Tố Hữu – nhà cách mạng, nhà thơ lớn

226

Trải qua thời gian nhưng hình ảnh về người lãnh đạo gần gũi, thân thuộc cùng những vần thơ đi vào lòng người của đồng chí Tố Hữu luôn sống mãi và là niềm tự hào của người dân Cố đô.

Chú thích ảnhẢnh đồng chí Tố Hữu tại Nhà lưu niệm. 

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi

Đồng chí Tố Hữu, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920 ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhưng quê hương của ông ở làng Phù Lai (nay là thôn Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế). Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, hiếu học, có truyền thống yêu nước, với sự dìu dắt, chỉ bảo của người cha nên khi vừa tròn 4 tuổi, Tố Hữu đã biết chữ quốc ngữ, lên 6 tuổi, ông được đến trường học lớp nhất. Tố Hữu học hai năm đầu tiểu học ở Hội An, đến năm 1929, ông theo gia đình ra Huế. Mặc dù được sinh ra ở Hội An nhưng Thừa Thiên – Huế lại là quê hương, là nơi khơi nguồn, bồi đắp lý tưởng và bầu nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn thơ ca của Tố Hữu. Đây cũng là nơi đã chứng kiến những bước trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thơ ca của ông.

Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào học tập tại Trường Quốc học Huế. Tại mái trường này, ông đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mác, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh… Đặc biệt, với sự dìu dắt của các đồng chí Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu… Tố Hữu đã sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tháng 4/1939, đồng chí Tố Hữu bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao, như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Tuy nhiên, ngục tù của thực dân đã không khuất phục được ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu. Trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu như một tiếng kèn thôi thúc, như lời mách bảo, nung nấu ý chí, cuốn hút lớp lớp thanh niên đi theo cách mạng, để giành lại độc lập tự do, tương lai tươi sáng cho dân tộc.

Tháng 3/1942, đồng chí vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và được phân công tham gia tổ chức Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy. Những năm tháng gian khó của cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã cùng với đồng chí, đồng bào xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở miền Trung. Ngày 17/8/1945, theo sự chỉ đạo của Trung ương, đồng chí đến Huế cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên – Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở đây.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thái Sơn cho biết, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Tố Hữu đã có công lớn trong việc khôi phục lại tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương mà trước đó đã bị địch đàn áp dã man. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh, đồng chí đã cùng với Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Huế – kinh đô của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, là nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật. Đồng thời, lãnh đạo củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ khi mới được thành lập.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Tố Hữu luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng chí Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm, xung phong vào chiến trường miền Nam, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn để viết nên những câu thơ hùng tráng, có sức lay động mạnh mẽ lòng người, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng của bao lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, đồng chí Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó, từ tháng 3/1982 – tháng 6/1986, đồng chí Tố Hữu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng.

Người con ưu tú của quê hương

Chú thích ảnh Khu Công viên văn hóa và Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu đang được hoàn thiện nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền Trần Quốc Thắng cho biết, đồng chí Tố Hữu là người con ưu tú, niềm tự hào của quê hương Quảng Thọ anh hùng. Với 82 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và làm thơ, đồng chí Tố Hữu luôn dành tình cảm đặc biệt đối với mảnh đất quê hương. Đây cũng chính là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương ra sức phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nằm bên bờ sông Bồ xanh mát, khu Công viên văn hóa và nhà Lưu niệm đồng chí Tố Hữu ở thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ đang khẩn trương được hoàn thiện nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (4/10/1920 – 4/10/2020). Đây là công trình thể hiện tâm huyết, niềm mong mỏi bấy lâu của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương muốn có một địa điểm văn hóa, nơi lưu giữ các tư liệu, hiện vật về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tố Hữu trên mảnh đất quê hương nghĩa nặng, ân tình. Công trình có diện tích rộng khoảng hơn 4.000 m2, nằm trên nền đất cũ của tổ tiên đồng chí Tố Hữu và đất của một số hộ dân sinh sống liền kề đã tự nguyện di dời, góp phần tạo nên một khuôn viên thoáng rộng, khang trang như ngày hôm nay.

Bà Võ Thị Thúy Lộc, 72 tuổi, ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cho biết, trong ký ức của nhiều người dân ở Quảng Thọ, mỗi lần về thăm quê hương, đồng chí Tố Hữu luôn gần gũi thăm hỏi bà con chòm xóm, vui mừng với sự đổi thay đi lên của quê hương. Từ khi khu Công viên văn hóa và Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu được khởi công xây dựng từ cuối tháng 4/2020 đến nay, bà con nhân dân địa phương vô cùng tự hào, phấn khởi, thường xuyên lui tới ghé thăm tiến độ công trình, cùng chung tay góp công, góp sức để công trình có thể khánh thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông.

Khu Công viên văn hóa và Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu nằm trên trục đường chính của xã, giữa khung cảnh thơ mộng của làng quê xứ Huế, góp phần tô điểm cho bức tranh nông thôn mới ở đây. Năm 2018, Quảng Thọ là một trong những xã sớm về đích nông thôn mới của huyện Quảng Điền và đang hướng tới xây dựng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến trong năm 2020, Quảng Điền sẽ được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Thọ Hoàng Công Phong cho biết, địa phương tự hào là quê hương của hai nhà lãnh đạo cách mạng lớn của Đảng là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Tố Hữu. Việc khánh thành khu Công viên văn hóa và Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu tạo thêm một “địa chỉ đỏ” để giáo dục về truyền thống cách mạng của quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, địa phương sẽ phát huy hiệu quả công trình văn hóa ý nghĩa này để phục vụ du khách gần xa có dịp về thăm quê hương của nhà lãnh đạo cách mạng, nhà thơ Tố Hữu.

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí Tố Hữu đã có nhiều công lao, thành tích to lớn, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật cùng nhiều Huân chương, Huy chương và phần thưởng cao quý khác. Nhưng trên tất cả, đồng chí Tố Hữu luôn dành trọn được niềm tin yêu, quý trọng trong trái tim của người dân Thừa Thiên – Huế nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.

Đi tới nguồn bài viết