baotintuc.vn
Dự kiến, tuyến cao tốc là Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku sẽ được đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030, bước đầu hình thành trục cao tốc phía Tây. Cả hai dự án cao tốc đều được kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu tích cực, lạc quan cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kon Tum – tỉnh nghèo nhất của khu vực Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Cục đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa tuyến tuyến cao tốc Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku vào kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030. Qua đó, góp phần đạt mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, tuyến cao tốc Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku là một trong những đoạn nằm trong tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, nên Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ là trọng tâm để nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2026 – 2030. Sau khi nhận đề nghị của Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu, xem xét đối với dự án này.
Đối với việc bổ sung quy hoạch cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum vào mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, định hướng 2050, ông Nguyễn Việt Cường cho biết đã bổ sung xong, hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành để hoàn tất thủ tục bổ sung.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế tỉnh Kon Tum nói riêng, thúc đẩy giao thương tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia nói chung. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch đường cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum, với mục đích tạo động lực phát triển hành lang kinh tế Bờ Y – Kon Tum – Măng Đen – Quảng Ngãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương.
Thực tế, điều kiện tự nhiên có nhiều đồi núi, cộng với việc cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ khiến tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút “đại bàng” về “làm tổ”. Đơn cử, năm 2020, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn, tỉnh Kon Tum từng đưa ra đề nghị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến hoa quả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp phát triển ngành nông nghiệp – ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đại diện của DOVECO khi đó đã từ chối, phần vì cơ sở hạ tầng chưa phát triển, khó khăn cho việc vận chuyển sản phẩm, phần vì doanh nghiệp này đã có nhà máy chế biến tại tỉnh Gia Lai.
Hiện nay, việc giao thương của tỉnh Kon Tum chủ yếu theo tuyến Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 24 và Quốc lộ 19 thông qua tỉnh Gia Lai. Cả ba tuyến Quốc lộ này đều là tuyến huyết mạch, nối Kon Tum với các tỉnh khác và thông thương hàng hóa xuống các cảng biển phía Đông như Dung Quất, Đà Nẵng hay Quy Nhơn. Thế nhưng, cả ba tuyến đường này đều có các cung đường đèo, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa là đèo Lò Xo, đèo Violak và đèo An Khê.
Việc khó thu hút được các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược về với tỉnh đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của Kon Tum. Mặc dù năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,32%, cao nhất của khu vực Tây Nguyên, song thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt 4.200 tỷ đồng. Ông Trần Việt Hùng, Phó phòng Quản lý ngân sách địa phương – Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, mức thu ngân sách của tỉnh Kon Tum chỉ tăng trưởng 2 – 3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp, vì đa số các tỉnh, thành trong cả nước đều có mức tăng trưởng 7% trở lên. Đáng nói, khoảng 50% thu ngân sách của Kon Tum đến từ các thủy điện, điều này cho thấy kinh tế của Kon Tum còn khá đơn điệu, các ngành công nghiệp – dịch vụ chưa phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đang phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, với quy mô khoảng 16.000 ha. Đây được kỳ vọng là khu vực giao thương chính trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Tuy nhiên, tuyến đường nối từ Khu kinh tế này với các khu vực khác đang có dấu hiệu xuống cấp, quá tải, khó có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thương mại, dịch vụ trong thời gian tới.
Có thể thấy, việc sớm triển khai đầu tư hai tuyến cao tốc Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku và Kon Tum – Quảng Ngãi sẽ giúp hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Kon Tum được phát triển, rút ngắn thời gian và thuận tiện cho các doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa. Khi có hai tuyến cao tốc, Kon Tum mới có thể mời gọi được “đại bàng” về làm tổ, phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp, phát triển đa ngành nghề, tạo được nhiều việc làm cho người dân bản địa, cuộc sống nhân dân ngày càng phát triển.
Ông Đàm Phúc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum khẳng định, việc đầu tư xây dựng hai tuyến cao tốc Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku và Kon Tum – Quảng Ngãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kon Tum. Các tuyến cao tốc sẽ giúp kết nối Kon Tum với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên cũng như khu vực duyên hải miền Trung; rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh bạn; bước đầu hình thành hai hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây, khi kết hợp với hai tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku và Đà Nẵng – Thạnh Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku còn mang đến giá trị to lớn hơn khi kết nối Kon Tum với các tỉnh của hai nước bạn Lào và Campuchia, giúp việc giao thương giữa ba nước thuận lợi hơn, góp phần vun đắp tình hữu nghị và xây dựng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia ngày càng phồn thịnh.
Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/kon-tum-ky-vong-tu-hai-tuyen-cao-toc-sap-hinh-thanh-20240326075918361.htm