Cung cấp thông tin khoa học về động đất, sóng thần cho đại chúng

5

baotintuc.vn
Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Vật lý Địa cầu, chia sẻ những điều cần biết về động đất và sóng thần.

Chia sẻ những điều cần biết về động đất và sóng thần, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất là hiện tượng nền đất đang rung động nhẹ trở nên chấn động mạnh dữ dội do sự dịch chuyển đột ngột của các lớp đất đá bên dưới bề mặt Trái đất gây ra. Sự dịch chuyển đột ngột dọc theo các đứt gãy địa chất trong các lớp rắn và cứng của vỏ Trái đất tạo ra các trận động đất kiến tạo. Các chấn tâm động đất thường tập trung trên những đới hẹp và kéo dài gọi là các vành đai động đất. Ba vành đai động đất lớn nhất hành tinh là vành đai Thái Bình Dương, vành đai Địa Trung Hải – Himalaya và vành đai kéo dài theo dải núi ngầm từ Bắc Băng Dương, qua Đại Tây Dương, xa mãi về phía Nam.

Còn sóng thần là một chuỗi các đợt sóng lớn có bước sóng dài sinh ra do các biến động địa chất mạnh mẽ xảy ra ở đáy biển. Khi sự di chuyển đột ngột của các cột nước lớn xảy ra, hoặc đáy biển đột ngột nâng lên hay hạ xuống do tác động của động đất, sóng thần được hình thành dưới tác động của trọng lực. Các đợt sóng nhanh chóng lan truyền trong môi trường nước và trở nên vô cùng nguy hiểm với khả năng tàn phá lớn khi chúng tiến vào bờ biển nông.

Chú thích ảnh
Kỹ sư Đinh Quốc Văn, Phó Trưởng phòng quan sát động đất, Viện Vật lý địa cầu, đề cập tới hoạt động quan trắc, xử lý và báo tin động đất, sóng thần tại Việt Nam.

Đề xuất giải pháp ứng phó với động đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc và động đất tại tỉnh Kon Tum những năm gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương cho rằng, trước hết chính quyền địa phương các khu vực hay xảy ra động đất cần phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất trên địa bàn, kịp thời báo cáo tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo ứng phó động đất theo quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trên địa bàn, thông báo kịp thời về tình hình động đất đến chính quyền và người dân được biết, chủ động ứng phó, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh, động đất ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó, cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư… Người dân cũng cần nắm vững việc phân biệt động đất kích thích với động đất kiến tạo để phòng tránh, ứng phó kịp thời khi xảy ra động đất.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu, phát biểu.

Để nâng cao kỹ năng ứng phó với động đất, Tiến sỹ Bùi Nhị Nhung, nghiên cứu viên chính Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đề xuất, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần sớm thêm các tài liệu tuyên truyền phù hợp với những khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng như: diễn tập, lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng ứng phó động đất, đưa vào chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục…