Lễ hội ẩm thực Kon Tum được tổ chức tại Nhà rông Kon Klor – một trong những công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho hệ thống kiến trúc của người Ba Na tại Kon Tum. Khoảng sân rộng lớn trước Nhà rông là nơi từng nhóm nghệ nhân chuẩn bị vật liệu, phương tiện để trình bày kỹ thuật ẩm thực của dân tộc mình. Thấp thoáng dưới những bóng cây cổ thụ râm mát, cái nắng vàng nhẹ của mùa thu, khiến du khách đến dự tạm quên đi những xô bồ, lo toan của cuộc sống bên ngoài, hòa mình vào trong không gian ẩm thực.
Nhộng non nhồi ống lồ ô
Sau một khoảng thời gian nhất định, các món ăn lần lượt được đưa lên Nhà rông trung tâm, mỗi đội sử dụng một bàn riêng biệt để trình bày các món ăn và Ban Giám khảo đến chấm điểm. Nhìn khắp một lượt, đội nào cũng có những món ăn đặc sắc, mang đậm hương vị núi rừng, thể hiện được “cái hồn” của dân tộc mình. Dân tộc Rơ Mâm (huyện Sa Thầy) đưa đến thực đơn với các món: Cá gỏi kiến vàng, Mây đắng nấu với cá nhét, Thịt bò nướng muối ớt, Tiết canh dúi, Xương nhím trộn bằm sả ớt. Dân tộc Jẻ – Triêng (huyện Đăk Glei) cũng có thực đơn phong phú bao gồm: Cá chua ống nứa, Gỏi sa nhân heo rừng, Thịt sóc khô gác bếp, Cơm nếp cuốn lá đót, Sóc xào k’tem, Gà rừng nướng ống nứa. Ngay như dân tộc Brâu (huyện Ngọc Hồi) có dân số rất ít song cũng tạo dựng cho mình vốn văn hóa ẩm thực vô cùng cuốn hút với các món: Lá mì nấu cá kho, Cá suối nướng lá lốt, Thịt chuột nướng ống, Gà rừng trộn lá mì chua, Thịt nhím nấu bột bắp. Không thể so sánh được món ăn cảu đội nào ngon hơn, vì“mỗi bàn một vẻ, mười phân vẹn mười”, quả là “gây khó”cho Ban Giám khảo.
Dế nướng
Với gần một trăm món ăn được trình diễn trong Lễ hội ẩm thực, dẫu không thể tập hợp đầy đủ toàn bộ nền ẩm thực của các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên song cũng khiến không ít vị thực khách phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Các loại thực phẩm xung quanh như thịt gà, thịt bò, thịt heo hoặc thịt thú rừng như thịt dúi, thịt nhím, qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho người thưởng thức. Một điều đáng ngạc nhiên là các nghệ nhân sử dụng một cách khéo léo những nguyên liệu độc đáo như kiến vàng, dế cơm, nhộng non, lá é, tiêu rừng,..mang hương vị lạ của nuối rừng, nhiều lúc khó ăn nhưng đã ăn quen thì trở nên “nghiền” lúc nào không hay. Ví dụ như món Cá gỏi kiến vàng (dân tộc Rơ Mâm) mới nghe tên thì nhiều người đã cảm thấy sợ, nhưng tận mắt được ngắm nhìn có thể bạn sẽ đem lòng yêu thích: Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để đỡ mùi tanh. Kiến vàng chọn ổ kiến non, còn cả trứng đem về giã nhỏ để riêng. Lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến vào, thêm chút thính gạo (bột gạo rang cháy xém), dậy lên mùi thơm. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại vừa miếng và thưởng thức, vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của kiến non, vị cay xé của tiêu ớt tạo nên hương vị ngon tuyệt vời. Gây tò mò và tạo sự thích thú cho nhiều du khách chính là Gà nướng Kon Plông, bởi món ăn này đã được công nhận là một trong 50 món ăn ngon của Việt Nam. Chọn loại gà bản (gà của người dân tộc nuôi thả rông, chỉ nhỏ tầm 1kg đổ lại nhưng thịt săn chắc). Gà làm sạch, tẩm ướp các loại gia vị theo một công thức riêng, và nhất định phải có mật ong rừng, phơi ngoài gió một lúc cho thịt gà se lại, sau đó mới đem lên bếp than nướng. Vị mật ong sẽ làm gà chín có màu vàng bóng rất đẹp mắt, dậy lên mùi thơm ngọt, tỏa rộng đến mức đứng ở cach xa cả chục mét khứu giác của bạn vẫn bị kích thích rất mạnh.
Cá gói kiến vàng
Tuy mỗi dân tộc có kỹ thuật chế biến riêng và những bí quyết người ngoài không thể chia sẻ rộng rãi nhưng vẫn có thể nhận thấy nét chung trong văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên. Trước hết là tất cả các dân tộc đều có món cơm lam thơm ngon, được dùng trong các lễ hội, dịp cúng Giàng và làm thức ăn đi rừng, vừa thuận lợi, ít tốn thời gian vừa để được lâu. Để nấu cơm lam phải chọn gạo nếp nương loại dẻo, thơm đặc biệt. Ống lồ ô cắt lấy một đoạn chừng 40 cm, để nguyên nước ngọt trong ống, vo gạo bỏ vào ống lồ ô rồi nút chặt bằng lá chuối. Đem lên bếp than nướng tới khi vỏ ngoài phủ một lớp đen đúa, và tỏa hương thơm dịu ngọt của hạt nếp nương. Bên cạnh đó, bạn cũng dễ dàng nhận ra, rất nhiều món ăn sử dụng kỹ thuật băm sống thịt bò, trâu, nhím, chuột,…Có món thịt trộn với lá é, lá ngò gai đem nướng trực tiếp trên than hồng; Có món thịt trộn muối ớt, gừng, sả, rồi gói trong lá rừng hoặc đem bỏ vào ống lồ ô, bằng cách này giữ được vị ngọt nguyên chất của thịt rừng tươi.
Điểm nhấn tuyệt vời nhất của lễ hội ẩm thực Kon Tum là những ché rượu, mỗi dân tộc đều có công thức rất riêng do đó cũng có hương vị và “độ say” khác nhau. Có nơi mang đến ghè rượu cần làm bằng kê, nơi khác cũng rượu cần nhưng sử dụng gạo nếp nương, hoặc dùng cả hai loại với tỷ lệ trộn thích hợp. Ngoài ra còn có rượu chuối hột, rượu sâm dây, là những vị thuốc quý, rất tốt cho sức khỏe. Không ai sử dụng cốc nhựa hay thủy tinh mà phải dùng ly tiện bằng ống lồ ô để uống rượu thì mới cảm nhận trọn vẹn hương vị nồng ấm rượu cần.
Trong không khí của ngày hội ẩm thực đồng bào các dân tộc Kon Tum thực sự đem đến rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là những món ăn thể hiện tấm lòng của nghệ nhân làm ra, gửi gắm ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc. Từ đó khả năng kết nối tình đoàn kết, tăng cường sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các dân tộc anh em. Đối với mỗi du khách may mắn có mặt trong Lễ hội ẩm thực, đây là một dịp hiếm hoi để họ thưởng thức những món ăn “chính thống” mang phong vị núi rừng do bàn tay của nghệ nhân dân tộc thiểu số làm ra. Cơ hội này mấy khi có được?
Hà Oanh