Người đam mê thổ cẩm Ba Na

5

baokontum.com.vn

Tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na, anh Huỳnh Nguyên Thông – hay còn được nhiều người biết đến với cái tên “Thong Bahnar”- đã dành hàng chục năm để học hỏi, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này.

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi đến làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Trong gian nhà gỗ nhỏ được trưng bày chật kín những sản phẩm truyền thống của bà con DTTS, anh Thông vui vẻ trò chuyện về niềm đam mê của mình với thổ cẩm truyền thống của người Ba Na.

“Mình từng là giám đốc sản xuất của một nhà máy ô tô tại Việt Nam. Việc kể tên được ngay đời xe, điểm đặc trưng về máy và nội thất của 50 loại xe còn dễ hơn kể tên 5 xu hướng thời trang đang có mặt tại Việt Nam. Nhưng với mình, dệt và thổ cẩm thì lại là câu chuyện khác…” – anh Thông dần kéo chúng tôi vào câu chuyện.

Từ nhỏ anh Thông đã được sử dụng thổ cẩm qua những chiếc túi xách hay khăn choàng. Bố của anh hay vào làng đổi gạo, muối và vật phẩm thiết yếu để lấy bò, thổ cẩm từ người Ba Na, rồi bán lại cho thương lái từ khắp các nơi. Trong tâm trí của anh, thổ cẩm không chỉ là một loại trang phục, mà còn là một loại tài sản thật sự có giá trị.

154952V%E1%BA%BB%20%C4%91%E1%BA%B9p%20th%E1%BB%95%20c%E1%BA%A9m%20d%C6%B0%E1%BB%9Bi%20b%C3%A0n%20tay%20c%E1%BB%A7a%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20th%E1%BB%A3%20d%E1%BB%87t%20th%E1%BB%A7%20c%C3%B4ng.

Vẻ đẹp thổ cẩm dưới bàn tay của người thợ dệt thủ công. Ảnh: T.T

 

“Hơn 20 năm qua, mình chứng kiến các khung dệt thổ cẩm lần lượt bị cất vào  kho. Chỉ còn lác đác người già chăm dệt, còn những người trẻ đã không mấy ai tha thiết ngồi vào khung dệt. Vào các dịp lễ tết, nhiều thương lái chở thổ cẩm dệt công nghiệp vào sâu các thôn, làng để bán cho bà con, đúng kiểu “chở củi về rừng”. Những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc công nghiệp đẹp, nhưng lại thiếu vắng đi cái hồn, chỉ có được từ bàn tay người dệt, điều này làm mình trăn trở mãi không thôi!” – anh Thông tâm sự

Cũng từ đó, anh Thông quyết định sẽ tham gia giữ gìn, bảo tồn, và phát huy nghề  dệt thổ cẩm của người Ba Na. Anh chọn cái tên “Thong Bahnar” làm thương hiệu cho chính mình như một cách để tỏ bày sự biết ơn đối với dân tộc Ba Na đã truyền cho cảm hứng, động lực để anh trở về với nguồn cội, gắn bó với văn hóa của quê hương.

Kiên quyết với con đường mình đã chọn, suốt nhiều năm liền, anh Thông đi khắp các thôn làng để tìm kiếm những người thợ dệt thủ công. Anh không ngừng học hỏi, tiếp thu kỹ thuật, ghi chép lại những họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm của người Ba Na. Đồng thời, anh cũng vận động, đồng hành cùng họ để gìn giữ kỹ thuật dệt thổ cẩm thủ công, tiếp tục “truyền lửa” cho các thế hệ sau. Quãng thời gian đầu cũng là thời điểm khó khăn nhất. Mình và những người cùng chí hướng dốc sức khôi phục thổ cẩm dệt tay. Tuy nhiên, không ít “đồng đội” đã từ bỏ với những tiếng thở dài, cái lắc đầu ngao ngán, sự e ngại từ chính người làng dệt.

155024Anh%20Th%C3%B4ng%20gi%E1%BB%9Bi%20thi%E1%BB%87u%20nh%E1%BB%AFng%20h%E1%BB%8Da%20ti%E1%BA%BFt%20c%E1%BB%A7a%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Ba%20Na.

Anh Thông giới thiệu những họa tiết của người Ba Na. Ảnh: T.T

 

Mặc dù vậy, anh Thông vẫn không nản lòng. Suốt mười mấy năm, anh rong ruổi khắp các thôn làng. “Mưa dầm thấm lâu”, anh dần dần chắt lọc, xây dựng vốn kiến thức nền vững chắc về dệt và thổ cẩm Ba Na. Đây cũng là cơ sở để anh xây dựng các dự án, kế hoạch của bản thân trong bảo tồn việc dệt thổ cẩm của người Ba Na.

