Vinh danh các nghệ nhân bảo tồn và phát huy nghề truyền thống

223

baotintuc.vn

Tại Hội nghị, 6 nghệ nhân, cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen; 23 nghệ nhân, cá nhân được Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen do đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ là J’Rai, Bahnar, Xơ Đăng, Gié Triêng, B’râu, Rơ Măm, H’re. Đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ từ xa xưa đã hình thành, xuất hiện, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; trong đó có các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm… Qua đó, tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo và nền tảng tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và phát triển của xã hội hiện đại, cùng với việc nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên đang dần khan hiếm, thế hệ trẻ không quá mặn mà…, các nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị các nghề thủ công truyền thống là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, việc vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, gia đình, cá nhân sẽ tạo động lực khuyến khích người dân tiếp tục tham gia vào công tác bảo tồn các nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống nói chung, nghề truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng. Nhờ đó, số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn từ trên 2.200 người (năm 2015) tăng lên trên 12.000 người (năm 2022). Nghề thủ công truyền thống đang có vai trò quan trọng, trở thành sản phẩm đặc trưng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thu hút khách du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đơn cử, làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) có 254 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ J’Rai. Người dân trong làng có nhiều nghề truyền thống lâu đời như: rèn, đan lát, nấu rượu cần…; song chỉ còn một vài hộ dân và nghệ nhân còn lưu giữ. Nghệ nhân Ưu tú A Huynh (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy) cho biết, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn tiếp tục duy trì nghề truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghề. Nhờ đó, nhiều gia đình đã nhận thấy được sự hữu ích, ưu việt của các sản phẩm thủ công và đã quay lại với các nghề truyền thống.

Theo bà Y Lô, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Sa Thầy, thực hiện các chính sách, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, so với trước đây, số lượng hộ dân, cá nhân biết các nghề truyền thống đã dần tăng lên. Đến nay, toàn huyện đã có trên 300 người dân tộc thiểu số tại chỗ biết dệt vải và có khả năng truyền dạy cho thế hệ trẻ; 10 thợ đẽo thuyền độc mộc; 12 nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian…


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/van-hoa/vinh-danh-cac-nghe-nhan-bao-ton-va-phat-huy-nghe-truyen-thong-20230929120605605.htm