Cẩm nang du lịch Gia Lai

212

Gia Lai nằm ở phía bắc Tây Nguyên – tỉnh có diện tích lớn thứ hai của Việt Nam sau Nghệ An. Phía đông bắc Gia Lai giáp Quảng Ngãi, phía đông giáp Bình Định, phía đông nam giáp Phú Yên, phía tây giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia), phía nam giáp Đăk Lăk và phía bắc giáp Kon Tum. Thành phố tỉnh lỵ của Gia Lai là Pleiku. Các điểm du lịch ở Gia Lai tập trung chủ yếu ở thành phố Pleiku và khu vực lân cận trong bán kính 20-30 km.

Gia Lai thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao, lượng mưa lớn, không có bão và sương muối. Thời tiết được chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm dao động 20 đến 25 độ C.

ttxvn nui lua 1 8388 1698744218Núi lửa Chư Đăng Ya ở Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVNLưu trú

Khách sạn ở Gia Lai rất đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung ở TP Pleiku. Các khách sạn cao cấp có Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Boston Hotel, có giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng một đêm.

Khách sạn ở mức trung bình, dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng một đêm có Công Đoàn, Pleiku Hotel, Hoài Thương Gia Lai, La MIA Lakeview, Tre Xanh, Khải Hoàn, Vĩnh Hội.

Ở Gia Lai có khá nhiều các homestay như Sora, Moonlight, Tiên Sơn Pleiku, Gió, giá trung bình 300.000 đồng một phòng.

Đi lại

Đường hàng không

Sân bay Pleiku cách trung tâm thành phố khoảng 7 km, thời gian di chuyển bằng ôtô chừng 15 phút. Các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đều có các chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM tới Pleiku. Giá vé khứ hồi dao động từ 1,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng tùy điểm xuất phát và giờ bay. Từ TP Đà Nẵng, tùy thời điểm, đường bay sẽ được mở.

pleiku 4788 1698744218Sân bay Pleiku.

Đường bộ

Gia Lai có hạ tầng giao thông đường bộ khá thuận lợi nên có thể di chuyển từ các thành phố lớn như Đà Nẵng và TP HCM tới Pleiku. Từ TP HCM, du khách đi theo CT02 và QL14. Quãng đường khoảng 500 km, thời gian di chuyển trung bình 10 tiếng. Xe khách khởi hành từ Bến xe Miền Đông. Từ Đà Nẵng, du khách có thể đi theo cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sau đó là QL24. Quãng đường 380 km, thời gian di chuyển khoảng 7 tiếng.

Đi lại trong tỉnh, du khách có thể thuê xe ôtô tự lái, nhận ở sân bay hoặc khách sạn. Giá dao động từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng tùy loại. Xe máy có giá thuê từ 80.000 đến 120.000 đồng một ngày. Ngoài ra, du khách có thể chọn xe buýt trong thành phố Pleiku, có một số tuyến tới những điểm du lịch nổi tiếng như Biển Hồ, đồi chè hoặc đi tới Kon Tum.

Chơi đâu

Cụm danh thắng Biển Hồ – đồi chè – hàng thông trăm tuổi – chùa Bửu Minh là điểm đến nổi tiếng nhất tại TP Pleiku.

Biển Hồ

bienho-8869-1698229159.jpg

bienho1-4618-1698229160.jpg

Hồ T’Nưng (hay Biển Hồ hoặc hồ Ea Nueng) là hồ nước ngọt nằm tại xã Biển Hồ, cách trung tâm TP Pleiku 7 km về phía bắc. Hồ nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Biển Hồ – Chư Đăng Ya, có một dải đất chạy dài đến giữa lòng hồ mang đến cho du khách tầm nhìn toàn cảnh, với rừng thông xanh mát. Đây là địa danh nổi tiếng tại Pleiku, nơi “phải đến” của du khách.

Hồ nằm ở độ cao 800 m so với mực nước biển, rộng gần 300 ha. Nơi đây vốn là ba miệng núi lửa thông nhau, bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao nên dù đứng từ xa vẫn nhìn thấy rõ. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.

