Độc đáo làng cổ Kon K’Tu

623

 23.2.212422011 94929

Một góc làng cổ Kon K’Tu.

Vẫn như nguyên gốc

 

Ông A Khẻo, Trưởng làng Kon K’Tu cho biết, Kon K’Tu theo tiếng Ba Na, Ê Đê là làng nguyên gốc. Cách đây gần 150 năm, làng này có trên 100 nóc nhà, bao quanh là khu rừng rộng lớn, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và hái lượm. Cứ nghĩ cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, bỗng dưng làng xảy ra đại dịch đậu mùa, người dân chết gần hết, chỉ còn lại ba gia đình. Sau đó, làng Kon K’Tu gần như khuất chìm trong nỗi sợ hãi của nhiều người cho đến năm 1920, làng mới được tái lập và dần phát triển như hiện nay.

 

Làng Kon K’Tu hiện có khoảng 100 hộ dân với gần 600 khẩu, chủ yếu là người Ba Na, Ê Đê. Nhiều người Ba Na rất kiêu hãnh với Kon K’Tu không vì làng giàu có về vật chất mà bởi làng vẫn giữ được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ. Đứng ở Kon K’Tu phóng tầm mắt về hướng Đông, đỉnh Kong Muk sừng sững hiện ra in bóng xuống dòng Krông BLả hiền hòa; dọc sang hướng Bắc là khu rừng còn lưu giữ nhiều huyền thoại về thần chiêng, thần nước…

 

Như khẳng định thêm về sự bảo tồn của những giá trị văn hóa truyền thống, nghệ nhân A Xép bộc bạch: “Hiện nay, dân làng vẫn duy trì được đội cồng chiêng 18 người, đội múa Xoang 30 người. Làng vẫn giữ nguyên vẹn lễ hội K’lang T’nglang (lễ hội bắt giọt nước)”. Đặc biệt, đến Kon K’Tu, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét văn hóa nguyên gốc của nhà dài, nhà sàn. Mỗi ngôi nhà dài đến 14 sải tay, có từ 4 – 8 cái bếp với nhiều thế hệ sinh sống, 2 đầu làm cửa ra vào và 1 cửa chính ở giữa.

 

Say lòng với vòng Xoang…

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tiến Tùng nói với chúng tôi rằng, nếu đi tìm nét độc đáo trong lễ hội của dân tộc bản địa Tây Nguyên mà không đến Kon K’Tu thì coi như chưa nghiên cứu được gì, đặc biệt là lễ hội K’lang T’nglang. Nói như vậy có vẻ hơi quá nhưng nếu tận mắt chứng kiến lễ hội này, chắc chắn ai cũng bị lôi cuốn.

 

Lễ hội được tổ chức vào đầu tháng Giêng âm lịch. Tất cả người dân trong làng cùng tập trung lại cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh, dân làng đoàn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau. Lúc diễn ra lễ cầu, tất cả nắm chặt tay nhau như truyền đi sức mạnh của tình đoàn kết. Trong buổi cúng tế, già làng và những người uy tín trong làng cùng hợp âm khấn những câu linh thiêng như: “Khấn ơ Giàng, ơ thần núi, ơ thần nước về đây giúp chứng giám cái bụng của buôn làng. Khấn ơ dòng sông hãy chảy hiền hòa cho cuộc sống bình yên. Khấn ơ Giàng hãy giúp dân thương yêu nhau…”.

 

Sau lễ hội cúng tế, dân làng mở tiệc mừng xuân, đó cũng chính là lúc buổi lễ hội chiêng “xông đất” đầu năm ngân lên. Chín chàng trai vận khố thổ cẩm, thân hình chắc nịch như ẩn chứa sức mạnh của thần núi, sự phóng khoáng của thần sông đan xen cùng 9 sơn nữ lúng liếng, yểu điệu trong những bộ váy thổ cẩm. Tiếng chiêng cất lên, họ cùng diễn các điệu múa, hát vang các bài hát truyền thống của dân tộc mình.

 

Tiếp sau lễ hội cồng chiêng là lễ hội múa Xoang. Lễ hội này còn sót lại ở Kon Tum và được xem như “của hiếm” ở Tây Nguyên. Trong lễ hội múa Xoang, các chàng trai, cô gái mặc chính những bộ thổ cẩm do tay mình dệt để thể hiện sự cần mẫn và nét tài hoa trong kỹ thuật thêu dệt.

 

Theo già làng A Xép, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa của nhân loại thì du khách quốc tế và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến Kon K’Tu ngày càng nhiều. Hiện trung bình mỗi ngày Kon K’Tu đón 50 – 60 khách du lịch nước ngoài và hàng trăm khách trong nước đến tham quan. Điều này đặt ra nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa càng thêm nặng nề…

 

Hà Văn Đạo

Theo KTNT

Đi đến nguồn bài viết