Thiếu tướng Đinh Hồng Đe

687


20/08/2018 13:00


​Từng “vào sinh ra tử” và trưởng thành từ chiến trường Bắc Tây Nguyên – nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ và dù ở bất kỳ cương vị công tác nào hay khi đã nghỉ hưu, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe luôn được mọi người tin yêu; bởi ở ông toát vẻ hào sảng, sự giản dị, chân thành. Ông như cây xà nu của núi rừng Tây Nguyên…

Trưởng thành trong chiến tranh

Khi chúng tôi đến thăm, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe vẫn chưa thể trò chuyện được, bởi di chứng của cơn tai biến xảy ra với ông cách đây 10 tháng (tháng 10/2017). Tuy nhiên, lúc nhận ra người quen cũ mắt ông sáng lên như mừng rỡ gặp lại và muốn chào hỏi tôi.

Bà Y Nũi, vợ ông bảo: Kể từ ngày bị tai biến đến nay, ông ấy không nói được, nhưng tai vẫn nghe và hiểu hết mọi việc.

Để tìm hiểu về cuộc đời Thiếu tướng Đinh Hồng Đe – vị tướng của thời “khói lửa chiến tranh” đầy cam go, gian khổ nhưng cũng rất oai hùng, người con của dân tộc Giẻ – Triêng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với người con trai của ông – Đại úy A Thạch.

Khi được hỏi về cha mình, Đại úy A Thạch (công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) không giấu niềm tự hào trong đôi mắt và chậm rãi kể: Ba tôi sinh năm 1947 tại làng Peng K’lang, xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei). Vùng đất Đăk Blô quê tôi – nơi có núi Nồi Cơm cao ngất – thời ấy còn nhiều gian khó, khí hậu lại khắc nghiệt, nhưng tại nơi đây còn lưu giữ những truyền thuyết “ly kỳ lãng đãng khói sương” là mạch nguồn nuôi lớn tâm hồn của người dân với “sự ký thác” ước mơ, khát vọng về những điều tốt đẹp.

Dừng lại vài giây, giọng chùng xuống, A Thạch nói mà như thủ thỉ: Tuổi thơ ba A Đe kém may mắn. Khi ba vừa lên 5 tuổi thì bà nội mất. Không được bàn tay nuông chiều của mẹ, thường ngày, ba theo ông nội lên rẫy, vào rừng bẫy thú. Cuộc sống khắc nghiệt nơi rừng thiêng đã trui rèn cho ba bản lĩnh đủ sức chịu đựng những giông bão của cuộc đời.

Theo dòng hồi tưởng của Đại úy A Thạch, chúng tôi được biết “cậu bé A Đe ngày ấy” ít nói, nhưng rất nhanh nhẹn, thông minh. Trong những ngày theo cha vào rừng, A Đe để ý thấy cha thường xuyên liên lạc với một số người lạ mặt. Nghe cha nói đó là người Kinh tốt bụng từ dưới xuôi lên làm cách mạng, cùng với dân làng đuổi thằng Pháp. Người Kinh là người anh em tốt, không như thằng Pháp ở đồn Đăk  Bung cái bụng xấu mà A Đe rất ghét.

Nhớ lời cha dặn, cậu bé A Đe tuyệt đối giữ bí mật cho người Kinh, không tiết lộ cho ai biết. Có hôm cha bị ốm, cậu vào rừng giả đi bẫy con chuột mang cho người Kinh ít gạo, ít muối và ít thịt thú rừng hun khói. Đi đường nếu gặp người lạ hay thằng Tây, A Đe lẩn nhanh “như con thỏ hoang” để họ không theo dõi mà lần ra chỗ ở của cán bộ người Kinh.

Thấy A Đe nhanh nhẹn thông minh, cơ sở sớm bồi dưỡng nhận thức giác ngộ từng bước để đưa dần vào hoạt động cách mạng.

