baotintuc.vn
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cùng chính quyền địa phương đến thăm hỏi gia đình chị Y Nghen (trú thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà). Ảnh: TTXVN phát
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Sở cần thông tin đầy đủ các quy định của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để người lao động biết, tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động; khuyến cáo các nguy cơ, rủi ro mà người lao động phải đối mặt khi làm việc và cư trú bất hợp pháp.
Sở thường xuyên theo dõi, phối hợp với Cục quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các công ty có liên quan cập nhật thông tin về công dân của tỉnh đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng về nước để có các biện pháp phối hợp can thiệp, xử lý kịp thời những phát sinh; kịp thời hỗ trợ, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định. Đặc biệt, Sở sớm phối hợp đưa hai lao động của tỉnh đang gặp khó khăn về nước là chị Y Nghen (trú thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà) và chị Y Tha (trú tại thôn Đăk Lúp, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông).
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cũng có trách nhiệm đề nghị các công ty được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi triển khai thực hiện công tác tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc và cam kết với chính quyền địa phương về hỗ trợ và xử lý phát sinh của người lao động khi đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Gia đình chị Y Nghen (trú thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà) có hoàn cảnh rất khó khăn. Ảnh: TTXVN phát
Trước đó, giữa năm 2023, Ủy ban nhân dân xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum nhận được thông tin về trường hợp của lao động Y Nghen (thôn Kon Sơ Tiu) gặp khó khăn trong việc về nước sau khi hết hợp đồng lao động tại Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia). Năm 2017, chị Y Nghen đi lao động theo hợp đồng với Công ty Tràng An (nay là Công ty Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động và Thương mại du lịch – Công ty Colecto.,jsc). Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng, công ty không liên hệ với công dân và đưa công dân về nước. Hiện, lao động Y Nghen đang được nước sở tại đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Ri-át.
Tiếp tục mở rộng tìm hiểu, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum xác định có thêm trường hợp của chị Y Tha (trú tại thôn Đăk Lúp, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) cũng chưa thể về nước sau khi hết hợp đồng lao động. Trường hợp của lao động Y Choát (trú xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) dù đã được về nước nhưng chưa nhận được số tiền lương theo đúng thỏa thuận và hợp đồng lao động ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, Sở đã liên hệ với các công ty và địa phương để tìm giải pháp đưa hai lao động Y Nghen và Y Tha về nước trong thời gian sớm nhất. Đối với trường hợp lao động Y Choát, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động và Thương mại dịch vụ (Colecto.,jsc) phối hợp với chính quyền địa phương nơi lao động cư trú, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động làm việc với ngân hàng Việt Nam nơi nhận tiền để xác nhận bằng văn bản việc người lao động chưa nhận tiền theo 3 phiếu chuyển tiền của người sử dụng lao động ở Saudi Arabia; chứng thực văn bản xác nhận của ngân hàng và gửi cho Ban Quản lý lao động tại Saudi Arabia để làm việc với cơ quan chức năng sở tại.