Nằm giữa khu rừng nguyên sinh trong vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây rộng trên 200.000 ha của 4 tỉnh là Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được đánh giá có diện tích rừng che phủ xấp xỉ 99%, có giá trị đặc biệt về khoa học với hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm.
Một thác nước với nhiều hệ thực vật sinh sống xung quanh trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Đa dạng sinh học
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kon Chư Răng với gần 15.500ha rừng đặc dụng, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước được công bố tại các Hội thảo về bảo tồn thiên nhiên thì nơi đây còn hội tụ đủ các tiêu chí của một di sản thiên nhiên, địa chất và môi trường. Bằng chứng là nơi đây còn có những lớp đá tối cổ với niên đại từ 1,4 đến 2,5 tỷ năm cộng với hệ sinh thái vô cùng đặc biệt phong phú với những loài động thực vật đặc hữu. Theo thống kê, KBTTN Kon Chư Răng có 546 loại thực vật bậc cao, trong đó có 18 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và 7 loài được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Đối với hệ động vật có 392 loài, nhiều loài có tên trong Sách Đỏ như vượn má hung, voọc chà vá chân xám, mang Trường sơn… được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học. Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc BQL KBTTN Kon Chư Răng cho biết: “Các nhà nghiên cứu cũng như các đoàn của UNESCO khảo sát sơ bộ nhưng bước đầu khẳng định KBTTN Kon Chư Răng mang tầm cỡ quốc tế về đa dạng sinh học. Năm 2017, chúng tôi phát hiện số lượng loài thực vật bậc cao, kể cả các loài quý hiếm, đặc hữu lên đến 833 loài”. Theo kết quả rà soát quy hoạch rừng đặc dụng toàn quốc giai đoạn 2001 – 2010 của Viện Điều tra quy hoạch rừng, KBTTN Kon Chư Răng có 9 loài thực vật đặc hữu hẹp của Việt Nam, gồm: Thích quả đỏ, Du móc, Song bột, Hoa khế, Trắc, Xoay, Giổi xanh và 2 loại phong lan chỉ duy nhất mới tìm thấy ở vùng này là Lọng Hiệp và Hoàng thảo vạch đỏ…
Cùng với sự đa dạng về hệ sinh thái vùng nhiệt đới, Kon Chư Răng còn được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ. Hệ thống thác nước tại đây được xếp vào bậc nhất quốc gia, trong đó có 12 ngọn thác có độ cao từ 10m trở lên. Với những tiềm năng và lợi thế của cảnh quan và hệ sinh thái, Kon Chư Răng có tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Đây cũng sẽ là một địa điểm lý tưởng để nghiên cứu khoa học, giáo dục về môi trường, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở vùng đệm.
Với gần 99% độ che phủ rừng Kon Chư Răng được đánh giá là mang tầm cỡ quốc tế về đa dạng sinh học.
Làng “kiểm lâm”
Lọt thỏm giữa bốn bề rừng, làng Kon Von 2 (xã Đắc Rong, H. Kbang) là nơi sinh sống của gần 60 hộ đồng bào Ba Na bản địa. Cũng như bao ngôi làng người Ba Na khác luôn chọn núi rừng làm nơi quần cư, cuộc sống gắn liền với rừng từ bao đời, gần chục năm nay, dân làng Kon Von 2 còn có thêm một nghề khác là nghề giữ rừng nên nhiều người đã gọi vui đây là làng “kiểm lâm”. Từ khi chủ trương của Nhà nước trong việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng, già làng Đinh Pách đã đứng ra vận động dân làng cùng tham gia. “Rừng gắn bó với mỗi người Ba Na từ khi sinh ra, dân mình bao đời nay cũng sống nhờ cái rừng rồi. Giờ mình phải cùng Nhà nước giữ lấy rừng cho đời con, đời cháu có cái cây làm nhà, có rừng mà sống chứ”, già làng Đinh Pách tự hào. Từ một nhóm hộ ban đầu tham gia giữ rừng, đến nay người người, nhà nhà trong làng đều là các thành viên quản lý, bảo vệ diện tích rừng được nhận khoán. Không chỉ tích cực trong việc giữ rừng trước những tác động từ bên ngoài, người dân làng Kon Von 2 còn ý thức trong việc làm sao để không tác động tiêu cực đến rừng trong mọi sinh hoạt. Đến nay, người làng Kon Von 2 đã nhận khoán quản lý, bảo vệ 500ha rừng thuộc lâm phần của KBTTN Kon Chư Răng. Đó cũng là nguồn thu đáng kể cho dân làng. Nhờ việc nhận khoán này mà bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là tại KBTTN Kon Chư Răng. Từ đó đến nay, trên khu vực Kon Von 2 chưa xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào.
Điều vui mừng hơn khi hệ sinh thái tự nhiên là rừng Kbang đang được chọn để xúc tiến việc xây dựng Khu sinh quyển Thế giới với gần 90.000ha trên cơ sở kết nối giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Kon Chư Răng và các vùng phụ cận. Việc thực thi đề án này không chỉ góp phần vào việc giữ rừng hiệu quả nhất mà còn ổn định được đời sống cho người dân sống gần rừng bằng việc giao rừng cho họ quản lý, bảo vệ.
MINH TÂN