Kon Jơ Rây đi… là nhớ!

530

Với tình yêu thiên nhiên luôn hiện hữu và bản tính luôn muốn tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ trên khắp mọi miền và nhất là nơi mình đang sinh sống… Điều này đã từng thôi thúc chúng tôi thực hiện nhiều chuyến du hành và cứ như thế, mới đây chúng tôi đã thực hiện một hành trình đến với làng Kon Jơ Rây theo cách trải nghiệm của riêng mình…  

Từ thành phố Kon Tum theo Quốc lộ 24 khoảng chừng 10km, rẽ phải hơn 1km nữa là có thể đến làng Kon Jơ Rây (hay còn gọi là Kon Rây). Làng khá rộng và yên bình, là nơi định cư lâu đời của người dân Ba Na hiền hành, chất phác. Những nếp nhà sàn ngói vảy mộc mạc nằm xen kẽ với những ngôi nhà xây ngăn nắp, sạch sẽ không chỉ quây quần bên mái nhà Rông to lớn mà còn trải dài theo con đường mòn nhỏ xuống triền sông. 

  28.6.6 Một trong những ngôi nhà sàn trên lối nhỏ xuống bến sông làng Kon Jơ Rây

 

Nếu chỉ đến để tham quan tìm hiểu về đời sống, văn hóa của làng thì các bạn có thể thong thả dạo bước trên những con đường làng rợp bóng mát, trò chuyện cùng người dân về cuộc sống thường nhật, cũng như những mẩu chuyện vui buồn trong việc dựng làng, lập ấp tự bao đời nay.

 

Còn như muốn khám phá về phong cảnh thiên nhiên và cách thức canh tác nương rẫy truyền thống, các bạn hãy nhờ một người dân trong làng – người thông thạo mọi con đường mòn lớn nhỏ nơi đây để có thể thỏa mãn tính ham khám phá của mình trên một vùng đất mới…, và may mắn thay, đoàn chúng tôi đã được thôn trưởng của làng là Pa Hồng – một người rất am hiểu văn hóa của dân tộc mình và dĩ nhiên là người con của làng được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này, do đó những con đường mòn như những “mê cung” trên đồi núi trập trùng đã như nằm lòng bàn tay ông. Ngay khi mọi người đã sẵn sàng cho một ngày đi bộ dã ngoại, ông liền hướng chúng tôi men theo một con đường nhỏ ngoằn ngoèo ngay phía sau làng để lên một quả đồi bằng phẳng và từ đó chúng tôi có một ngày khám phá thi vị vô cùng.

 

28.6.7 Con đường mòn nhỏ ngay sau làng Kon Jơ Rây

 

Con đường mòn nhỏ này là lối đi ra nương rẫy của dân làng Kon Jơ Rây và là con đường đi tắc ưa thích được người Ba Na ở các làng thuộc xã Hà Đông, Hà Tây (huyện K’bang, Gia lai) lựa chọn mỗi khi đi học, tham dự lễ hội với họ hàng hoặc đi công việc, mua sắm ở thành phố Kon Tum…Và như để minh chứng cho lời giới thiệu của Pa Hồng, hôm ấy đoàn chúng tôi đã đồng hành một đoạn đường cùng 3 nam sinh trường DTNT Kon Tum về thăm làng ở xã Hà Đông trong dịp nghỉ hè. Thật ngạc nhiên, khi các em cho biết là để về đến làng phải mất 3 ngày cắt rừng lội suối, tối gặp làng thì xin vào nghỉ nhờ, sáng hôm sau lại đi tiếp. Thấy cánh dân thành phố chúng tôi boăn khoăn, một em cười nói: “Chúng em quen rồi mà, đi vầy không mỏi đâu, đi có 3 đứa vừa đi vừa ôn chuyện hồi nhỏ còn ở làng và là để luyện thể dục luôn ấy mà…”. Qua những câu chuyện nhỏ cùng các em, chúng tôi lấy làm ngưỡng mộ cho sự can đảm, tâm hồn lạc quan luôn yêu thiên nhiên núi rừng quê hương của mình nên các em đã chọn lộ trình này về làng và cũng là để các chàng trai trẻ cùng nhau trải nghiệm bản thân khi có cơ hội…