Theo đó, xuyên suốt thời gian qua, anh Thông cùng những người “giữ lửa” đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động khuyến khích các em học dệt tại làng, nâng cao tay nghề qua thực tiễn. Anh tích cực tham gia các chương trình trình diễn, giao lưu văn hóa  dân tộc Ba Na để chia sẻ, truyền cảm hứng gìn giữ  dệt và thổ cẩm Ba Na đến mọi người. Đồng thời, anh cũng trưng bày các không gian về thổ cẩm của người Ba Na; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại làng nghề truyền thống cho mọi người thêm hiểu và tôn trọng giá trị của nghề dệt thổ cẩm Ba Na.

“Càng gắn bó với dệt và thổ cẩm người Ba Na, tôi càng cảm thấy rõ những giá trị ấy. Từ hàng trăm năm nay, bà con người Ba Na đã đưa những hình ảnh, họa tiết phản ánh đời sống hằng ngày để trang trí các tấm thổ cẩm (nhà rông, cây nêu, con trâu…). Điều đó được lưu truyền, tiếp nối qua nhiều đời, cho đến ngày hôm nay. Qua đó, thổ cẩm không chỉ là vật dụng trong đời sống hằng ngày, mà tựa như một kho tàng lịch sử và văn hóa của người Ba Na trên mảnh đất này. Mỗi họa tiết hoa văn đều có ý nghĩa. Đó là từng mảnh ghép nhỏ, chúng liên kết với nhau thành câu chuyện lịch sử của một dân tộc qua cách kể độc đáo, chân thực và giàu cảm xúc”- anh Thông hào hứng.

Theo anh Thông, trong truyền thống, thổ cẩm của người Ba Na được dệt từ chất liệu vỏ cây rừng hoặc sợi bông. Tuy nhiên, theo thời gian, việc dệt thổ cẩm từ vỏ cây rừng dường như đã hoàn toàn biến mất đối với người Ba Na tại Kon Tum. Bà con chỉ con lưu lại việc dệt thổ cẩm bằng sợi bông trong đời sống hằng ngày.

Trang phục thổ cẩm của người Ba Na cũng được tạo hình một cách chân chất, mộc mạc như chính con người họ. Trang phục của phụ nữ gồm áo vuông tay cộc và váy suôn dài; đàn ông là  khố. Trong trang phục thổ cẩm truyền thống của người Ba Na, các họa tiết gồm các màu chủ đạo là đỏ, vàng và trắng. Đây là điểm nhấn để tô điểm, nổi bật lên cả bộ trang phục. Theo truyền thống, đối với một số người có địa vị trong làng, như già làng chẳng hạn, thì trang phục của họ sẽ có đính thêm một số họa tiết riêng biệt.

155049N%C3%A9t%20%C4%91%E1%BB%99c%20%C4%91%C3%A1o%20trong%20h%E1%BB%8Da%20ti%E1%BA%BFt%20c%E1%BB%A7a%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Ba%20Na.

Nét độc đáo trong họa tiết của người Ba Na. Ảnh: T.T

 

Anh Thông thủ thỉ: “Khi nói về thổ cẩm của người Ba Na, mình thường dùng từ “việc dệt” để thay cho “nghề dệt”. Bởi bà con Ba Na chủ yếu dành cả ngày để lên rẫy canh tác cây trồng, hoa màu, chỉ đến khi đêm xuống, bà con mới có thời gian rảnh rỗi dệt thổ cẩm. Mình hi vọng rằng địa phương sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp, cách làm hay, để đưa việc dệt thổ cẩm thật sự trở thành một nghề tạo thu nhập ổn định cho bà con. Qua đó, thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Ba Na nói chung và thế hệ trẻ người Ba Na nói riêng. Để nghề dệt và thổ cẩm của người Ba Na luôn được gìn giữ, bảo tồn và kế thừa cho thế hệ sau”.

Hy vọng rằng ngày càng có nhiều hơn những người truyền cảm hứng như anh Thông, và không chỉ quan tâm tới bản sắc, văn hóa, truyền thống về dệt và thổ cẩm của người Ba Na mà còn lan tỏa đến cộng đồng những điều ý nghĩa, những giải pháp thiết thực. Qua đó, góp phần để dệt và thổ cẩm người Ba Na được gìn giữ và kế thừa mãi mãi qua các thế hệ.

Tất Thành