Năm 1962, A Đe làm giao liên của xã có nhiệm vụ liên lạc với H40. Năm 1963, A Đe vào đội du kích xã. Với sự nhanh nhẹn và bản lĩnh, trong các trận đánh địch ở Đăk Pét, Đăk Rú, Đăk Xút, Đăk Tả, A Đe đều được các chỉ huy tin tưởng. Năm 1965, A Đe chính thức vào bộ đội và đóng quân ở Broong Mẹt (Kon Tum).  

Năm 1967, A Đe được điều làm Tiểu đội trưởng Phân đội trinh sát An  ninh vũ trang (A25), tiếp đến là Tiểu đội trưởng Phân đội trinh sát An ninh vũ trang (H9) tỉnh Kon Tum.

Tết Mậu Thân năm 1968, A Đe cùng với Tiểu đội từ hướng Tây Bắc (xã Ngọc Bay ngày nay) tiến vào thị xã Kon Tum. Qua thử thách chiến trận và qua những lần luồn sâu vào các vùng địch hoạt động, A Đe thật sự trưởng thành về mọi mặt, từ năm 1969-1972, A Đe được cấp trên giao giữ chức Trung đội trưởng, Đại đội 1 An ninh vũ trang tỉnh.

Đến năm 1973-1974, ông được giao làm cán bộ tổ chức Ban An ninh tỉnh. Năm 1974, ông được cấp trên cử đi học ở Trường An ninh vũ trang Quân khu 5 và tháng 2/1975 được bổ nhiệm Đại đội phó chính trị Đại đội 1, An ninh vũ trang tỉnh Kon Tum.

Trên chiến trường Bắc Tây Nguyên từ dọc đường Hồ Chí Minh đến dãy đồi Sạc Ly, mùa hè “đỏ lửa” năm 1972 Tân Cảnh – Đăk Tô, dốc “đầu lâu” (Đăk Hà)… không có chỗ nào là ông không tham gia đánh trận. Và, những chiến công ông lập nên trong các trận đánh ấy cũng khá nhiều. Cuộc chiến khốc liệt, không biết bao nhiêu lần bị thương nặng tưởng như cận kề cái chết, ông vẫn kiên cường vượt qua.  

“Trong một lần hành quân từ H30 về hướng Đăk Tô thì bất ngờ ba tôi gặp máy bay địch “rải thảm” bom. Trong lúc nguy cấp, người Đội trưởng có tên Đinh Đen (dân tộc H’rê, quê Quảng Ngãi) đã lấy thân che cho cấp dưới là ba tôi. Máu của người Đội trưởng tắm khắp người ba tôi. Để tri ân người Đội trưởng, kể từ đó ba tôi tự nguyện đổi tên A Đe thành Đinh Hồng Đe. Đinh là họ, còn Hồng có nghĩa là máu của người Đội trưởng” – A Thạch kể lại câu chuyện về lý do cha mình mang họ Đinh khi tôi hỏi. Điều này khiến tôi rưng rưng xúc động về tấm lòng đầy nghĩa tình của Thiếu tướng Đinh Hồng Đe. 

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 6/1975 ông Đinh Hồng Đe được điều về làm Phó Đồn trưởng Đồn 625 (Công an nhân dân vũ trang Kon Tum). Đến tháng 4/1982, ông được cấp trên bổ nhiệm làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng 665.

Trong những tháng năm này, bên cạnh việc tham gia truy quét Fulro, ông lăn lộn cùng chiến sĩ vận động quần chúng nhân dân xóa bỏ hủ tục, lối canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng cuộc sống mới ấm no theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Người Giẻ – Triêng ở các xã Đăk Long, Đăk Blô (huyện Đăk Glei) không quên công của ông và Bộ đội Biên phòng giúp dân xây dựng cuộc sống mới. Họ rất tự hào về ông, luôn học và làm theo lời căn dặn của ông, đoàn kết lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no. Chính vì vậy, đời sống của người dân nơi đây từng bước được đổi thay.

Ghi nhận về những thành tích trong quá trình công tác, tháng 1/1992, ông được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Phó Chỉ huy trưởng, rồi Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kon Tum (năm 1995). Không ngừng học hỏi, tiếp tục hoàn thiện mình và  tranh thủ sự ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ, ông luôn vững vàng với từng cương vị mới.

Trong giai đoạn này, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, dưới sự chỉ huy của ông, chủ trương xây dựng hệ thống giao thông hình xương cá tỏa đi các đồn Biên phòng, các xã dọc biên giới từ huyện Ngọc Hồi đến huyện Sa Thầy được triển khai thực hiện. Và, chính hệ thống giao thông này góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới.

Trên các làng biên giới, mô hình trạm y tế quân dân y kết hợp, hình ảnh những người thầy giáo, thầy thuốc “mang quân hàm xanh” của Bộ đội Biên phòng tỉnh là một trong  những hình ảnh đẹp và luôn được người dân yêu mến.  

Nhân cách lớn

Cùng với việc giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong quãng thời gian này, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội (khóa XI). Đến tháng 2/2014, Đại tá Đinh Hồng Đe được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 2009, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe nghỉ hưu. Năm 2011, ông lại được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh và lần thứ hai trúng cử Đại biểu Quốc hội (khóa XIII). Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yêu mến.  

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đinh Hồng Đe luôn đối xử với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền bằng sự chân thành, ấm áp nghĩa tình. Ở ông không có khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới mà thay vào đó bằng mối quan hệ đồng chí, anh em chân thành.

Trong tác phẩm “Thiếu tướng Đinh Hồng Đe vị tướng biên phòng của núi rừng Tây Nguyên”, tác giả Thái Kim Nga có viết về ông: “Ông quản quân không phải bằng cái uy làm anh em sợ mà bằng sự tôn trọng được hình thành từ sự cộng đồng trách nhiệm. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ luôn tự tin khi làm việc với ông và cũng thấy được trách nhiệm của mình trong công tác”.  

Quan điểm của ông với “Tin lành Đêga” cũng rất rõ ràng: Những người cầm đầu phản động phải cương quyết xử lý bằng biện pháp cứng rắn; những người nhẹ dạ, cả tin, trót nghe lời kẻ xấu mà có những hành vi phạm pháp thì phải xem đó là “lỗi” chứ không phải “tội” và phải tuyên truyền vận động để đưa họ trở về với con đường chính nghĩa.

Lấy lòng nhân làm gốc khi hành xử, chính vì vậy, ông được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yêu mến. 

Trong những lần tháp tùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để đưa tin hoạt động giám sát hay tiếp xúc cử tri ở cơ sở, tôi thấy ông luôn điềm đạm và dễ gần. Khi cần hỏi điều gì, nhất là hỏi về khoảng thời gian tham gia chiến đấu, ông đều kể cho tôi nghe. Giọng ông hào sảng và ấm cúng.  

Trao đổi về Thiếu tướng Đinh Hồng Đe với vai trò người đại biểu dân cử, đồng chí Tô Văn Tám – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dành cho ông sự kính phục: Ông là người đức độ, có trách nhiệm với công việc, gần gũi mọi người. Trong những năm tháng là đại biểu Quốc hội, ông cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp cũng như các hoạt động của Hội đồng Dân tộc mà ông là thành viên. Phát huy vai trò người đại biểu Quốc hội, ông lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để cùng đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội và các cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết. Ở cương vị này, ông hoàn tốt vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội.   

Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ này, chúng tôi không thể nói hết nhân cách cao đẹp và những công lao của Thiếu tướng Đinh Hồng Đe ở những cương vị công tác mà ông đã trải qua. Nhưng có thể nói, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe có “nhân cách lớn của đại ngàn” – ở ông chứa đựng cả sự kiên cường, song lại hòa quyện trong đó sự mộc mạc, hiền hòa như hình ảnh cây xà nu của núi rừng Tây Nguyên.

Các thế hệ mai sau ở Kon Tum hoàn toàn tự hào về Thiếu tướng Đinh Hồng Đe – vị tướng từ dân làng mà ra!   

Văn Nhiên

Đi đến nguồn bài viết