baokontum.com.vn
Luôn giữ cho mình sự đam mê, nhiệt huyết, chàng trai trẻ A Trời (sinh năm 1997, dân tộc Xơ Đăng) là một gương mặt tiêu biểu trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Câu chuyện về niềm đam mê thổi hồn vào cồng chiêng, những điệu múa và bài dân ca của A Trời có sức lan tỏa những giá trị văn hóa của người Xơ Đăng ở địa phương.
A Trời sinh ra tại thôn Kon Stiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, một địa phương nổi bật với những đặc trưng văn hóa của người Xơ Đăng. Ngay từ khi còn nhỏ, A Trời được tiếp xúc với những âm thanh đặc trưng của cồng chiêng, điệu xoang, những làn điệu dân ca ngọt ngào mà các thế hệ lớn tuổi trong làng truyền lại. Âm thanh của cồng chiêng, những điệu xoang uyển chuyển, tinh tế của các nghệ nhân trong làng đã thấm vào A Trời, hình thành nên niềm đam mê mạnh mẽ và sâu sắc đối với văn hóa truyền thống.
Từ rất sớm, A Trời cảm nhận được sự kết nối sâu sắc giữa mình và không gian văn hóa Tây Nguyên. A Trời cởi mở: “Khi còn bé, mình được nghe mẹ kể về những câu chuyện người Xơ Đăng qua từng điệu múa, giai điệu cồng chiêng, làn dân ca; về lòng kiên trì, sự tôn trọng với văn hóa truyền thống và sự biết ơn với những thế hệ đi trước.”
Hình ảnh A Trời – chàng trai Xơ Đăng khỏe khoắn xuất hiện trong các buổi trình diễn văn hóa truyền thống. Ảnh: T.T
Mẹ của A Trời là nghệ nhân ưu tú Y Der – người có công dìu dắt, thổi vào lòng anh tình yêu văn hóa truyền thống. Với nghệ nhân Y Der, việc truyền lại cho A Trời cũng như con cháu trong làng là trách nhiệm thiêng liêng, không chỉ để giữ gìn di sản văn hóa mà còn để thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn về cội nguồn văn hóa của dân tộc mình.
Mặc dù sinh ra trong môi trường giàu bản sắc văn hóa, nhưng để thực sự tỏa sáng trong nghệ thuật truyền thống, A Trời đã phải vượt qua không ít thử thách. Khi bước chân vào con đường múa dân gian, anh không chỉ cần sự kiên trì luyện tập mà còn phải tự học hỏi, nghiên cứu để nắm vững kỹ thuật biểu diễn và hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của từng điệu múa, từng giai điệu cồng chiêng, làn điệu dân ca.
“Ban đầu, mình chỉ biết xem mẹ biểu diễn rồi bắt chước làm theo. Nhưng càng học hỏi, mình càng nhận ra rằng mỗi động tác, mỗi nhịp chiêng đều ẩn chứa một câu chuyện, một thông điệp rất sâu sắc”- A Trời tâm sự.
Với sự đam mê và quyết tâm, A Trời không ngừng luyện tập để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Mỗi ngày, anh dành hàng giờ luyện tập với mẹ, học cách sử dụng cồng chiêng sao cho đúng, cách thể hiện điệu múa sao cho uyển chuyển và tinh tế nhất. Anh hiểu rằng, việc này không chỉ là công việc của riêng mình mà còn là cách để anh góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của người Xơ Đăng, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại có nhiều thay đổi và sự phát triển nhanh chóng.
A Trời cùng đội nghệ nhân trẻ hào hứng biểu diễn các tiết mục. Ảnh: T.T
Sau quãng thời gian gắn bó, luyện tập, A Trời bắt đầu tham gia vào các buổi giao lưu cồng chiêng, xoang với các dân tộc khác trong và ngoài huyện. Trong những chuyến đi này không chỉ giúp anh học hỏi thêm về các điệu múa, nhạc cụ truyền thống của các dân tộc anh em nói riêng mà còn giúp mở rộng tầm hiểu biết về sự đa dạng và phong phú của văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung.
“Tham gia vào các buổi giao lưu văn hóa, mình không chỉ học được nhiều điều mới mẻ mà còn cảm nhận được rằng, mỗi dân tộc đều có những nét đẹp riêng biệt. Điều đó giúp mình hiểu hơn về những giá trị truyền thống, nhìn nhận lại văn hóa của dân tộc mình một cách sâu sắc hơn. Qua đó, mình xác định rõ hơn về vai trò của mình trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong việc kết nối giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại” – A Trời bày tỏ.
Đam mê văn hóa truyền thống, A Trời không chỉ tham gia biểu diễn trong phạm vi trong huyện, mà còn tham gia nhiều sự kiện lớn của tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn. Hình ảnh chàng trai Xơ Đăng với những bước múa điêu luyện, những động tác uyển chuyển và thần thái tự tin đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả.
A Trời tâm sự: “Khi đứng trên sân khấu, mình luôn cảm nhận được sức mạnh của từng âm thanh, từng điệu múa. Đó không chỉ là màn trình diễn mà còn là cách mình thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với văn hóa dân tộc mình. Khi nhận được sự khen ngợi và cổ vũ từ khán giả, mình cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào bởi đã mang một phần bản sắc của người Xơ Đăng đến với cộng đồng”.
Từng điệu múa của người Xơ Đăng được A Trời thổi hồn vào để trình diễn. Ảnh: T.T
Theo tìm hiểu, A Trời hiện là Bí thư Chi đoàn thôn Kon Stiu, đồng thời cũng là người sáng lập và dẫn dắt đội văn nghệ dân gian của thôn. Đội văn nghệ của thôn gồm gần 20 thành viên, chủ yếu là các bạn trẻ từ 14 đến 25 tuổi. Họ cùng nhau luyện tập, biểu diễn và quảng bá văn hóa dân gian trong các sự kiện văn hóa.
Không chỉ chú trọng đến việc luyện tập, A Trời còn giúp cho các thành viên hiểu về ý nghĩa của những điệu múa, âm nhạc trong truyền thống. “Mình muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, để họ hiểu rằng văn hóa dân gian không chỉ là một phần của quá khứ mà còn là một di sản sống động, có thể được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta có thể kết hợp những giá trị truyền thống với những yếu tố hiện đại để làm mới và làm phong phú thêm bản sắc dân tộc” – A Trời cởi mở trò chuyện.
Trao đổi về hướng đi của mình, A Trời mong muốn có thể tiếp tục chia sẻ những câu chuyện, những bài dân ca, những điệu múa truyền thống của người Xơ Đăng không chỉ ở địa phương mình mà còn đến với bạn bè ở khắp mọi miền, từ các tỉnh thành trong nước cho đến những người bạn quốc tế. Anh hy vọng rằng, qua những buổi biểu diễn và giao lưu, người xem sẽ hiểu và trân trọng hơn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Xơ Đăng nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Anh Võ Đình Bồng – Bí thư Đoàn xã Ngọk Réo dành cho A Trời những lời ngợi khen: “Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, A Trời khuyến khích đoàn viên, thanh niên trong thôn tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân tộc mình và cảm nhận được sự thiêng liêng trong từng tiết tấu cồng chiêng, điệu xoang. Qua đó, anh cùng mọi người thổi bùng lên tình yêu văn hóa truyền thống ở địa phương. A Trời là một trong những nhân tố tích cực ở cơ sở trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng”.
Tất Thành