Đồi chè

Bienhoche jpeg 4027 1698725774Một góc của Biển Hồ Chè. Ảnh: Vietnam Booking

Đồi chè nằm gần Biển Hồ, còn được gọi là Biển Hồ Chè, có diện tích hơn 1.000 ha, bao phủ một màu xanh của lá chè đến tận chân của những ngọn núi xung quanh. Đồi chè ở đây đã có từ năm 1919 khi người Pháp bắt đầu khai khẩn vùng đất cao nguyên Pleiku để trồng chè. Bạn nên đến vào sáng sớm, khi những làn sương còn giăng kín cả con đường, khung cảnh huyền ảo hoặc khi mặt trời mới lên, trong khoảng thời gian 7 đến 9h để có những bức ảnh đẹp.

Hàng thông trăm tuổi

thongT 8065 1698229160Hàng thông trăm tuổi. Ảnh: Bùi Văn Hải

Hàng thông trăm tuổi nằm kế bên Biển Hồ Chè, cách trung tâm Pleiku khoảng 12 km. Đây là con đường dưới tán thông dài gần 1 km, được trồng từ năm 1917 với 101 gốc. Nơi đây nào cũng đông khách du lịch và giới trẻ tới chụp ảnh, người dân Pleiku cũng thường chạy tập thể dục quanh khu vực này. Thời gian đẹp nhất để ngắm và chụp ảnh với con đường là vào sáng sớm, khi vẫn còn sương và ánh nắng chiếu xiên qua kẽ lá. Dọc hàng thông là một vài quán cà phê di động trên những chiếc ôtô cũ được trang trí lại, là điểm thư giãn cho du khách.

Chùa Bửu Minh

Bửu Minh là ngôi chùa cổ nhất Gia Lai, nằm giữa Biển Hồ Chè. Chùa được xây dựng năm 1936, ban đầu có tên là chùa Phật Học, sau đó được trùng tu và mang tên Bửu Minh từ năm 1961. Chùa có mái giống nhà rông Tây Nguyên, nhưng lại có các đường nét kiến trúc của những ngôi chùa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bửu Minh còn được xem là một trong những ngôi chùa có đỉnh cao nhất Việt Nam. Đầu đao mái chùa, mái tháp mềm mại như thuyền độc mộc, kiến trúc bằng bê tông cốt thép, diện tích ngôi chánh điện 520 m2, cao hơn 47 m. Vào những ngày lễ lớn, nơi đây khá đông người dân bản địa đến viếng thăm, cầu bình an.

BM1-4584-1698724526.jpg

BM2-4228-1698724526.jpg

Quảng trường Đại Đoàn Kết

Quảng trường Đại Đoàn Kết là trung tâm của thành phố Pleiku, được khánh thành vào tháng 12/2012 với diện tích 12 ha. Cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật và Tượng đài Anh hùng Núp, nơi đây tạo nên quần thể kiến trúc – văn hóa mang đậm đà bản sắc Tây Nguyên. Nằm trong khuôn viên quảng trường còn có một số công trình lớn như tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao hơn 10 m, khối đá 3 tầng hình trụ tượng trưng cho 54 dân tộc, dàn cồng chiêng – biểu tượng đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Đây là không gian giao lưu văn hóa, thư giãn của người dân Gia Lai và du khách.

Chùa Minh Thành

Nằm trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố 2 km, chùa Minh Thành được xây dựng từ năm 1964 và trở thành nơi hành hương, thờ cúng quen thuộc của người dân địa phương. Chùa rộng 20.000 m2 gồm nhiều khu nhà được thiết kế với phần mái chóp uốn cong, có kiến trúc gần giống với các ngôi chùa Nhật Bản.

Tượng Phật bà Quan Âm đặt chính giữa cửa ra vào và trang trí cây xanh, cột đá, tượng kỳ lân đối xứng bằng đá được chạm trổ tinh xảo, cao 7,5 m, nặng 40 tấn. Sân chùa rộng, được trang trí bằng tiểu cảnh, tượng đá, vật liệu gỗ được chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, chùa còn có không gian xanh được các nhà sư thiết kế riêng bằng cây cối và tiểu cảnh làm cho bầu không khí trở nên trong lành, thanh tịnh.

