Nỗ lực gìn giữ những thanh âm truyền thống

4

baokontum.com.vn

Tỉnh ta sở hữu kho tàng phong phú, đa dạng về các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ. Đứng trước nguy cơ mai một trong nhịp sống hiện đại, nhiều nghệ nhân, già làng đã có nhiều tâm huyết, nỗ lực gìn giữ, bảo tồn để thanh âm của các loại nhạc cụ truyền thống mãi ngân vang.

Nhạc cụ truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh được chế tác từ nhiều loại chất liệu của núi rừng như: tre, nứa, gỗ, vỏ bầu, sừng, da động vật hay từ những hợp kim, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa dân gian phục vụ đời sống tinh thần của bà con. Trong đó, cồng chiêng là một loại nhạc cụ đặc biệt, giữ vai trò chủ đạo trong dàn nhạc truyền thống đã được công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Toàn tỉnh hiện có tổng số 503 thôn, làng của 7 DTTS tại chỗ, trong đó mỗi thôn, làng đều thành lập đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang. Một số ít các thành viên của đội cồng chiêng, múa xoang biết chơi thành thạo một số loại hình nhạc cụ truyền thống tiêu biểu và đảm nhiệm vai trò phụ họa trong các tiết mục biểu diễn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 653 đội nghệ nhân cồng chiêng, trong đó có 496 đội cồng chiêng người lớn, 107 đội cồng chiêng thanh thiếu nhi, 50 đội cồng chiêng trong các cấp trường học.

164137C%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20l%C3%A0%20lo%E1%BA%A1i%20nh%E1%BA%A1c%20c%E1%BB%A5%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20ch%E1%BB%A7%20%C4%91%E1%BA%A1o,%20kh%C3%B4ng%20th%E1%BB%83%20thi%E1%BA%BFu%20trong%20d%C3%A0n%20nh%E1%BA%A1c%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng

Cồng chiêng là loại nhạc cụ truyền thống chủ đạo, không thể thiếu trong dàn nhạc truyền thống. Ảnh: H.T

 

Trên địa bàn tỉnh, dân tộc Xơ Đăng là một trong những cộng đồng có nền âm nhạc dân gian phong phú, nhạc cụ truyền thống được chế tác từ các loại nguyên liệu có sẵn trong rừng như tre, nứa, gỗ, dây rừng, thậm chí nhờ cả vào nước, gió. Nhạc cụ của dân tộc Xơ Đăng tiêu biểu có thể kể đến như: Chiêng x’teng, trống nhỏ, đàn t’rưng, đàn đá, k’long put, k’voh (sáo), ting ning, đàn 1 dây, t’rưng nước, đàn gió…

Các nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng gắn liền với các sự tích, truyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đặc biệt đối với cồng chiêng, người Xơ Đăng tin rằng là do thần linh ban tặng chứ không phải trực tiếp chế tạo ra. Hoặc như đàn t’rưng nước cũng là một loại nhạc cụ đặc sắc, tiêu biểu của người Xơ Đăng gắn liền với cuộc sống lao động, sản xuất mà sáng tạo ra.

Người Mơ Nâm ở xã Măng Cành (huyện Kon Plông) là một nhánh của dân tộc Xơ Đăng hiện vẫn còn gìn giữ, sở hữu kho tàng nhạc khí truyền thống đa dạng và phong phú. Đặc biệt, họ rất ưa chuộng các loại nhạc cụ bằng tre nứa vì đây là chất liệu dễ tìm trong tự nhiên. Các nghệ nhân Mơ Nâm thường chọn các thanh nứa vừa đủ già, thẳng để dễ tạo độ rung và cộng hưởng âm thanh. Được làm hoàn toàn bằng tay nên mỗi loại nhạc cụ cũng không có kích thước nhất định, tùy vào tay nghề và sự sáng tạo của người chế tác.

Trong dàn nhạc truyền thống của người Mơ Nâm, ngoài cồng chiêng, trống thì du khách đặc biệt thích thú với đàn Tơ Rưng, trong đó, có t’rưng đôi (2 ống nứa kết hợp) và t’rưng đơn (1 ống nứa). Mỗi khi biểu diễn hòa tấu, dàn nhạc của người Mơ Nâm thường sẽ có 3 người chơi t’rưng, trong đó, 2 người chơi t’rưng đôi và 1 người chơi t’rưng đơn.

164234Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20%C4%91ang%20say%20s%C6%B0a%20di%E1%BB%85n%20t%E1%BA%A5u%20%C4%91%C3%A0n%20Ting%20Ning%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng

Nghệ nhân đang say sưa diễn tấu đàn ting ning. Ảnh: H.T

 

Ngoài ra, Tà Vẩu cũng là loại nhạc cụ mang nhiều nét đặc sắc và biểu hiện cho đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người Mơ Nâm ở huyện Kon Plông. Tà Vẩu của người Mơ Nâm được làm từ đốt nứa già, 2 đầu để rỗng, lấy sáp ong bịt kín 1 đầu; phần giữa thân nứa sẽ được đục một khe nhỏ hình chữ nhật rồi dùng sáp ong gắn vào một miếng nan nứa nhỏ và mỏng để tạo âm thanh. Tà vẩu được sử dụng như một loại “gia vị” đặc biệt, dùng hòa tấu trong các giàn cồng chiêng hoặc thổi đệm trong hát giao duyên, tại các nghi thưc, lễ hội truyền thống.

