Côi Trô- “Nàng công chúa ngủ quên”

718

28/11/2021 06:09

Thác Trô thuộc địa bàn thôn 1 (làng Kon Đó – Kon Đôi), xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy. Theo cách gọi của người Xơ Đăng, “côi” có nghĩa là thác nước, còn “Trô” là chỉ tên riêng. Thác có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ và gần như còn ít người biết đến. Có người ví thác Trô như một “nàng công chúa ngủ quên”, bởi nó cuốn hút bất kỳ ai từng đặt chân đến đây.

Trong chuyến công tác đến xã Đăk Kôi, tôi tình cờ biết đến thác Trô qua một người dân tại chỗ và nảy ra ý định khám phá con thác này vào một ngày gần nhất. Tuy nhiên, qua 3 lần liên hệ với UBND xã, tôi đành ngậm ngùi tạm gác lại kế hoạch. Bởi những ngày gần đây, do mưa lớn thường xuyên, làm cho mực nước sông dâng cao nên không thể đến thác  được.

Mãi gần đây, khi mùa khô đến, mưa giảm dần, tôi mới được thỏa mãn mong ước của mình.

Từ thành phố Kon Tum, tôi mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ để đến thôn 1, xã Đăk Kôi. Nhờ liên hệ từ trước, A Nóc và A Niên – cán bộ xã chờ tôi ở đó. Sau đôi lời chào hỏi, tôi theo A Nóc và A Niên khám phá thác Trô.

1
Cả nhóm chuẩn bị lội qua sông Tea A Kôi để đến thác. Ảnh: T.T

Men theo con đường đất nhỏ, chúng tôi hướng đến một con sông cắt ngang, rộng chừng 50m. Bẻ một cành cây mọc bên đường, A Nóc dò dẫm từng bước ra ven bờ sông để đo độ sâu của nước. Loay hoay chừng 15 phút, khi quay lại A Nóc giảng giải: Muốn đến được thác Trô phải lội qua con sông Tea A Kôi này. Ngày thường, nước sông không sâu lắm, chỉ khoảng qua đầu gối. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cơn mưa từ vài ngày trước nên hiện tại nước vẫn đang dâng cao.

Dò dẫm một hồi, A Nóc lấy cây chỉ chỗ nước nông nhất để lội qua sông. A Nóc đi trước, chúng tôi lội sau. “Cậu phóng viên cẩn thận kẻo ướt máy móc, đồ nghề tác nghiệp!”- A Nóc khuyên.

Mực nước cao khoảng ngang bụng tôi, dòng chảy khá xiết. Tuy nhiên, dựa dẫm vào nhau dò từng bước chân, cuối cùng chúng tôi qua được bờ bên kia an toàn.

Trên con đường vào thác Trô, cảnh sắc xung quanh cũng thay đổi rất đa dạng. Băng qua những mô đất nhấp nhô với cỏ bông lau cao quá đầu người, A Niên trò chuyện: Từ đây, chỉ cần cuốc bộ qua 2 con dốc nữa thôi, tầm khoảng 2 km là đến thác Trô rồi. Cứ tiếp tục di chuyển, đừng đứng yên một chỗ nhé! Bởi khu vực này có cả ruồi vàng và vắt, bị chúng đốt thì khó chịu lắm đấy!

Sau khoảng hơn 35 phút đi bộ, lội qua vài con suối nhỏ, tôi có thể nghe được tiếng ầm ầm của thác nước đổ xuống. Âm thanh cứ thế vang vọng, lan ra cả một góc rừng. Đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân hình thành nên câu chuyện truyền miệng từ thời xa xưa của người Xơ Đăng. Chuyện kể rằng, thác Trô rất linh thiêng, có Yàng (thần linh) trông coi. Nếu ai có ý định băng rừng đến gần thác, sẽ bị trừng phạt. Người đó sẽ nghe được những tiếng động tựa như tiếng nói của thác, rồi sau khi trở về, họ sẽ bị đau ốm, bệnh tật…

Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, bà con hiện nay chẳng mấy ai tin vào câu chuyện này nữa. Tuy nhiên, cũng nhờ câu chuyện truyền miệng này mà trong suốt nhiều năm qua, thác Trô hầu như ít bị tác động bởi con người. Thác vẫn giữ được nét nguyên sơ, kỳ vĩ và có phần huyền bí mà tạo hóa đã ban tặng.