Núi lửa Chư Đăng Ya

Nằm cách TP Pleiku khoảng 30 km, Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa được hình thành và tồn tại qua hàng triệu năm. Sau khi phun trào hết dòng nham thạch, núi lửa Chư Đăng Ya đã “ngủ im” và trở thành điểm tham quan nổi tiếng. Quanh khu vực này, hoa và cây xanh bốn mùa tươi tốt. Đứng trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya, du khách sẽ thấy toàn cảnh TP Pleiku. Hiện đường dẫn đến chân núi lửa đã được trải bê tông, thuận tiện di chuyển. Để lên tiếp đỉnh, du khách có thể leo bộ hoặc thuê xe ôm với giá khoảng 100.000 đồng.

Dịp cuối tháng 10 và đầu tháng 11 mỗi năm, hoa dã quỳ nở rộ dọc đường đi và quanh khu vực núi lửa.

Đập Tân Sơn

daptanson 6712 1698744218Đập Tân Sơn là điểm đến của nhiều bạn trẻ thích chụp ảnh. Ảnh: Pong

Đập Tân Sơn hay còn được gọi là hồ thủy lợi Tân Sơn nằm ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, cách trung tâm thành phố Pleiku 25 km về phía bắc, trên cung đường đến núi lửa Chư Đăng Ya.

Đập được xây dựng năm 2007 và đưa vào sử dụng năm 2010, cung cấp nước cho cả vùng, giúp điều tiết và tạo sự hài hòa cho cảnh quan tự nhiên trong vùng. Hồ thủy lợi tại con đập dự trữ một lượng nước lớn của mùa mưa để phục vụ canh tác nông nghiệp khi Gia Lai bước vào mùa khô. Nhờ cảnh quan đẹp và yên bình nên đây cũng là điểm hút khách du lịch, đặc biệt những bạn trẻ thích chụp ảnh.

Thác K50

Thác K50 (còn gọi là thác hang Én) nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K’Bang, phía bắc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 150 km. Mùa đẹp nhất để khám phá thác là từ tháng 3 đến 6 hàng năm khi trời nắng đẹp, không mưa và thác chảy êm. Du khách có thể đi trong ngày từ Pleiku nhưng theo tư vấn của nhiều người, nên ở lại vùng lân cận qua đêm, hoặc cắm trại trong khu bảo tồn.

Ngọn thác có tên gọi là Hang Én vì đằng sau dòng nước là nơi sinh sống của nhiều loài én. Còn tên gọi K50 chỉ độ cao 50 m của thác. Trước đây để đến được thác, du khách cần băng rừng khoảng 8 tiếng song hiện có thêm nhiều đường bê tông, cho phép xe máy vào gần chân thác. Hết đường bê tông, du khách đi bộ khoảng 20 phút là tới. Du khách cần trang bị quần áo dài tay, tất cao cổ và gậy dò đường để tránh côn trùng, rắn rết.

Nhà máy thủy điện Yaly

Yaly nằm trong hệ thống thủy điện trên sông Sê San, là một trong những điểm du lịch đông khách nhất tỉnh Gia Lai, cách trung tâm Pleiku gần 40 km. Khung cảnh trên đường từ thành phố tới thủy điện rất đẹp, với nhiều rừng nguyên sinh, đồi núi và sông ngòi. Nhà máy được xây dựng năm 1993, là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Sông Đà. Thủy điện Yaly gắn liền với thác Yaly, từng là một trong những thác nước lớn và đẹp nhất Việt Nam với độ cao 42 m, phong cảnh hữu tình.

Nhà máy mở cửa tham quan theo giờ hành chính. Lộ trình tham quan gồm cổng chính nhà máy – đập tràn xả lũ – tuyến đập dâng – khu vực đài tưởng niệm. Tùy thời điểm, nhà máy sẽ mở cửa gian máy ngầm. Du khách cần liên hệ trước. Vé vào cửa 50.000 đồng một người.

Yaly1-7130-1698744218.jpg

Yaly2-9013-1698744218.jpg

Thác chín tầng

Không cao nhưng lại uốn lượn và trải dài dọc theo những vách đá lớn từ đỉnh núi xuống dưới chân, thác chín tầng được coi là nơi du lịch rất lý tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm. Nằm cách Pleiku 30 km, ngọn thác được bao bọc trong một hệ sinh thái rừng nguyên sơ. Bắt nguồn từ một dòng sông trên đỉnh núi, với dòng chảy mạnh, thác tạo nên một cảnh quan hùng vĩ.