Thời gian gần đây, với việc phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm văn hóa, cộng đồng người Mơ Nâm tại đây đã phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của mình để phục vụ cho phát triển du lịch tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng.

Nghệ nhân A Lễ ở thôn Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) cho biết: Ngoài biết đánh cồng chiêng, tôi đặc biệt thích chế tác và chơi các loại nhạc cụ bằng tre nứa, trong đó, có tà vẩu. Thời gian gần đây, được biểu diễn các nhạc cụ truyền thống tại các sự kiện, phục vụ cho nhiều du khách làm tôi và bà con trong làng rất vui vì quảng bá được nét đẹp dân tộc mình qua âm nhạc. Nhận được sự cổ vũ của mọi người nên các thành viên trong đội nghệ nhân ai cũng yên tâm để tập luyện và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đối với người Gia Rai ở Kon Tum, các loại nhạc cụ truyền thống cũng đơn giản về chất liệu và cách chế tác nhưng rất độc đáo và đặc biệt. Nhạc cụ truyền thống của người Gia Rai được mọi người biết đến qua các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Những nhạc cụ này không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc không thể trộn lẫn của người Gia Rai mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng nền âm nhạc truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và cả nước nói riêng.

Nhạc cụ truyền thống của người Gia Rai khá đa dạng và phong phú gắn liền với nhiều hình thức diễn tấu như: gảy, vỗ, kéo, gõ các loại nhạc cụ này bao gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Trong đó, bộ gõ tiêu biểu nhất là chiêng pom pat, chiêng honh, trống nhỏ, đàn t’rưng, đàn đá; bộ hơi có đàn k’long put, ding hlu (ống thổi); bộ dây có đàn ting ning (hay còn gọi là đàn goong), k’ní.

164258Bi%E1%BB%83u%20di%E1%BB%85n%20%C4%91%C3%A0n%20T%C6%A1%20R%C6%B0ng%20c%E1%BB%A7a%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20Gia%20Rai%20%E1%BB%9F%20l%C3%A0ng%20Ch%E1%BB%91t%20(th%E1%BB%8B%20tr%E1%BA%A5n%20Sa%20Th%E1%BA%A7y,%20huy%E1%BB%87n%20Sa%20Th%E1%BA%A7y)

Biểu diễn đàn t’rưng của dân tộc Gia Rai ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy). Ảnh: H.T

 

Đam mê với âm nhạc truyền thống từ nhỏ, nghệ nhân ưu tú A Huynh ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) hiện biết chế tác và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Nhờ có năng khiếu về âm nhạc và đôi bàn tay khéo léo, anh A Huynh tự mày mò, chế tác được nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: T’rưng, ting ning, đinh pút, sáo, k’ní, đàn đá và một số nhạc cụ khác. Trong quá trình chế tác, anh còn sáng tạo, cải tiến thêm để tạo ra sự đa dạng và độc đáo, dễ dàng cho người sử dụng.

Nghệ nhân ưu tú A Huynh cho biết: Từ nhỏ tôi đã có thể nghe và cảm nhận được âm thanh của các giai điệu truyền thống nên có lẽ tình yêu với nhạc cụ dân gian cũng bắt đầu từ đấy. Các loại nhạc cụ truyền thống đều có sự tương đồng với nhau về thang âm như khi đánh cồng chiêng, hiện tại tôi biết làm và chơi thành thạo gần hết các loại nhạc cụ của người Gia Rai. Trong đó, đặc biệt thích chơi các loại đàn dây như ting ning, k’ní vì đã có sự cải tiến, thêm nhiều dây và nốt hơn để dễ dàng khi diễn tấu. Dù thành thạo nhưng tôi vẫn thường xuyên tìm các nghệ nhân lớn tuổi, già làng để tiếp tục học hỏi và mày mò, nghiên cứu thêm để cây đàn của mình ngày càng có âm thanh chuẩn và hay nhất.

Hiện nay, việc phát triển hiệu quả du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm đã giúp các loại hình nhạc cụ truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh đang có những “khởi sắc” do nhu cầu khám phá và thưởng thức về văn hóa. Tin tưởng rằng, với sự chung tay, nỗ lực của các cấp ngành, của các nghệ nhân tâm huyết sẽ giúp nhạc cụ truyền thống ngày càng có “chỗ đứng” trong nền âm nhạc hiện đại, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Hoàng Thanh