Để người dân Kon K’Tu có thu nhập ổn định từ du lịch

503

 

Theo như lịch tour hàng tháng của các đơn vị lữ hành trong tỉnh gửi đến làng thông báo ngày giờ có mặt của các đoàn khách đến tham quan trong thời gian gần đây. Tôi thấy bình quân một ngày có ít nhất một đoàn khách đến tham quan làng. Nguồn khách thật đa dạng, hình như các Châu lục trên thế giới đã có du khách đặt chân đến làng Kon K’Tu.

 

31.5.20 Đoàn du khách Nhật tham quan và tìm hiểu văn hóa làng Kon K’ Tu.

 

Thật may mắn cho tôi vì hôm nay lại có hai đoàn khách đến tham quan làng. Một Đoàn là những sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau, họ chọn dịch vụ tour dã ngoại và du xuồng độc mộc. Còn Đoàn kia là du khách Nhật, họ đến để tham quan và chụp hình đời sống thường nhật của người dân. Vừa đặt chân đến làng, các du khách thật sự thích thú vì được tận mắt chứng kiến khung cảnh truyền thống của người Ba Na nằm bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng với ngôi Nhà rông thật duyên dáng mà không kém phần kiêu hãnh của làng. 

 

Khi được hỏi vì sao chọn Kon K’Tu làm điểm đến trong hành trình du lịch của mình. Tất cả đều trả lời là đã được biết làng qua sách hướng dẫn du lịch (guidebook) với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới nên họ quyết định đặt tour và tìm đến. Nhìn chung cảm nhận của họ khi đến đây thật là tốt đẹp, văn hóa, con người để lại nhiều ấn tượng đối với họ.

 

Song cũng như nhiều đoàn khách du lịch trước đã tới đây, nhu cầu mua một sản phẩm làm quà lưu niệm cho chuyến đi của du khách không được đáp ứng vì không có ai trong làng làm việc này. Bởi vậy trong suốt thời gian du khách thăm làng, các gia đình ở Kon K’Tu hầu như không có sản phẩm đặc trưng nào mang ra giới thiệu và bán cho khách để tăng thu nhập. Trong gần 400 nhân khẩu của làng, thực sự chỉ có khoảng gần 50 người dân tham gia vào hoạt động phục vụ du khách, như: đi gùi nước, chèo thuyền, đánh chiêng, múa xoang, trong khi so sánh với sản xuất nông nghiệp, rõ ràng việc tham gia phục khách du lịch nhàn hơn mà lại cho thu nhập cao hơn. Điều này được các thanh niên trong làng như A Bill, A Gưih, A Thiết… khẳng định “Nếu có khách yêu cầu chèo xuồng hay dẫn đường tham quan trong rừng thường xuyên thì thu nhập khá và cũng đỡ mệt hơn là làm những nghề khác”.

 

31.5.21 Vận chuyển khách bằng xuồng độc mộc của người dân Kon K’ Tu.

 

Chưa thực sự sống được từ các hoạt động phục vụ du khách nên người dân Kon K’Tu chưa có ý thức tốt trong việc bảo quản, giữ gìn và phát huy những nét bản sắc văn hóa độc đáo để thu hút nhiều hơn khách du lịch tới tham quan. Điển hình như việc xây dựng nhà cửa của bà con. Những nếp nhà sàn ngày càng thưa dần. Thay vào đó là những ngôi nhà xây với đủ hình dáng và kích thước khác nhau phá vỡ kiến trúc của một ngôi làng truyền thống gây nên sự lôn xộn cho cảnh quan của một buôn làng du lịch. Cô Michelle, một du khách Pháp đại diện cho đoàn khách sinh viên nhận xét:“ Khi đến đây chúng tôi không những tham quan làng mà mong muốn được giao lưu về văn hóa. Chúng tôi cứ nghĩ là sẽ được ở cùng với dân làng, được ăn những món ăn đặc sản địa phương nhưng dịch vụ cùng ăn ở và làm việc cùng với người dân lại không có… Và tôi chắc rằng các bạn trong nhóm chúng tôi cũng đồng ý với cái điều cuối cùng là làm sao giữ được môi trường, cảnh quan truyền thống của làng”.

 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đô Huynh, một hướng dẫn viên lâu năm tại Kon Tum cho biết thêm quan điểm của mình: “Nếu chúng ta muốn du lịch đem lại nguồn lợi cho người dân, làm cho cuộc sống của họ được tăng trưởng hơn về mặt kinh tế và nếu chúng ta có thể nói là họ sống được bằng nghề du lịch thì điều trước tiên người dân phải làm đó là bảo vệ rừng. Thứ hai là bảo vệ kiến trúc và môi trường, cảnh quan sạch sẽ. Cái thứ ba nữa là bảo vệ những gì truyền thống như: họ phải đánh chiêng giỏi, biết đan lát, biết dệt vải và làm lại những đồ truyền thống ngày xưa và chính cái đó bán lại cho du khách đem lại tiền bạc và nguồn lợi cho họ”.

 

Như vậy, hướng đi cho người dân làng Kon K’Tu để có thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch đã rõ. Tuy nhiên, cùng với ý thức tự vươn lên của mỗi người dân trong làng, để làm được điều này vai trò của chính quyền địa phương và các Sở, Ngành liên quan ở tỉnh Kon Tum, như: Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại – Du lịch … là rất quan trọng. Cụ thể như việc tuyên truyền để người dân có nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động kinh doanh du lịch và những lợi ích mà nó mang lại cho cuộc sống của người dân trong làng. Bên cạnh đó thông qua các chương trình, dự án, những người dân trong làng cũng có thể tiếp cận được với các nguồn vốn vay của Nhà nước để đầu tư khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống và tham gia các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách để tăng thu nhập./.

 

Bài, ảnh: Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết