Người giữ điệu hát then

734

18/03/2020 13:01

Tháng 3, thôn Đăk Nông (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) chìm trong cái nắng oi ả. Trong căn nhà cấp 4, bà Đặng Như Hoa cẩn thận lấy khăn lau cây đàn tính cũ kỹ rồi cất tiếng đàn, tiếng hát xua tan mệt nhọc. Gần 30 năm qua, kể từ khi rời quê hương Cao Bằng vào Kon Tum, cây đàn tính, bộ trang phục truyền thống của người Tày và điệu hát then luôn là người bạn đồng hành, cùng bà trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống. Với bà, đó là ký ức ấu thơ, là dáng hình quê hương, bà trân trọng nâng niu, giữ gìn như báu vật.

Liều thuốc tinh thần

Bà Hoa đãi khách bằng bài hát “Cao Bằng quê mới” do chính mình sáng tác. Năm nay đã 62 tuổi, nhưng giọng hát của bà vẫn trong trẻo, ngọt ngào. Tiếng đàn tính tịch tình tang, từng nhịp dập dìu, hòa vào lời hát như ru hồn người.

Kết thúc bài hát, trong tiếng vỗ tay của mọi người, bà nở nụ cười thật tươi, niềm nở: Hát hay không bằng hay hát, nhờ  đam mê, hát hàng ngày nên chất giọng của tôi vẫn còn trong. Bây giờ vẫn còn nhiều người ngưỡng mộ giọng hát của tôi lắm! Hồi chồng tôi còn sống, cứ rảnh rỗi lại bảo tôi hát cho cả nhà nghe. 

Vào Kon Tum từ năm 1992, đời sống kinh tế gia đình bà rất khó khăn. Cùng với cái cày, cái cuốc, cây đàn tính là vật bất ly thân với bà. Dù đi rừng, đi rẫy hay đi làm lúa, bà đều mang theo cây đàn.

“Nhiều lúc làm mệt bở hơi tai, chồng lại bảo tôi đàn hát cho vơi vất vả. Trước đây, tối nào gia đình tôi cũng vang tiếng hát. Nhờ lời ca tiếng hát, bữa cơm dù chỉ toàn củ mì luộc, rau chấm mắm dưới ánh đèn hiu hắt vẫn ngon miệng lạ thường”- bà Hoa kể.

20200315152341dan tinh hat then la lieu thuoc tinh than giup ba dang nhu hoa them lac quan yeu doi vuot qua kho khan trong cuoc song
Đàn tính, hát then là liều thuốc tinh thần giúp bà Đặng Như Hoa thêm lạc quan, yêu đời, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: Tiến-Trâm

 

Chồng mất sớm, một mình bà phải gồng gánh lo cho hai con ăn học đại học. Nỗi buồn về tinh thần, gánh nặng về kinh tế khiến bà suy sụp. Ngày làm lụng vất vả, đêm nhớ chồng, thương con, bà lại lấy đàn ra đàn hát. Cây đàn, điệu then là liều thuốc tinh thần giúp bà lạc quan, vui vẻ. Thả hồn vào tiếng hát, lời ca, bà như giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi, dần dần vượt qua những biến cố, tìm lại niềm vui, lạc quan trong cuộc sống.

Ký ức như một phím đàn, chỉ cần chạm vào, mọi thứ lại trở thành giai điệu. Miên man trong từng câu chuyện, từng dòng ký ức trôi về chầm chậm như một thước phim tài liệu. Bà nhớ lại ngày sinh ra và lớn lên giữa những năm tháng đất nước còn chiến tranh.

Thuở ấy, nhọc nhằn, gian khó là thế nhưng vẫn không làm mất đi niềm đam mê âm nhạc, sự yêu mến nghệ thuật dân ca của người Tày trong bà. Những điệu khoan nhặt của lời then, nhịp đàn dập dìu đã cuốn hút, nuôi bà lớn từ những ngày thơ bé. 13 tuổi bà đã mê hát then, đàn tính. Theo hướng dẫn của bố, bà say mê học. Và rồi, trong số 8 anh chị em, chỉ mình bà biết đánh đàn tính, hát then.

“21 tuổi, tôi vinh dự nằm trong Đoàn ca khúc chính trị của tỉnh. Đó là ký ức đẹp! Thời gian ấy, tôi được đi hát phục vụ bộ đội biên giới. Những bài hát Chiến sĩ biên cương, Cao Bằng quê mới… do chính tôi sáng tác như trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các chiến sĩ”- bà Hoa tự hào kể.

Ngày rời quê hương vào Kon Tum làm kinh tế mới, đồ đạc cồng kềnh, đường xá xa xôi nhưng bà vẫn nhất quyết phải mang theo cây đàn tính. “Mọi người bảo “khó khăn, vất vả mà đàn với hát cái gì”, nhưng tôi vẫn quyết mang theo. May mắn nhờ người bạn tri kỉ này, tôi mới có được niềm vui, niềm lạc quan đấy. Đến bây giờ, tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Được các con động viên, kèm với lời ca, tiếng hát, tôi vơi được nỗi nhớ quê, vượt qua được sự tủi thân, cố gắng vươn lên trong cuộc sống” – bà Hoa cười vui vẻ.

Giữ hồn quê

Trong hơn 100 hộ gia đình người Tày sống tại xã Đăk Xú, đến nay chỉ còn lại bà Hoa biết chơi đàn tính, hát then. Chính vì vậy, gần 30 năm nay, cứ đến ngày hội làng, bà lại là thành phần không thể thiếu. Giọng hát của bà, cùng với sự độc đáo của nghệ thuật hát then của người Tày đã tạo được sức hút riêng cho ngày hội, cho dân làng.

Bên cạnh những lời then cổ, bà Đặng Như Hoa còn cùng người bạn cùng thôn của mình là bà Nông Thị Hoa sáng tác ra nhiều lời hát mới. Không chỉ ca ngợi quê hương mới Ngọc Hồi, những bài hát còn là lời khuyên răn, khích lệ thế hệ trẻ trong đối nhân xử thế, nỗ lực làm ăn… Cách đây vài năm, để khẳng định chủ quyền biên giới, hai bà đã cùng nhau sáng tác ra bài hát Biển Đông là của ta. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ, bà Nông Thị Hoa cũng sáng tác bài Viếng Bác Giáp để bà Đặng Như Hoa thể hiện.

“Tôi mê hát lắm nhưng không thể hát được. Bởi vậy, tôi cố gắng sáng tác để bà Hoa hát. Mọi tâm tư, tình cảm chúng tôi gởi gắm vào từng lời ca, bài hát. Nhờ vậy, đời sống vui vẻ, hạnh phúc hơn” – bà Nông Thị Hoa chia sẻ.

20200315152309ba dang nhu hoa va ba nong thi hoa muon truyen day viec sang tac hat then cho the he tre
Bà Đặng Như Hoa và bà Nông Thị Hoa muốn truyền dạy việc sáng tác, hát then cho thế hệ trẻ. Ảnh: Tiến Trâm

 

Nhiều bài hát của hai bà được chọn để biểu diễn trong các cuộc thi văn hóa truyền thống do huyện, tỉnh tổ chức và đạt giải cao. Mới đây nhất, với sáng tác của bà Nông Thị Hoa, bà Đặng Như Hoa đã đạt giải cao trong “Hội thi tiếng hát người cao tuổi” do Ban đại diện Người cao tuổi huyện Ngọc Hồi tổ chức.

Cũng như nhiều nghệ nhân nặng lòng với văn hóa truyền thống, bà Đặng Như Hoa đau đáu tìm người có cùng niềm đam mê để truyền dạy. Hơn thế, phát huy vai trò của người cao tuổi trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, Ban đại diện Người cao tuổi huyện Ngọc Hồi đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương, trong đó có xã Đăk Xú xây dựng các Câu lạc bộ Liên thế hệ và mở các lớp truyền dạy. Những hoạt động này đã giúp các thế hệ trẻ có thể tiếp cận, và bồi đắp tình yêu với văn hóa, văn nghệ dân gian như múa sạp, hát then, đàn tính, cồng chiêng.

“Cả xã chỉ có được 1 cây đàn tính của tôi lại thêm việc hát then không dễ dàng nên nhiều người theo học cũng đành dang dở. Nếu có đàn tính, các bạn trẻ nỗ lực theo học, tôi sẵn sàng truyền dạy để giữ hồn quê”- bà Đặng Như Hoa bộc bạch.

Hoài Tiến – Mai Trâm

Đi tới nguồn bài viết