Kon Tum là một tỉnh miền núi biên giới, phía Bắc của Tây Nguyên. Nằm ở vị trí ngã ba Đông Dương, tiếp giáp với hai nước Lào và Campuchia về phía Tây với 280,7 km đường biên giới; Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai. Vị trí địa lý mang lại cho tỉnh Kon Tum điều kiện hết sức thuận lợi để liên kết vùng để phát triển du lịch trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, gắn liền với hành lang kinh tế Đông Tây nối dài. Có hệ thống giao thông hết sức thuận lợi: Từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y – tỉnh Kon Tum đi bằng đường bộ đến: Cảng Đà Nẵng 275 km qua quốc lộ 14 và 14B, đến Khu kinh tế mở Chu Lai – tỉnh Quảng Nam 250 km qua quốc lộ 14 và 14E, cảng Dung Quất – tỉnh Quảng Ngãi 300 km qua quốc lộ 14 và 24, cảng Quy Nhơn 313 km qua quốc lộ 14 và 19, thành phố Hồ Chí Minh 697 km qua quốc lộ 1 và 14; Tỉnh Chămpasăc nước CHDCND Lào 250 km qua quốc lộ 40 của Việt Nam và quốc lộ 18B của nước CHDCND Lào; Tỉnh Ubon của Thái Lan 340 km.
Đường về làng – Ảnh: M.Đức
Các điều kiện tự nhiên của tỉnh Kon Tum, đặc biệt là địa hình với sự đa dạng đã tạo cho Kon Tum một nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú và hấp dẫn với các loại hình du lịch có thể khai thác như: Du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Đáng chú ý phải kể đến Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông); Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy); Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), khi nhắc đến Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh không thể không nhắc đến những loại cây dược liệu quý đặc hữu, có giá trị đặc biệt như sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng sâm… với sự hội tụ đầy đủ các yếu tố về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, tỉnh Kon Tum đã và đang thu hút đông đảo những du khách yêu cảnh quan thiên nhiên, các nhà khoa học đến nghiên cứu các nguồn gen quý hiếm. Điểm đặc biệt của tỉnh Kon Tum là có dòng sông Đăk Bla như một dải lụa mềm chảy bao quanh thành phố Kon Tum, sông Đăk Bla không những đem lại nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân mà còn là một trong những hành trình khám phá du lịch của mọi du khách gần xa khi đến với Kon Tum. Các khu vực ngập nước lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông cũng đem lại những điểm du lịch dã ngoại lý thú.
Cùng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, nguồn tài nguyên nhân văn của tỉnh Kon Tum cũng hết sức đặc biệt. Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng với các di tích lịch sử, lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia: Di tích lịch sử Ngục Kon Tum; Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei; Di tích lịch sử, danh thắng Măng Đen; Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh; Di tích chiến thắng Plei Kần…với các dữ liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn, hiện đang được bảo tồn, gìn giữ là địa chỉ giúp cho du khách đến tìm hiểu về truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum và tìm hiểu về chiến trường xưa; Ngã ba Đông Dương và đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại lịch sử cách mạng Việt Nam, đang có sức hút rất lớn đối với loại hình du lịch tưởng niệm, thăm lại chiến trường xưa.
Tỉnh Kon Tum còn có một kho tàng văn hoá phong phú của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 53% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó có các dân tộc bản địa như: Xơ Đăng, Ba Na, Ja Rai, Jẻ -Triêng, Brâu, Rơ Mâm…. giàu bản sắc văn hóa. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc trưng độc đáo, phong tục tín ngưỡng riêng được thể hiện qua các tập quán, lễ hội tạo nên các giá trị văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Lễ Pơthi (Bỏ mả) – Ảnh: M.Đức
Bên cạnh giá trị về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, trên đia bàn tỉnh Kon Tum còn có các công trình, di tích kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao: Nhà Thờ Gỗ Kon Tum được xây dựng từ năm 1913 là một công trình kiến trúc của sự kết hợp Đông – Tây vô cùng độc đáo; Toà Giám mục Kon Tum được xây dựng từ năm 1935 hiện trưng bày và lưu giữ nhiều ấn phẩm, kỷ vật văn hoá tinh thần của dân tộc bản địa; Chùa Bác Ái được xây dựng năm 1932, Chùa được Vua Bảo Đại sắc phong “Sắc tứ Bác Ái tự”, Nam Phương Hoàng Hậu đến cúng đại hồng chung năm 1933;Cầu treo Kon Klor bắc qua sông Đăk Bla. Các công trình này đã trở thành những điểm du lịch, tham quan hấp dẫn cho nhiều du khách.
