Nghị lực của một người thầy

91

28/10/2021 06:01

Ở Trường TH-THCS Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), thầy A Mik được nhiều học sinh yêu quý, đồng nghiệp kính trọng, bởi đôi chân thầy Mik không được lành lặn, nhưng ngày ngày vẫn hết lòng vì đàn em thân yêu.

Tranh thủ khoảng thời gian trống tiết ngắn ngủi, thầy A Mik tâm sự với chúng tôi về cuộc đời của mình. Lúc thầy Mik hơn 1 tuổi, một cơn sốt rét đã khiến chân phải teo lại. Từ đó phải chống nạng mới có thể đi lại. Những năm tháng đi học, thầy Mik chỉ biết dựa vào những người bạn để đưa đến trường, có hôm thì được bạn cõng, có ngày thì đi xe đạp. Nhà thầy Mik ở thôn Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, cách điểm trường gần 2 cây số.

Thầy Mik kể: Ngày ấy, đường đi lại khó khăn, muốn đến trường phải lội qua con suối. Có lần, bạn tôi cõng qua suối, không may trượt chân ngã, quần áo ướt sũng, hai đứa phì cười. Chính vì thế, mỗi lần đi học tôi đều mang thêm 1 bộ đồ dự phòng những khi gặp sự cố.

Gia đình có truyền thống giáo dục, nên từ khi còn nhỏ, thầy A Mik đã tự nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Dù khó khăn trong đi lại, nhưng chưa có giây phút nào thầy A Mik nản lòng, muốn buông bỏ việc học. Khi học hết cấp 3, thầy A Mik tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, quyết tâm đạt được ước mơ trở thành thầy giáo.

Sau nhiều năm cố gắng, sống tự lập tại kí túc xá trong trường, thầy A Mik đã trở thành thầy giáo dạy môn Địa lý và Giáo dục công dân, dạy tại Trường TH-THCS Đăk Rơ Wa vào năm 2010.

164245Th%E1%BA%A7y%20Mik%20lu%C3%B4n%20t%E1%BA%ADn%20t%E1%BB%A5y%20trong%20c%C3%B4ng%20vi%E1%BB%87c.
Thầy Mik luôn tận tụy trong công việc. Ảnh: V.T

“Được trở thành thầy giáo và dạy cho các em học tại địa phương mình sinh sống và niềm hạnh phúc nhất của tôi. Các em học sinh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tôi muốn góp một phần công sức, những kiến thức của bản thân để giúp các em thêm hiểu biết, sau này trở thành những công dân tốt cho xã hội” – thầy A Mik chia sẻ.

Tưởng chừng cuộc đời thầy A Mik sẽ bình yên cho đến khi tai họa ập đến vào đầu năm học 2020. Thầy Mik vẫn còn nhớ như in tối 5/9/2020, đang trên đường trở về nhà thì va chạm với hai thanh niên đi hướng ngược lại tại cầu treo Kon Klor. Vụ tai nạn đã khiến chiếc chân lành lặn còn lại trở nên tàn phế khi va đập mạnh xuống thành cầu.

Khi biết mình không thể chống nạng đi lại mà phải ngồi xe lăn để di chuyển, thầy A Mik vô cùng bất lực và hụt hẫng. Nhưng nỗi đau lớn hơn mà thầy Mik phải chịu đựng khi đấy là người vợ thầy vào tỉnh Long An làm ăn bấy lâu đã cắt đứt liên lạc với chồng, con khi nghe hung tin thầy A Mik bị nạn.

Suốt học kỳ I, năm 2020, thầy A Mik phải tạm xa mái trường để điều trị. Ngoài đứa con trai 2 tuổi thì bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng là những người thay phiên nhau bên cạnh và chăm sóc thầy, còn người vợ thì không có một cuộc điện thoại hỏi thăm.

“Vợ tôi vào đó làm 4 năm nay nhưng chưa về thăm nhà lần nào. Những năm đầu mới vào thỉnh thoảng còn gọi điện, gửi tiền về nuôi con. Hai năm gần đây thì không nghe tin tức gì của vợ, gọi điện thì thấy số điện thoại đã bị khóa. Con trai tôi cũng không hỏi thăm về mẹ nó, mỗi lần nhìn con mình, tôi có thêm động lực để tiếp tục làm việc” – thầy A Mik tâm sự.

Nén lại nỗi đau, học kỳ II năm 2020, thầy Mik tiếp tục hành trình gieo chữ với một công cụ hỗ trợ mới là chiếc xe lăn. Thầy trở lại trường trong sự mong mỏi, chào đón của học sinh và đồng nghiệp. Một hành trình mới bắt đầu!

Những ngày đầu giảng dạy trên chiếc xe lăn, mọi thứ với thầy Mik thật bỡ ngỡ và khó khăn. Nhưng với sự chuẩn bị chu đáo trong từng bài dạy, cùng với sự hỗ trợ của nhà trường, giúp đỡ của học sinh, thầy A Mik đã tự tin với hình ảnh người “thầy giáo xe lăn”.

Từng bài giảng của thầy A Mik đều được chuẩn bị rất chu đáo bằng phương pháp áp dụng công nghệ thông tin. Các câu hỏi, nội dung, hình ảnh… đều được thầy A Mik thể hiện trên máy tính, sau đó trình chiếu lên ti vi trong lớp và giảng dạy cho học sinh.

Thầy Phan Đình Kiên – Hiệu Trưởng Trường TH – THCS Đăk Rơ Wa cho biết: Để thầy A Mik thuận tiện trong công tác giảng dạy, nhà trường đã tạo điều kiện sắp xếp 1 lớp học có thiết kế riêng để thầy dễ dàng đi lại. Mỗi lần các em học sinh có tiết của thầy Mik thì đến lớp này học để thầy Mik không phải di chuyển. Thầy A Mik là một thầy giáo nghị lực, trong quá trình giảng dạy, thầy luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, tham gia đầy đủ các hoạt động, các lớp tập huấn đổi mới chương trình giáo dục. Thầy Mik là 1 giáo viên ứng dụng rất tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy, là tấm gương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường học hỏi theo.

Văn Tùng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/nghi-luc-cua-mot-nguoi-thay-20928.html