Hy sinh thầm lặng của cô giáo 23 năm gieo chữ nơi cao nguyên

4076


Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Quy Nhơn, cô Nguyễn Thị Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum) về gắn bó với mảnh đất Kon Tum nắng gió.

Hy sinh thầm lặng của cô giáo 23 năm gieo chữ nơi cao nguyên

Cô Hoàn suốt 23 năm qua luôn dành tất cả tình yêu thương cho học trò.

Ngày mới về, cơ sở vật chất, đường sá đi lại nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Các em học sinh đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên gia đình còn nhiều thiếu thốn.

Thương học trò nghèo, cô Hoàn hay quan tâm, hỏi han và động viên các em cố gắng đến lớp. Những hôm thấy học trò vắng, cô tức tốc chạy đến nhà để vận động, đưa các em ra lớp. Mỗi khi thấy học trò thiếu thốn, cô Hoàn lại mua cho các em và kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ.

“Gia đình khó khăn, nhiều em học sinh đến lớp với cái bụng rỗng, tái đi vì lạnh. Tôi thương học trò nên thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp thêm động lực để các em học con chữ. Nhiều em rất ham học, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn đành phải bỏ giữ chừng, tôi thấy thương các em vô cùng. Do đó, tôi cố gắng làm mọi thứ có thể để giúp các em đến lớp và tiếp thu kiến thức.”, cô Hoàn chia sẻ.

Trong suốt 23 năm giảng dạy, cô Hoàn đã có rất nhiều lứa học trò thành công trên con đường học vấn, cũng như sự nghiệp. Nhiều em học sinh quý mến, quay lại cảm ơn và giúp cô hỗ trợ những hoàn cảnh học sinh khó khăn khác. Cũng từng ấy thời gian trôi qua, có những câu chuyện thấm đẫm nước mắt về học trò khiến cô Hoàn không thể nào quên.

Hy sinh thầm lặng của cô giáo 23 năm gieo chữ nơi cao nguyên

Ngoài giờ lên lớp cô Hoàn thường xuyên đi làm từ thiện, giúp đỡ các em học sinh nghèo.

Cô Hoàn nhớ lại, năm ngoái cô phải chia tay cậu học trò Đào Vỹ Long (14 tuổi) của mình khi em phải theo mẹ vào TP Hồ Chí Minh học nghề vì hoàn cảnh quá khó khăn. Bố mẹ Long đều là học trò của cô Hoàn nên cô đặc biệt quan tâm đến cậu học trò này. Trước đây Long là một học sinh cá biệt, thường xuyên nghỉ học để đi chơi điện tử. Tuy nhiên, qua tìm hiểu hoàn cảnh, cô Hoàn biết bố Long bị tai nạn nên bị tật, mẹ phải đi làm xa để lo cho 3 anh em Long. Chính vì vậy Long không được ai quan tâm, chỉ bảo nên mới không chú tâm vào việc học.

Thương học trò, cô Hoàn thường xuyên động viên, hỏi thăm Long. Vào mỗi buổi sáng, cô Hoàn chạy xe hơn 30 phút xuống nhà đón Long đến lớp để tránh tình trạng em bỏ học. Qua một thời gian, cậu học trò cá biệt lúc bấy giờ đã bỏ chơi điện tử, chăm chỉ theo cô đến trường học con chữ. Để khích lệ học trò, cô Hoàn thường mua đồ ăn sáng, cho Long áo ấm để em cố gắng hơn. Tuy nhiên, do cuộc sống quá khó khăn, bố mẹ ly hôn nên Long phải vào TP Hồ Chí Minh để học nghề. Mặc dù cô Hoàn đã xuống nhà tuyên truyền, vận động gia đình sẽ giúp em tiếp tục đi học nhưng bố mẹ Long không đồng ý. Ngày Long xuống thành phố, cậu học trò gửi lại cho cô bức thư cảm ơn vì đã yêu thương, giúp đỡ em trong suốt thời gian qua. Khi đó, cô Hoàn cầm bức thư trên tay chỉ biết khóc, thương cho cậu học trò nghèo bất hạnh.

“Trong suốt hơn 20 năm đứng trên bục giảng tôi đã cùng học trò trải qua biết bao chuyện vui buồn. Các em tuy khó khăn nhưng đa số đều rất chăm ngoan và ham học. Tôi cảm thấy thương cho các em phải dừng việc học lại bởi hoàn cảnh quá khó khăn. Tôi chỉ ước các em sẽ được đi học đến nơi đến chốn. Còn cá nhân tôi sẽ cố gắng trau dồi thêm để hỗ trợ, giúp đỡ các em trên con đường học tập.”, cô Hoàn chia sẻ.

Trong suốt 23 năm theo nghề giáo, cô Hoàn đã hỗ trợ, giúp cho 34 học sinh đạt học sinh giỏi cấp thành phố, 18 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cô Hoàn là giáo viên giỏi của tỉnh năm học 2008-2009, 2012-2013. Cô cũng là giáo viên đạt 11 giải cấp tỉnh về giáo viên giỏi các chuyên đề. Đặc biệt cô Hoàn xuất sắc đạt 4 giải quốc gia, trong đó có 2 giải nhất về dạy học theo chủ đề tích hợp.

Không chỉ vậy, trong phần thi Sân khấu hóa về tuyên truyền chủ quyền Biển đảo Việt Nam năm 2020 tại tỉnh Kon Tum, cô đã đạt giải xuất sắc. Trong năm học 2019-2020 cô Nguyễn Thị Hoàn được đề nghị xem xét công nhận nhà giáo ưu tú.

Dung Nguyễn