Thác chín tầng không đổ thẳng xuống mà uốn lượn, len lỏi theo những vách đá, chia ngọn thác thành 9 tầng. Mỗi tầng có độ cao từ 5 đến 10 m, riêng hai tầng cuối thì khoảng 15 m. Nhìn từ xa, dòng thác tựa con rồng đang uốn cong chuẩn bị bay lên trời.

Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, với khí hậu mát mẻ quanh năm. Vườn nằm ở phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km. Kon Ka Kinh có tên trong danh sách các khu rừng đặc dụng Việt Nam từ năm 1986, với hệ động thực vật phong phú.

Sức hấp dẫn Vườn Quốc gia này còn nằm ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên như thác Đak Pooc, suối Knia, Đak Kơ Bưng, thác Đak Pooc, thác 95 nổi tiếng và đẹp nhất có độ cao khoảng 40 m. Kon Ka Kinh có đỉnh cao nhất 1.748 m so với mặt nước biển, ngoài ra còn nhiều dãy núi có độ cao trung bình 1.200-1.500 m, thấp dần từ bắc xuống nam.

Đồi cỏ hồng

cohong1 8666 1698744218Cỏ hồng Gia Lai vào mùa. Ảnh: TNR

Đồi cỏ hồng Gia Lai thường xuất hiện vào đầu mùa khô khi Tây Nguyên bắt đầu ngừng những cơn mưa. Đồi cỏ nằm ở huyện Đăk Đoa, cách thành phố Pleiku khoảng 20 km, một số du khách còn gọi là “thung lũng cỏ hồng Glar”. Ngoài là nơi đẹp để ngắm cảnh, đồi cỏ hồng Gia Lai còn là địa điểm nhiều gia đình đến đây dã ngoại, cắm trại, tạm xa sự xô bồ náo nhiệt của phố thị. Ngoài đồi cỏ hồng này, Gia Lai còn có một đồi cỏ hồng khác ở huyện Chư Sê, cũng thường xuất hiện vào tháng 11 và 12, thời điểm đẹp trong ngày là sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn.

Ăn gì

Gà nướng cơm lam

gaT 4307 1698654411Món gà nướng đặt trưng ở phố núi Pleiku. Ảnh: Chu Chu

ga-nuong-3804-1698654411.gif

ga4-6124-1698654411.jpg

Đến Pleiku, thực khách sẽ thường được giới thiệu món gà nướng, đặc biệt là gà ở làng Têng (xã Tân Sơn, TP Pleiku). Chủ quán lấy tên làng đặt cho quán và ngày nay có tên Plei Têng. Không gian quán rộng rãi mát mẻ, nhiều cây xanh, thực khách ngồi bệt trên nhà sàn. Có gần 10 nhà sàn, mỗi nhà có sức chứa khoảng 20 người. Giữa không gian quán dành khoảng trống để tổ chức các chương trình giao lưu tập thể.

Các món ăn đặc trưng nhất ở đây là gà nướng, thịt lợn nướng (xiên hoặc nguyên con), ăn kèm cơm lam. Gà được chọn để nướng thường là những con thả vườn ít mỡ, có thịt săn chắc. Gà được nướng trực tiếp trên lửa than hồng, cắm một que xiên vào thân để xoay các mặt gà được chín đều. Đồ ăn được làm tại chỗ, thực khách có thể vừa đợi vừa theo dõi món ăn chín dần. Khi đem ra phục vụ, thịt còn nóng hổi, dai ngon, da vàng giòn. Giá một con gà khoảng 200.000 đồng.

Một số quán gà nướng khác: Gà nướng cơm lam Gia Lai Bazan, Quán nghệ nhân Ksor Hnao, Quán Ia Gui.

Phở hai tô

phokho 9933 1698744218Phở hai tô đặc trưng Gia Lai, gồm bát phở khô và nước dùng (thịt bò). Ảnh: Phở Hồng

Đây được coi là món ăn “phải thử” khi đến phố núi. Như tên gọi, thực khách sẽ được phục vụ cùng lúc hai bát, một đựng bánh phở, một đựng nước dùng. Nước dùng phở khô có vị thanh, ngọt nhẹ, ít gia vị, được ninh từ xương lợn và xương bò hoặc gà.

