Kon Tum đặt mục tiêu có 13.000 ha cây ăn quả vào năm 2025

78

baotintuc.vn

Chú thích ảnh
Vườn cung ứng giống cây trồng Tiến Mạnh (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một trong khoảng 40 cơ sở cung ứng giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. 

Trong số 13.000 ha cây ăn quả mục tiêu của năm 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu có hơn 2.400 ha chuối, trên 1.060 ha cây có múi, gần 2.600 ha sầu riêng, 2.000 ha chanh dây, hơn 1.100 ha bơ, trên 1.250 ha mít,… Diện tích cây ăn quả trồng tại 10/10 huyện, thành phố của tỉnh, với diện tích lớn nhất tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Plông,…

Tỉnh Kon Tum xác định giai đoạn từ nay đến 2025, trọng điểm trong phát triển cây ăn quả là hình thành vùng trồng tập trung, chuyên canh một số loại cây chủ lực (gồm sầu riêng, chuối, bơ, mít, chanh dây, dứa, xoài, nhãn, cây có múi) tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp và thuận lợi trên địa bàn tỉnh; trong đó có ít nhất 2.450 ha trồng chuyên canh thuộc vùng sản xuất trọng tâm của các huyện, thành phố. Đồng thời, thực hiện cải tạo diện tích vườn tạp và chuyển đổi các diện tích cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp để trồng cây ăn quả.

Việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cây ăn quả được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo các tiêu chuẩn chất lượng sản xuất như VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP…, các sản phẩm trái cây tươi và sau chế biến đảm bảo chất lượng sản phẩm như ISO 22000, HACCP, SQF, IFS…. Tỉnh phấn đấu xây dựng và được cấp có thẩm quyền cấp ít nhất 35 mã số vùng trồng cây ăn quả; 10 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng các tiêu chí phục vụ xuất khẩu theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; diện tích sản xuất cây ăn quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt trên 50%.

Đồng thời hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cây ăn quả gắn với việc hình thành các hợp tác xã tại các vùng trồng cây ăn quả tập trung, chuyên canh gắn với việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; phấn đấu hình thành các chuỗi liên kết có phạm vi hoạt động toàn tỉnh và mở rộng liên kết ra các tỉnh khác có cùng tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm trái cây của tỉnh Kon Tum được doanh nghiệp lớn thu mua, chế biến, tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ trái cây đạt khoảng 113.000 tấn/năm, chiếm tỷ trọng 30,2% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. 

Đến năm 2030, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu có 15.100 ha cây ăn quả, chiếm 1,73% tổng số diện tích đất nông nghiệp của tỉnh; nâng diện tích vùng trồng tập trung, chuyên canh lên 4.770 ha. Giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh phấn đấu thu hút, hình thành thêm ít nhất môt nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái cây có công suất lớn và năng lực chế biến sâu. Bên cạnh đó, phát triển ổn định các chuỗi liên kết trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cây ăn quả gắn với mở rộng các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Đến 2030, tỉnh ổn định và khai thác có hiệu quả đối các vườn cây đầu dòng trên địa bàn tỉnh, mở rộng quy mô các vườn giống cây trồng, phát triển các chợ đầu mối, chợ phiên giống cây trồng để chủ động cung ứng giống cây trồng đảm bảo chất lượng cho phát triển cây ăn quả. Sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 142.000 tấn/năm, chiếm tỷ trọng 32,4% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có gần 9.600 ha cây ăn quả. Đáng chú ý, diện tích cây ăn quả của tỉnh đang tăng nhanh trong thời gian gần đây, khi chỉ đạt hơn 3.400 ha vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả thời gian qua còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng trồng tập trung quy mô lớn; sản xuất chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường nhất là thị trường xuất khẩu; khả năng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm còn rời rạc,…

Điều này dẫn đến việc phát triển cây ăn quả tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người sản xuất, chưa phát huy được lợi thế địa phương; chưa hỗ trợ được người sản xuất tiếp cận các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt đối với cây ăn quả là những cây trồng lâu năm, cần sự đầu tư lớn. Vì vậy, Đề án Phát triển cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có vai trò quan trọng trong việc phát triển loại cây trồng này một cách bền vững trên địa bàn tỉnh.


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/dia-phuong/kon-tum-dat-muc-tieu-co-13000-ha-cay-an-qua-vao-nam-2025-20240120102230334.htm