàng và bao mối ngẩn ngơ Cây t’vea trồng trong vườn nhà

 

Cây t’vea cho rượu Giàng có thể trồng. Anh A Ly Suýt – cán bộ phụ trách văn hóa – thông tin xã Đăk Rơ Nga cho biết: “Ở làng Đăk Manh 1 (giáp với Đăk Dế) có ông A Nít trồng mấy cây t’vea nay đã hơn 10 năm. Cây cao to và đến nay đã cho ông rượu”.

 

Chủ nhà có rượu Giàng ai nấy cũng đều rất cởi mở. Ai muốn uống rượu Giàng có thể xin hoặc cùng uống với chủ. Rượu Giàng không bán cho dân làng, chỉ bán cho người ngoài vào mua. 1 lít rượu Giàng có giá từ 15-20 nghìn đồng (tùy theo chất lượng rượu của người khai thác).

 

Nhâm nhi rượu Giàng với con trin (một loài sâu sống trong ống lồ ô non) là món khoái khẩu của người Xê Đăng. Con trin là một loài sâu sống ký sinh trong ruột măng và cây lồ ô non. Cây lồ ô non có con trin sống thường lóng nhặt, không có lá, dễ nhận dạng. Khi biết lồ ô có con trin, bà con chặt cây, chẻ dọc thân và trút trin vào thau, bao ni lông hoặc ống măng. Trin hút dinh dưỡng trong ruột măng lồ ô, béo núc ních. Một cây lồ ô non thường chứa khoảng 500 con trin (khoảng hơn 1 lạng).

 

“Bỏ trin vào ống lồ ô non. Lấy lá rừng làm nút bịt đầu ống lại và đem ống nướng lên lửa. Khi vỏ lô ô cháy sém thì con trin ở trong ống cũng chín vàng. Cũng có thể bỏ con trin vào chảo và rang chín. Trin chín, nhai nghe béo ngậy và thơm lừng. Ăn trin, uống rượu Giàng là món bổ dưỡng sức khỏe của dân làng. Tuy nhiên, vì trin có nhiều dinh dưỡng nên trẻ em ăn nhiều có thể bị đau bụng”, thôn trưởng A Hvôi cho biết.

 

Hướng phát triển du lịch sinh thái

 

Thiên nhiên dường như có ý ban tặng cho người Xê Đăng ở xã Đăk Rơ Nga nhiều món quà quý. Bên cạnh, đặc sản rượu Giàng, con trin, ngay tại gần Quốc lộ 14B đi ngang qua làng Đăk Manh 1 (Đăk Rơ Nga) và  làng Đăk Bung (Ngọc Tụ) còn có hai điểm suối nước nóng khá thơ mộng.

 

Leo núi rừng nguyên sinh xem dân làng khai thác rượu Giàng. Khi người đã thấm mệt, xuống suối nước nóng tắm rửa. Xong mọi việc, cùng nhau ngồi quây quần ăn con trin, uống rượu Giàng thơm nồng, mát lạnh dưới mái nhà sàn bên vòng xoang của những cô gái Xê Đăng má ửng hồng giữa tiếng chiêng ngân của đại ngàn – thật còn thú gì bằng!

 

Tuy nhiên, quà tặng này vẫn chưa được ngành du lịch và chính quyền địa phương chú ý khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Tiếc thay, tiếc thay…!!!  

 

Bài, ảnh: Văn Nhiên

Đi đến nguồn bài viết