Kon Rẫy: Vùng đất giàu nét đẹp văn hóa, lịch sử

18

Nằm giữa đại ngàn Tây Nguyên, huyện Kon Rẫy từ lâu được biết đến là vùng đất sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hòa quyện cùng chiều sâu văn hóa truyền thống, lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng. Nơi đây còn là “cái nôi” nuôi dưỡng và phát triển một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các DTTS tại chỗ.

223432Huy%E1%BB%87n%20Kon%20R%E1%BA%ABy%20c%C3%B3%20nhi%E1%BB%81u%20%C4%91i%E1%BB%83m%20%C4%91%E1%BA%BFn%20sinh%20th%C3%A1i%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt,%20thu%20h%C3%BAt%20du%20kh%C3%A1ch%20b%E1%BB%9Fi%20v%E1%BA%BB%20%C4%91%E1%BA%B9p%20hoang%20s%C6%A1,%20h%C3%B9ng%20v%C4%A9%20gi%E1%BB%AFa%20%C4%91%E1%BA%A1i%20ng%C3%A0n%20T%C3%A2y%20Nguy%C3%AAn

Huyện Kon Rẫy có nhiều điểm đến nổi bật, thu hút du khách. Ảnh: HT

 

Kon Rẫy là nơi cư trú chủ yếu của hai nhóm DTTS tại chỗ phổ biến là Jơ Lâng (Ba Na) và Tơ Đrá (Xơ Đăng), từng sống chủ yếu dọc theo các dòng sông Đăk Bla, Đăk Kôi, Đăk Snghé.

Cộng đồng các DTTS sống gắn bó với rừng, núi và có tín ngưỡng đa thần, tôn vinh các vị thần mà họ gọi là Yàng. Quan niệm cho rằng, vạn vật đều có linh hồn đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và ứng xử của cộng đồng các dân tộc. Do đó, đời sống tín ngưỡng, phong tục, âm nhạc, lễ hội và sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây phản ánh bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú, hài hòa với tự nhiên.

Huyện Kon Rẫy rộn ràng nhất là vào mùa lễ hội. Mỗi lễ hội như một cuộc gặp gỡ giữa con người với đất trời, tổ tiên và cộng đồng. Có thể kể đến như Lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng của người Ba Na, là dịp để cộng đồng tạ ơn thần linh đã ban mùa màng bội thu; Lễ cúng bến nước là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân làng, thể hiện sự biết ơn với nguồn nước, mạch sống của núi rừng. Trong không gian của những lễ hội đó, tiếng cồng chiêng là một phần không thể thiếu, như nhịp đập tâm hồn của cả một cộng đồng, là nhịp thở linh thiêng của đại ngàn.

223540Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20huy%E1%BB%87n%20Kon%20R%E1%BA%ABy%20%C4%91ang%20k%E1%BB%83%20chuy%E1%BB%87n%20d%C3%A2n%20gian%20cho%20th%E1%BA%BF%20h%E1%BB%87%20tr%E1%BA%BB%20trong%20gian%20b%E1%BA%BFp%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20c%E1%BB%A7a%20gia%20%C4%91%C3%ACnh

Nghệ nhân huyện Kon Rẫy kể chuyện dân gian cho thế hệ trẻ trong gian bếp truyền thống của gia đình. Ảnh: HT

 

Kon Rẫy còn là “cái nôi” sản sinh ra nhiều nghệ nhân ưu tú, tâm huyết, lặng thầm làm công việc “giữ lửa” cho bản sắc dân tộc.

Như bà Y Brai (84 tuổi) ở làng Kon Túc (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy), người được xem là “ngọn lửa” dân ca giữa đại ngàn. Ngôi nhà sàn nhỏ của bà nép mình dưới chân núi làng Kon Túc, mỗi sáng sớm đều lặng lẽ toả khói bếp, trở thành không gian thân thuộc cho những câu dân ca, điệu hát ru của bà đều đều ngân lên.

Đã nhiều tuổi, cơ thể không còn linh hoạt, khỏe mạnh nhưng bà Y Brai vẫn “hát bằng cả trái tim”. Bà Y Brai không chỉ hát mà còn sáng tác, phổ nhạc và truyền dạy cho lớp trẻ trong làng. Những bài hát bằng tiếng Ba Na của bà mang hơi thở của tình yêu quê hương, đất nước, con người và cuộc sống nơi núi rừng.

Bà Y Brai chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã nghe mẹ, các cụ trong làng hát rồi hát theo, từ đó tự biết hát và viết được nhạc. Dù thời gian trôi qua, tôi vẫn luôn ghi nhớ các lời ca của dân tộc mình và mang đến cho mọi người mỗi dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Với tôi, hát không chỉ để vui mà còn để lưu giữ ký ức của một thời tham gia kháng chiến, khích lệ tinh thần bộ đội. Đến nay, nhiều học trò tôi truyền dạy đã biết hát, tự sáng tác nhạc và góp phần thắp tiếp ngọn lửa đam mê mà tôi đã truyền dạy”.

Một trong những nghệ nhân tâm huyết khác là bà Y Nía (58 tuổi) ở làng Kon Bỉ (xã Đăk Tơ Lung). Bà được xem là nghệ nhân đa tài người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) khi biết hát, múa, đánh chiêng, dệt thổ cẩm, chơi đàn klông pút. Giờ đây, khi đã có tuổi, nghệ nhân Y Nía dành phần lớn thời gian để truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng. Hiện tại đã có nhiều học trò của bà có thể tự tin hát, biểu diễn và tiếp nối niềm đam mê của nghệ nhân Y Nía.