Theo lời kể từ những người Xơ Đăng sống quanh chân thác, nguồn nước cung cấp cho thác Trô bắt nguồn từ tận rừng sâu, vượt qua vùng giáp ranh giữa xã Măng Cành (huyện Kon Plông) và xã Đăk Kôi. Thác có tổng cộng 9 tầng, trong đó, mỗi tầng đều mang một cảnh sắc riêng, hấp dẫn.

2
Vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của thác Trô. Ảnh: T.T

Vừa đi vừa trò chuyện để vơi sự mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được với thác Trô. Nhìn từ khoảng cách gần, dòng nước trắng xóa từ trên cao đổ xuống trông mượt mà, uyển chuyển tựa như mái tóc của “nàng công chúa” ngủ trưa. Dưới ánh nắng mặt trời, dòng thác ánh lên những hào quang đa sắc màu, lấp lánh như những món đồ trang sức huyền ảo, trông thật bắt mắt.

Xung quanh chân thác, thảm thực vật cũng phong phú và đa dạng hơn bên ngoài. Nhờ lượng nước dồi dào, nên cây cối mọc um tùm, tốt tươi, thậm chí có những gốc cây phải đến 2 – 3 người ôm. Chính điều này tạo nên một môi trường hoàn hảo để chim muông kéo về kiếm ăn, làm tổ. Tiếng hót của nhiều loài chim hệt như một bản hòa ca giữa rừng.

Di chuyển trên những tảng đá lớn, chúng tôi hướng đến tầng cao nhất của thác Trô. Từng làn hơi nước mát lạnh phả ra từ dòng chảy như khích lệ tinh thần cho mỗi chúng tôi thêm phấn chấn để hoàn tất cuộc hành trình. Càng lên cao, những tảng đá ngày càng cheo leo, hiểm trở với rêu phong lớp lớp theo thời gian. Chúng tôi cũng chủ động giảm tốc độ di chuyển để đảm bảo an toàn. Có những chỗ, chúng tôi phải dùng cả hai tay để bám cây, bám đá nhằm chống trượt khi di chuyển.

Cứ như vậy, miệt mài qua từng tầng thác, chúng tôi chạm được đích đến cuối cùng là tầng cao nhất của thác Trô (tầng thứ 9). Dù mỏi mệt chân tay, ai nấy thấm đẫm mồ hôi, nhưng mỗi chúng tôi đều nở nụ cười ngạc nhiên, bởi vừa ngộ ra một điều bất ngờ, thú vị khác: Hóa ra, nhánh thác nhỏ chảy bên cạnh mà ban đầu chúng tôi vốn nghĩ thuộc thác Trô, thực chất lại là một con thác khác. Đây chính là 2 dòng thác song song, từ 2 nguồn nước khác nhau, cứ thế tuôn chảy, tựa như hòa vào làm một.

3
Đến với tầng thứ 7 của thác Trô. Ảnh: T.T

Từ trên cao nhìn xuống, một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Màu xanh của cây cối, màu đá vôi, màu trắng của nước… hòa quện với nhau, tạo nên những gam màu sáng tối, bắt mắt, mà ít nơi khác có được. Cứ như thế, mỗi người chúng tôi đều im lặng, bắt trọn khoảnh khắc này, để giữ cho riêng mình.

Sau khi thỏa sức mình khám phá thác Trô, chúng tôi quay ra khi hoàng hôn đang dần buông xuống. Khác với khi đến, bây giờ cảm giác về cung đường cũ không còn xa, trắc trở như trước nữa. Dường như những gì chúng tôi thu được từ chuyến đi này đã khỏa lấp những mỏi mệt trên cung đường khó nhọc, gập ghềnh vừa qua. Cứ vậy, chúng tôi thao thao trò chuyện, chẳng mấy chốc ra đến bờ sông Tea A Kôi.

Ra đến thôn 1, chúng tôi thấy lác đác có nhà lên đèn. Sau những cái bắt tay xiết chặt từ biệt, chúng tôi mỗi người một ngả. A Nóc và A Niên hướng về phía UBND xã Đăk Kôi, còn tôi tiếp tục vượt 60 km để trở về thành phố Kon Tum. Dù cả người ướt sũng khiến tôi luôn rùng mình trước những cơn gió lạnh, nhưng tôi đã mau chóng quên đi cảm giác này. Bởi tâm tưởng, trong tôi luôn hiển hiện một cảm xúc đẹp, đầy lưu luyến sau chuyến đến thác.

TẤT THÀNH


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/coi-tro-nang-cong-chua-ngu-quen-21641.html