Nhìn thoáng qua, món phở hai tô có vẻ ngoài giống với miến trộn của miền Bắc. Điểm khác biệt là sợi phở có màu trắng ngà chứ không trong suốt sau khi nấu chín như miến. Sợi phở chín được cho vào bát, thêm tóp mỡ, hành phi, hành lá, thịt lợn băm và thịt bò hoặc gà. Ngoài các loại rau thơm ăn kèm như giá đỗ, húng quế, xà lách, rau mùi, phở khô không thể thiếu một loại gia vị đặc trưng, tạo nên linh hồn của món ăn là tương đen Gia Lai. Món ăn đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á đã công nhận “Giá trị ẩm thực châu Á” năm 2012.

Các quán phở hai tô nổi tiếng: Phở Hồng, phở Ngọc Sơn, phở khô Bé Tư.

Bò một nắng hai sương

motnang1-4755-1698744218.jpg

motnang-4218-1698744219.jpg

Bò vùng cao nguyên Krông Pa được chăn thả tự nhiên, khi 5-7 tuổi thì thịt đủ tiêu chuẩn làm bò một nắng hai sương. Để có sản phẩm ngon và không dai, người ta dùng lõi thịt của hai đùi sau và thăn, loại bỏ gân, thái miếng rồi ướp hỗn hợp gia vị gồm tỏi, hành khô, ớt. Sau khi thịt thấm gia vị, đem sấy bằng than hoa. Miếng thịt không chín khô như gác bếp, mà chỉ chín 60%, se se bên ngoài, bên trong vẫn mềm ngọt. Khi ăn, mang thịt áp chảo rồi xé nhỏ dọc theo thớ. Có thể nướng lại khoảng 15-20 phút.

Bò một nắng hai sương có thể chấm với tương ớt, muối tiêu chanh, nhưng ngon nhất là dùng với muối kiến vàng. Đây là loại gia vị của dân tộc Ê Đê, được rang khô, giã chung với ớt, muối, rau ngổ, rau răm và lá then len.

Bún cua thối

bun cua 9510 1698744219Bún cua thối. Ảnh: Anh Minh

Bún mắm cua hay còn được gọi là bún cua thối là một trong những đặc sản Gia Lai, có nguồn gốc từ Bình Định. Món ăn gây tò mò với du khách vì cái tên và mùi vị. Thực chất, loại mắm dùng để nấu nước lèo là mắm ủ từ cua đồng nên có mùi đặc trưng, nơi khó chịu khi mới ngửi. Tuy nhiên, nếu thực khách thử một lần nước dùng sẽ thấy sự hấp dẫn. Bún ăn kèm bì heo chiên giòn, bánh phồng tôm, chả nem, thịt ba chỉ. Nhiều người thoạt ngửi mùi lạ của mắm cua thì e dè nhưng đã một lần thưởng thức thì nhớ mãi vì hương thơm và vị đậm đà.

Cà phê Pleiku

Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ tư toàn quốc, cùng với Buôn Ma Thuột là điểm thưởng thức cà phê nổi tiếng ở vùng Tây Nguyên. Thổ nhưỡng và khí hậu Pleiku mang đến chất lượng cà phê thượng hạng. Nếu muốn mua cà phê làm quà, bạn có thể chọn những thương hiệu cà phê rang xay nổi tiếng như Thu Hà, Phiên Phương, Dinh Điền, Thanh Thủy.

Pleiku cũng có nhiều quán cà phê nổi tiếng to và đẹp như Omely, Maya, Cuội Acoustic, Java Coffee, quán cổ Pleiku, V7 Coffee.

Lưu ý

Các nhà hàng tại TP Pleiku được Sở Du lịch gợi ý: Tre Xanh (phố Lê Lai), nhà hàng Khách sạn Gia Lai Pleiku (phố Lê Lợi), Ngọc Lâm (Phan Đình Phùng), nhà hàng sân vườn Thiên Thanh (hẻm 22 đường Phạm Văn Đồng), nhà hàng Lâm Viên (Phan Đình Phùng).

Sân bay Pleiku nhỏ nên nhiều khi các chuyến bay có thể hoãn hoặc hủy, tùy thuộc điều kiện khai thác.

Ngoài những điểm đến kể trên, du khách có thể dừng chân ở nhiều nơi dọc đường đi, đặc biệt là những rừng cao su bạt ngàn để chụp ảnh.

Tâm Anh

Cập nhật 2/11/2023, 09:26 (GMT+7)


Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/cam-nang-du-lich-gia-lai-4668792.html