Nghệ nhân Y Nía chia sẻ: Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, tôi đặc biệt thích hát dân ca, được nghe và học từ bà ngoại của mình. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi được 14 tuổi, lần đầu được tạo điều kiện đứng trên sân khấu biểu diễn, tiếng hát của tôi đã được mọi người đón nhận và khích lệ, tôi vui lắm. Từ đó tôi luôn thầm cảm ơn những lớp nghệ nhân đi trước đã tiếp lửa đam mê. Tôi tự nhủ sẽ luôn cố gắng trao truyền những gì mình biết cho thế hệ trẻ trong làng. Chừng nào còn người nghe, còn người học, tôi sẽ còn hát, còn dạy nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

 Ở làng Kon Tơ Neh (xã Đăk Tờ Re), nghệ nhân A Phái (60 tuổi) được xem là người “giữ lửa” cồng chiêng cho các em nhỏ tại làng. Gần 30 năm qua, ông đã lặng lẽ gắn bó và truyền lửa đam mê, giữ cho thanh âm cồng chiêng luôn ngân vang giữa đại ngàn.

Nghệ nhân A Phái kể, ông chuyển đến thôn Kon Tơ Neh lập nghiệp từ năm 1998. Khi ấy, ông chỉ biết sơ về cồng chiêng. Nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân lớn tuổi trong làng, ông dần thành thạo, rồi trở thành đội trưởng đội chiêng nam trẻ nhất thôn vào năm 2001. Từ đó, ông gắn bó trọn vẹn với chiêng, tâm huyết gìn giữ, truyền dạy, nâng niu từng chiếc chiêng như báu vật.

Trong căn phòng nhỏ của mình, nghệ nhân A Phái cẩn thận bảo quản hàng chục chiếc chiêng quý. Mỗi chiếc chiêng với ông đều có linh hồn. Với ông người biết đánh chiêng không chỉ cần kỹ thuật mà còn phải biết truyền cảm.

Hiện nay, nghệ nhân A Phái vẫn đều đặn dạy cho đội cồng chiêng nhí gồm 14 em nhỏ trong làng và thường xuyên biểu diễn ở nhiều lễ hội lớn, nhỏ. Ông là người truyền cảm hứng, hướng dẫn các em từ cách cảm âm đến kỹ thuật biểu diễn để các em vừa học, vừa thêm yêu âm thanh của dân tộc mình. Những học trò ấy giờ đây đã có thể tự tin biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội lớn nhỏ do địa phương tổ chức.

Trên hành trình bảo tồn văn hóa dân tộc, những nghệ nhân tâm huyết trên địa bàn huyện Kon Rẫy như cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Họ luôn hết lòng truyền lại tình yêu văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để tiếng hát, tiếng chiêng, tiếng đàn của dân tộc mình còn ngân vang mãi giữa đại ngàn.

Kon Rẫy không chỉ giàu bản sắc văn hóa truyền thống mà còn là vùng đất có lịch sử cách mạng hào hùng, thấm đẫm máu xương trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Có thể kể đến như căn cứ Huyện ủy H16 là “pháo đài” chính trị vững chắc của Đảng bộ và nhân dân H16. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ H16 đã tổ chức thành công nhiều kỳ đại hội, huy động và cống hiến nhiều nhân tài, vật lực cho chiến trường tỉnh và cho nhiều mặt trận kháng chiến khác. Nhờ đó, góp phần giúp tỉnh Kon Tum được giải phóng vào mùa xuân năm 1975. Với những giá trị lịch sử to lớn, Căn cứ Huyện ủy H16 được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy còn ghi dấu nhiều chiến công oai hùng khác. Như tại Di tích Chiến thắng Kon Braih tại xã Đăk Ruồng đã diễn ra trận đánh oanh liệt, đầy quả cảm với quân Mỹ – Ngụy của quân và dân ta, lưu lại dấu ấn rực rỡ trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. Hay như Phân xưởng luyện gang C13 – Quân giới Khu 5 tại xã Đăk Kôi từng rực lửa ngày đêm với tiếng búa đe của những người thợ lành nghề, miệt mài đúc vũ khí phục vụ tiền tuyến.

223313C%C3%A1n%20b%E1%BB%99,%20l%C3%A3nh%20%C4%91%E1%BA%A1o%20huy%E1%BB%87n%20lu%C3%B4n%20quan%20t%C3%A2m%20tr%C3%B9ng%20tu,%20b%E1%BA%A3o%20t%E1%BB%93n%20c%C3%A1c%20di%20t%C3%ADch%20l%E1%BB%8Bch%20s%E1%BB%AD,%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20tr%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20b%C3%A0n%20huy%E1%BB%87n

Tỉnh, huyện luôn quan tâm trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện. Ảnh: HT

 

Kon Rẫy hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt với những con đường đã được bê tông hóa, điện – đường – trường – trạm phát triển phục vụ nhu cầu của người dân. Chính quyền địa phương luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc; tuyên truyền, vận động người dân không quên gìn giữ cội nguồn, cố gắng chăm lo sản xuất để nâng cao đời sống.

Đến với Kon Rẫy hôm nay không chỉ là đến với một vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, mà còn là hành trình trở về với những giá trị đậm nét đẹp văn hóa, lịch sử truyền thống hào hùng của vùng đất Tây Nguyên.                                                   

Hoàng Thanh