Nhà rông – Không gian tinh thần của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
(Ảnh: Văn Phương)
Tài nguyên du lịch
Là vùng đất giàu đẹp và đa dạng những sắc màu văn hóa, Kon Tum được đánh giá là có tiềm năng đặc biệt để phát triển nhiều loại hình du lịch.
Kon Tum là vùng đất có truyền thống cách mạng, nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia: Ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei, chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh…
Bên cạnh giá trị về tài nguyên thiên nhiên, nhân văn, lịch sử trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn có các công trình, di tích kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo: Nhà thờ gỗ Kon Tum là một công trình kiến trúc của sự kết hợp hài hòa kiến trúc Đông – Tây; Toà Giám mục Kon Tum nơi trưng bày và lưu giữ nhiều ấn phẩm, kỷ vật văn hoá tinh thần của dân tộc bản địa; Chùa Bác Ái được Vua Bảo Đại sắc phong “Sắc tứ Bác Ái tự”…
Ngã ba Đông Dương – Cột mốc biên giới ba biên (Việt Nam – Lào – Campuchia) ngày nay đang trở nên rất hấp dẫn du khách trên hành trình thăm Kon Tum – Cực bắc Tây Nguyên Việt Nam. Từ cột mốc ngã ba biên giới, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương. Du khách muốn thăm hai nước Lào và Campuchia có thể làm thủ tục xuất cảnh tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Kon Tum có diện tích mặt nước rất lớn, trong đó có hồ thủy điện Ya Ly, hồ thủy điện Plei Krông tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, khung cảnh tuyệt đẹp. Sông Đắkbla, chảy dài qua địa phận thành phố Kon Tum đem lại cho du khách những sự trải nghiệm thú vị trên những con thuyền độc mộc được nhân dân bản địa nơi đây khéo léo đục thành từ những cây gỗ lớn, dọc theo hai bên bờ sông là những bản làng với nhà sàn, nhà rông truyền thống…
Nằm ở độ cao 2.596m so với mặt nước biển, núi Ngọc Linh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là ngọn núi cao nhất ở Tây Nguyên, nơi đây lưu giữ hệ động thực vật quý hiếm, trong đó sâm Ngọc Linh là dược liệu quý đặc hữu của Việt Nam và thế giới. Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được xem là một trong bốn kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm về phía Tây tỉnh Kon Tum, tiếp giáp với vườn quốc gia Vina Chay (Campuchia), và khu bản tồn thiên nhiên Đông An Pha (Lào), đây là vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trong hệ thống các vườn quốc gia trên cả nước, được công nhận là vườn di sản của Đông Nam Á.
Đặc biệt, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen được thiên nhiên ban tặng nền khí hậu trong lành và tinh khiết, nhiệt độ trung bình 180C – 200C. Chính điều kiện tự nhiên độc đáo đó, Măng Đen đã trở thành điểm đến nghỉ dưỡng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với nhiều hồ, thác nước đẹp, bạt ngàn thông xanh, đời sống văn hóa của người bản địa, hoa xứ lạnh, cá hồi, cá tằm… tất cả tạo thành một sức hút riêng mãnh liệt cho khách du lịch khi đến với Măng Đen.
Định hướng phát triển du lịch Kon Tum
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XIV đã đề ra định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, hợp tác, liên kết đầu tư phát triển Du lịch tỉnh Kon Tum, đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh về Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước nhằm thu hút du khách nội địa và khách quốc tế đến với Kon Tum. Trong những năm qua, ngành du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt sau khi các tỉnh Tây nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung triển khai thực hiện liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Lượng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum tăng bình quân hàng năm 26,5%. Đã từng bước quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và khai thác một số tuyến, điểm du lịch hấp dẫn trong số 68 điểm du lịch về văn hóa – di tích lịch sử, 10 điểm về di tích lịch sử cách mạng và 21 điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Trên cơ sở những thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên… để khai thác có hiệu quả những tiềm năng vốn có, ngành du lịch Kon Tum cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển, phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.
Trước hết, du lịch Kon Tum cần quy hoạch chi tiết phát triển một số điểm du lịch nổi bật tại các vùng kinh tế động lực của tỉnh, đẩy mạnh xây dựng và phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các thôn làng của người bản địa tại thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông; phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn xóa đói giảm nghèo cho dân cư trong vùng.
Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum, nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng để thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư, đẩy mạnh chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), với thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đưa Kon Tum trở thành trạm dừng chân quan trọng trong tuyến du lịch: Con đường xanh Tây Nguyên, Con đường di sản, khu vực tam giác phát triển…
Đồng thời, cần tăng cường đầu tư và thu hút đầu tư cho du lịch từ nhiều thành phần kinh tế, từng bước nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch và dịch vụ kỹ thuật, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và ý thức cộng đồng về du lịch.
Hiện thực hóa nội dung hợp tác phát triển du lịch đã được thống nhất tại các Hội nghị khu vực tam giác phát triển: Hội nghị hợp tác phát triển trục kinh tế Đông – Tây, Núi – Biển qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; Hội nghị Ủy ban điều phối chung 3 nước Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV8); Hội nghị tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)… Tích cực mở rộng và tham gia vào các tour, tuyến du lịch lữ hành nội địa và quốc tế, đặc biệt là tuyến lữ hành quốc tế Việt Nam – Lào – Thái Lan.
Với những giải pháp đột phá, hy vọng rằng Kon Tum sẽ xây dựng được các chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, cũng như có những giải pháp đào tạo nhân lực, đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ tương ứng… thực hiện đồng bộ, phát triển nhanh, bền vững ngành du lịch sẽ tạo đà để ngành du lịch Kon Tum phát triển mạnh mẽ, đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên và của khu vực Tam giác phát triển.
Văn Phát