 

Chia tay các em tại một ngã rẽ trên đỉnh đồi rộng, khá bằng phẳng, chúng tôi đứng nhìn cho đến khi những cái áo trắng khuất vào rừng cao su non chừng 6, 7 năm tuổi đang bắt đầu cho thu hoạch mủ, mà trong tôi còn đọng lại hình ảnh trong sáng của 3 cậu học trò nhỏ, tôi thấy vui vui khi chợt nghĩ những người con núi rừng này mai sau trưởng thành, trong hành trang đường đời của họ không những sẽ có cùng nhau những kỉ niệm về đời học sinh vô tư của mình mà còn có vô số trải nghiệm thú vị trên những con đường mòn quanh co này, để rồi các em càng thêm yêu buôn làng, quê hương, đất nước…

  28.6.8

Căn nhà nhỏ trên nương rẫy là nơi dành riêng

cho các cặp vợ chồng, đôi lứa yêu nhau.

 

Vừa qua cánh rừng cao su xanh non mơn mởn, là những thửa ruộng bậc thang hiện ra, chúng tôi thấy một nhóm thanh niên khá đông đang cùng nhau chuẩn bị ruộng để gieo trồng. Đột nhiên, Pa Hồng đã làm cho cả nhóm ồ lên thích thú khi phát hiện ra phong tục đặc biệt ở nơi này, ông đưa tay chỉ ngôi nhà bên thửa ruộng và nói: “Các cháu hãy nhìn ngôi nhà nhỏ đằng kia, và những túp lều dọc theo sườn đồi mà chúng ta đã đi qua nữa, đó chính là những nơi dành riêng cho các cặp vợ chồng và trai gái “yêu nhau” đấy, ở làng mình chuyện “sinh hoạt” như vậy chỉ ở trên rừng, trên rẫy thôi, không được phép làm ở làng đâu, ai vi phạm là bị Yàng phạt đấy…”.

 

Câu chuyện đã làm chúng tôi tranh luận sôi nổi và lý giải một cách nghiêm túc…Theo chúng tôi, có lẽ người Ba Na xưa, mặc dù theo cách suy nghĩ vẫn còn lạc hậu của mình đã đưa ra những phong tục tưởng chừng như vô lí nhằm ngăn chặn những điều không may xảy đến với cộng đồng…, nhưng thiết nghĩ điều này cũng là nét văn hóa đẹp, bởi lối sống mật tập đông đúc xưa kia và ngày nay nhiều gia đình đông con với nhiều thế hệ vẫn còn sống dưới một mái nhà, chưa có phòng ốc riêng tư thì phong tục này được đặt ra cũng là một điều dễ hiểu…

 

Và thật thi vị nếu bạn bắt gặp hình ảnh rất đỗi thân thương, bình dị khi trông thấy một bé gái mắc võng ru em dưới vòm lá mát thay cho bố mẹ đang làm đồng hay cụ già bình thản ngồi ngay bên vệ đường, đan lấy đồ dùng cho mình, trông cuộc sống của họ thật thanh bình, êm ả.   

 

28.6.9

Cụ ông ngồi vót tre, đan gùi ngay bên vệ đường

 trông cuộc sống nơi đây thật bình yên.

 

Lộ trình trải nghiệm của chúng tôi thật sự cuốn hút, không chỉ những câu chuyện chứng kiến, nghe kể mà còn là một ngày được chỉ dẫn trực tiếp về những loại hoa, quả, rau đủ loại trong rừng. Pa Hồng đã chỉ cho chúng tôi cách phân biệt một số loại rau, quả mà người Ba Na thường dùng làm thực phẩm hàng ngày và những loại rau, quả không ăn được. Rồi, đôi lúc chúng tôi dừng lại vài phút để hít lấy hương thơm nồng nàn của loài hoa Dủ dẻ mọc ven đường, lấy đá đập hạt cây Kơnia để nhấm nháp, có lẽ do được biết về truyền thuyết nổi tiếng của loài cây đặc biệt trên Tây Nguyên này nên chúng tôi cảm thấy rất sung sướng vì được tận mắt nhìn thấy và được nếm thử vị hạt béo ngọt của nó,… Cứ như thế chúng tôi đi một quãng đường khá xa mà không cảm thấy mệt mỏi, trái lại càng cảm nhận thấy sự phấn khích của cả nhóm khi được khám phá biết bao điều kì lạ nơi này…

 

Khi mặt trời vừa đỉnh đầu, chúng tôi cũng dừng chân ăn trưa trong một túp lều bên khe núi, một bên là rẫy sắn cao sản rộng mênh mông ngút ngàn xuống triền sông Đăk Bla, còn bên kia là vạt rừng thưa, đầy cỏ tranh và cây bụi, tôi nghe như có tiếng suối róc rách đâu đây, tiếng gió thổi nhẹ miên man và tiếng chim gõ kiến mổ vào thân cây đều đều trong không gian tĩnh lặng, khiến hai mắt tôi cứ ríu lại…

 

Và trước khi chuẩn bị đi xuống bờ sông Đăk Bla, nơi có những con thuyển độc mộc đang chờ đưa chúng tôi xuôi dòng trở lại làng Kon Jơ Rây theo đường thủy, thì Pa Hồng chỉ tay trên đỉnh núi nói: “Nếu mình đi hết đỉnh núi đó thì sẽ đến làng Kon Kơ Xâm xưa kia – ngôi làng của người Ba Na và là nơi định cư của các cố đạo người Pháp (được Cố An – L.M. Pierre Dourisboure miêu tả khá tỉ mỉ trong cuốn tự truyện Dân làng hồ (Les sauvages Bahnars)). Bây giờ dấu tích xưa của làng đã không còn nữa, dân làng đã đi tứ tán khắp nơi, có thể họ đã gặp những thảm họa mà theo truyền thống bắt buộc phải bỏ làng mà đi như: Làng bị hỏa hoạn, bị làng khác tấn công và có thể đa số đã bị bắt làm nô lệ hoặc làng có nhiều người chết bất đắc kì tử, dịch bệnh…”.

 

Thông tin trên khá thú vị, đã đưa chúng tôi về thửa xa xưa, khi người dân đồng bào thiểu số nơi đây còn sống trong cảnh hồng hoang thiếu thốn, lạc hậu, sống chủ yếu là nhờ săn bắn, hái lượm và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ các làng mạnh tấn công chỉ vì một xích mích nhỏ hay họ muốn cướp lấy của cải và bắt người làm nô lệ làm cho gia đình ly tán khắp nơi…Một chút hồi tưởng thế thôi đã khiến tôi không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ lại cuộc sống không mấy bình yên của người ĐBTS trên vùng đất này ngày trước…Và mừng thay cuộc sống ngày nay của họ đã từng bước ổn định, họ đang được bảo vệ, được định hướng phát triển và làm giàu trên quê hương của mình bằng những kỹ thuật canh tác tiên tiến.

 

Đang miên man với những dòng suy tưởng trên con thuyền độc mộc nhẹ lướt êm đềm, thì thuyền chúng tôi đã cập bến làng Kon Jơ Rây sau hơn 40 phút xuôi dòng. Thật đáng yêu khi được chứng kiến lũ trẻ đang nô đùa ầm ĩ ở bến sông, nơi những chiếc thuyền độc mộc được buộc chùm với nhau, còn bên kia thả tự do xòe ra như chiếc quạt khổng lồ trên dòng nước mát. Dừng lại mươi phút nơi bến sông trong buổi chiều hoàng hôn ráng đỏ, trò chuyện với dân làng, hoặc quan sát buổi sinh hoạt thường nhật của họ…Với những giây phút yên bình như thế chắc chắn khi rời làng bạn sẽ mang nỗi nhớ khôn nguôi./.

 

Bài, ảnh: Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết