Sức sống mới của làng kháng chiến ở Tây Nguyên

5

baotintuc.vn

Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, người dân Xơ Đăng tại làng kháng chiến đã đừng bước vươn lên sau ngày giải phóng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thôn làng bình yên.

Thời kháng chiến vẻ vang 

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh A Lương (73 tuổi, Trung đội phó đơn vị C30, xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) kể về thời gian kháng chiến tại làng Xốp Dùi. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Kể về cuộc sống trước đây tại làng Xốp Dùi, cựu chiến binh A Lương (73 tuổi, Trung đội phó đơn vị C30) chia sẻ, ông tham gia kháng chiến khi mới 17 tuổi và làng chỉ có 80 bếp ăn với khoảng 200 nhân khẩu là người Xơ Đăng. Tại đây, bộ đội địa phương đã được nhân dân che chở để đánh giặc; đồng thời, huấn luyện cho nhân dân xây dựng rào, đường đi bí mật. Khi có báo động toàn dân làng cả nam và nữ đều xung phong đi đánh giặc.

Người dân làng Xốp Dùi còn biết lợi dụng địa bàn hiểm trở, xung quanh là núi để tạo ra những bài đánh du kích khiến quân địch k h i ế p sợ. Đặc biệt, với cách bố trí hầm chông, sử dụng cung, nỏ, bẫy đá, tên tẩm độc, du kích xã Xốp nói chung và làng Xốp Dùi nói riêng đã nhiều lần gieo rắc nỗi sợ hãi cho quân địch trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ông A Lương cho biết thêm, thời đó, do địa hình hiểm trở nên cuộc sống của người dân trong vùng còn thiếu thốn đủ điều. Người dân phải mất một ngày để đi từ làng ra đến huyện H30 (huyện Đăk Glei ngày nay) để gùi đồ ăn mang vào. Người dân nơi đây chỉ sống bám rừng đánh giặc, một lòng, một dạ trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ, quyết tâm kháng chiến đến cùng.

Chú thích ảnh
Làng kháng chiến Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Ảnh: TTXVN phát

Phía địch cũng nhiều lần huy động máy bay cùng bộ binh càn quét căn cứ kháng chiến của quân ta. Tuy nhiên, nhờ vào sự dẫn dắt tài tình của anh hùng A Mét (tên thật là Đinh Môn đã mất năm 2000), những toán quân địch mò vào làng đều bị dân và quân ta tiêu diệt bằng những vũ khí thô sơ như giáo mác, cung, nỏ…

Từ làng kháng chiến Xốp Dùi, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Xốp đã góp nhiều công sức trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trở thành “ngôi làng huyền thoại” trong truyện ngắn “ Rừng Xà nu” và bản thân anh hùng A Mét là nhân vật chính trong tác phẩm này.

Ông A Thảo (Hội cựu chiến binh xã Xốp) nhận định, việc quân và dân ta kháng chiến thành công tại xã Xốp là tiền đề để vận chuyển lương thực, đạn dược, tiếp tế cho vùng chiến đấu Đăk Pek. Từ đó, giúp quân và dân ta giành Chiến thắng Đăk Pek (16/5/1974) hướng đến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Vươn lên từ bom đạn

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, người dân làng Xốp Dùi nói riêng và xã Xốp nói chung đã đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chương trình, dự án đã góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất nơi đây.

Nổi bật như việc đầu tư, xây dựng tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 14C đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Cùng đó, các Chương trình Mục tiêu quốc gia, hỗ trợ sản xuất, hình thành các tuyến Tỉnh lộ, mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã giúp cộng đồng người dân tộc thiểu số tại xã Xốp biết cách làm ăn, hướng đến làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chú thích ảnh
Sau khi đất nước thống nhất, cựu chiến binh A Brẫy (làng Kon Liêm, xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) trở về quê hương và làm giàu nhờ diện tích cà phê, mì. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Cựu chiến binh A Brẫy (làng Kon Liêm, xã Xốp) cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông trở về địa phương để làm ăn với hai bàn tay trắng. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông không ngừng mày mò, học hỏi để vươn lên thoát nghèo bằng cách trồng mì (sắn) và cà phê. Với bản tính cần cù, chăm chỉ, hiện nay gia đình ông thu về khoảng hơn 50 triệu đồng/năm.

“Với sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, giờ đây, đường xá đã được bê tông hóa đến từng thôn làng giúp cho người dân tại xã đã dễ dàng đi lại, buôn bán. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định, khá giả hơn. Ngoài ra, bản thân ông còn là già làng nên thường xuyên vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thay đổi tư duy làm ăn để hướng đến thoát nghèo bền vững.”, ông A Brẫy cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chương trình, dự án đã góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng kháng chiến Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), giúp cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Hiện diện tích các loại cây trồng trên địa bàn xã Xốp đạt 758 ha; trong đó, cây cà phê đạt 218 ha, cây ăn quả đạt hơn 22 ha, cây mắc ca đạt gần 50 ha. Ngoài ra, xã còn khuyến khích người dân phát triển nhiều diện tích trồng dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh, cà phê xứ lạnh để phát triển kinh tế.

Chị Y Lương (làng Kon Liêm, xã Xốp) chia sẻ, theo Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, gia đình chị được hỗ trợ hơn 1.000 cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để trồng. Chính quyền địa phương còn tổ chức những lớp tập huấn để người dân nắm bắt về kỹ thuật, cách chăm sóc cây để đạt năng suất cao nhất. Nhờ đó, sau khi thu hoạch, hiệu quả kinh tế từ cây cà phê xứ lạnh mang lại cao hơn nhiều so với trồng mì và cà phê thường. Hiện, gia đình chị đã mở rộng diện tích trồng cà phê xứ lạnh lên 3 ha và lợi nhuận thu về đạt gần 100 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xốp Y Chung cho biết, nhờ thực hiệu có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại xã xuống còn 41 hộ, chiếm 7,3%. Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai các chính sách dân tộc và chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp người dân thoát nghèo. Trong đó, chú trọng việc phát triển dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh. Hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã lên hơn 22 triệu đồng/người/năm.