Ngoài ra, các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội mừng nhà rông mới; Lễ hội ăn trâu; Lễ hội cúng máng nước; Lễ hội kiêng làng; Lễ hội mở cửa kho lúa… cùng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch đến với Kon Tum.
Với tài nguyên du lịch phong phú, chính vì vậy, Kon Tum hội đủ mọi yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch về cội nguồn.
Trong những năm qua, Du lịch được xác định là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum. Với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, vị trí địa lý, khí hậu, tỉnh Kon Tum có tiềm năng rất lớn để ngành du lịch phát triển, nhất là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Hiện nay, ngoài các tuyến du lịch nội tỉnh, tỉnh Kon Tum còn tham gia vào các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế: Tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” được nối vào “Con đường di sản” Miền Trung và “Con đường huyền thoại đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh” để hình thành nên một “Con đường du lịch xuyên quốc gia”; tuyến “Con đường di sản Việt Nam”. Tuyến du lịch quốc tế: “Con đường di sản Đông Dương”; tuyến “Con đường du lịch hữu nghị” xuất phát từ Kon Tum qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến Lào, Thái Lan, Campuchia và về Việt Nam. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Kon Tum năm 2011 đạt 146.000 lượt, trong đó khách quốc tế 68.450 lượt, chiếm 46,8% tổng lượt khách. Nhìn chung, hoạt động du lịch tỉnh Kon Tum trong những năm qua phát triển khá, lượng khách du lịch tăng bình quân 26,5%/năm; Đã từng bước quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và khai thác một số tuyến, điểm du lịch hấp dẫn trong số 68 điểm du lịch về văn hóa – di tích lịch sử, 10 điểm về di tích lịch sử cách mạng và 21 điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu khai thác các tour du lịch: Du lịch xuôi dòng Đăk Bla, ngủ tại nhà rông, tìm hiểu phong tục tập quán của các làng người Ba Na, Ja Rai; Tour du lịch thăm lại chiến trường xưa Đăk Tô – Tân Cảnh, các tour vòng quanh thành phố Kon Tum thăm nhà thờ gỗ, Tòa Giám mục, đi thuyền khám phá lòng hồ Ya Ly… Các tour xuyên Việt như Kon Tum – Lào – Thái Lan bước đầu tạo dấu ấn trong làng du lịch Việt. Cùng với đó, hệ thống nhà hàng, khách sạn, siêu thị, phương tiện đi lại cũng đã đảm bảo được nhu cầu nghỉ ngơi, mua sắm và đi lại của du khách.
Theo phương hướng phát triển du lịch tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020, tỉnh Kon Tum sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch sẵn có; Phát triển du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giúp chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch, huy động các cấp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 đón 330 ngàn lượt khách, trong đó có 100 ngàn lượt khách du lịch quốc tế.
Hình thành và đưa vào khai thác khu du lịch Măng Đen, rừng đặc dụng Đăk Uy, lòng hồ thuỷ điện Ya Ly, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đường Hồ Chí Minh và các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.
Thác Pa Sỹ-Măng Đen – Ảnh: M.Đức
Đa dạng hoá các sản phẩm phục vụ du lịch và phát triển kinh doanh du lịch có hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường như: Tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam, tham gia lễ hội, hành hương hướng về cội nguồn: Các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng người Việt và nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên, các lễ hội và sinh hoạt tâm linh, các di tích lịch sử cách mạng (ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei, Khu căn cứ Tỉnh ủy…), các làng nghề truyền thống. Tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, khu du lịch Đăk Uy. Tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở các vùng cảnh quan: Khu nước khoáng Đăk Tô, vùng hồ Ya Ly, khu du lịch Đăk Bla, khu du lịch Măng Đen. Chữa bệnh, phục hồi sức khỏe; Du lịch công vụ, hội nghị hội thảo; Du lịch Caravan; Du lịch cộng đồng. Tích cực mở rộng và tham gia vào các tour, tuyến du lịch lữ hành nội địa, quốc tế.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Kon Tum nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ; Vị trí địa lý tạo cho Kon Tum những tiềm năng, lợi thế và thế mạnh mà không phải nơi nào cũng có được. Để phát huy và khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và thế mạnh đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XIV đã đề ra, định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 thì ngoài việc đầu tư từ ngân sách nhà nước, địa phương cần huy động các nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hợp tác đầu tư, liên kết đầu tư phát triển Du lịch tỉnh Kon Tum, đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh về Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước nhằm thu hút du khách nội địa và khách quốc tế đến với Kon Tum ./.
Văn Phát