“Hồn cốt” người làng Kon Kơ Tu

436

[Tin Kon Tum] –


12/03/2019 13:04


Tiếng Ba Na, Kon Kơ Tu có nghĩa là làng cổ. Người dân trong làng còn giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Cùng với những nét văn hoá độc đáo khác, sản phẩm thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm là một trong những yếu tố góp phần tạo nên “hồn cốt” của người Ba Na.

Nặng nợ với nghề

Dường như là duyên nợ, sau hành trình khám phá tour du lịch ngược dòng sông Đăk Bla cùng với hai vị khách người Pháp và một hướng dẫn viên du lịch Kon Tum đến làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) cách đây nhiều năm, thâm tâm luôn mách bảo tôi phải trở lại nơi này.

Thực ra không phải riêng tôi, có nhiều du khách tận trời Âu khi đến thành phố Kon Tum đều đến làng Kon Kơ Tu, bị vẻ đẹp tự nhiên và con người nơi đây “hút hồn” nên đã quay lại để tìm hiểu sâu hơn về những điều kỳ thú mà mình đã được nghe, được thấy, nhất là với những du khách thích trải nghiệm, khám phá những nét đẹp về văn hóa.

Sắp xếp công việc ổn thỏa, lần này, tôi quyết tâm không đi theo tour du lịch mà muốn bỏ thời gian nhiều hơn, “đi lang thang” một mình để khám phá những nét đẹp ẩn sâu trong đời sống hàng ngày của người Ba Na ở làng Kon Kơ Tu.

Biết được ý định của tôi, qua trò chuyện, chị Y Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa mách nhỏ, người Ba Na ở làng Kon Kơ Tu hiện nay vẫn còn giữ được nhiều nghề truyền thống, nhất là nghề dệt thổ cẩm giúp cho nhiều chị em có cuộc sống ổn định. Đây là đề tài nhà báo có thể viết để động viên các chị em và góp phần mở hướng phát triển du lịch ở địa phương.


“Hồn cốt” người làng Kon Kơ Tu 1
Chị em phụ nữ Ba Na đang dệt thổ cẩm

 

Để tiện cho công việc, chị Y Khiêm cử anh Rơ Chăm Duy, cán bộ xã đưa tôi về làng Kon Kơ Tu.

Băng qua những tuyến đường bê tông mới mở dọc theo các làng sau UBND xã Đăk Rơ Wa, chúng tôi về làng Kon Kơ Tu. So với trước đây, nhiều tuyến đường trong làng Kon Kơ Tu bây giờ được bê tông. Đường làng bây giờ thoáng và sạch hơn. Giữa làng là ngôi nhà rông cao vút, mặt hướng ra sông Đăk Bla. Mái nhà rông hình lưỡi rìu, ngạo nghễ vươn lên giữa trời xanh. Xung quanh nhà rông, còn nhiều những ngôi nhà sàn giữ được phong cách cổ xưa.

Gần ngôi nhà rông là ngôi nhà sàn nhỏ xinh xắn của chị Y Xanh. Năm tháng trôi qua, nhưng tôi thấy chị Y Xanh vẫn không khác mấy như hồi tôi gặp lần đầu khi đến nơi đây – lúc tôi mới bước chân vào nghề báo. Tay chị dường như lúc nào cũng thoăn thoắt và mềm mại bên khung dệt. Kể cả khi nhỏ nhẹ trò chuyện với chúng tôi, chị vẫn không rời khung dệt.

Qua câu chuyện thân tình về nghề, chị kể chị bị khuyết tật ở chân không thể đi nương rẫy nên lấy nghề dệt làm kế mưu sinh. Chị học nghề dệt thổ cẩm từ mẹ, bà ngoại mình khi mới 15 tuổi. Cũng  như bao cô gái khác, ngày trước người con gái Ba Na nào cũng biết trồng bông, kéo sợi, nhuộm sợi và dệt vải. Thổ cẩm được làm bằng sợi bông mềm mại và đẹp…

Tuy nhiên, kể từ khi sợi chỉ có mặt nhiều trên thị trường, chị em không còn phải tốn nhiều công sức trồng bông, xe sợi mà mua sợi về dệt. Dần dần nghề trồng bông thất truyền.

“Mình nhớ những tấm thổ cẩm bằng bông lắm, nó bền và đẹp, nhưng đành chịu thôi. Trồng bông tốn nhiều công sức quá, mình không có sức khoẻ để trồng…!” – chị Y Xanh thở dài luyến tiếc với thổ cẩm bằng bông.

Nhưng chị cũng như nhiều chị em Ba Na trong làng Kon Kơ Tu chỉ xem đó như một kỷ niệm đẹp của thời quá vãng, bởi các chị nhận thức được, theo thời gian, sự thay đổi của một số phương thức sản xuất trong quá trình phát triển là điều tất yếu, cái tiện ích hơn sẽ dần thay thế những cái phức tạp, ít hiệu quả. Chỉ có những ngành nghề truyền thống thì cần gìn giữ, vì đó là nét văn hóa, là bản sắc của mỗi dân tộc.

Các sản phẩm thổ cẩm chị Y Xanh cũng như các chị em trong làng Kon Kơ Tu dệt hiện nay nhiều là khăn choàng cổ, áo, chăn đắp, khố, túi xách… Nặng nợ với nghề, các sản phẩm của các chị dệt không thua kém với bất cứ nơi nào mà tôi từng được biết.

Giữ “hồn cốt” của dân tộc mình

Cần mẫn với nghề, nhưng theo chị Y Xanh nghề dệt thổ cẩm hiện chỉ góp phần ổn định đời sống, khó có thể làm giàu. Bởi theo chị, để dệt 1 tấm choàng mất ít nhất 5 ngày, nhưng bán chỉ được 400 nghìn đồng; 1 túi xách tay (kể cả công may) mất hơn 2 ngày, bán 300 nghìn đồng; 1 bộ áo-váy nữ mất 2 tuần (tính cả công cắt may), bán 1 triệu đồng; 1 áo nam mất 3-4 ngày, bán 300-400 nghìn đồng…. Đó là chưa tính tiền chỉ. Tiền chỉ thường chiếm trên 1/3 giá thành sản phẩm.

Điều khiến các chị em trong làng nặng nợ với nghề thổ cẩm là qua sản phẩm thổ cẩm, các chị em muốn giữ lại “hồn cốt” của dân tộc mình. Nếu để mất thổ cẩm, những dấu ấn của dân tộc cũng sẽ dần dần mất đi. Hơn nữa, đây còn là nghề làm nên nét đẹp và niềm tự hào của người phụ nữ Ba Na.

Theo quan niệm, ngày trước, người con gái Ba Na nào giỏi dệt vải, dệt đẹp được dân làng coi trọng và đánh giá cao. Ở những người con gái giỏi giang này dễ bắt được người chồng khoẻ mạnh, thật thà, giỏi săn bắn… (tiêu chuẩn ngày xưa). Còn những người con gái nào không biết dệt vải, sẽ khó bắt được người chồng mình ưng ý. Chị Y Xanh cho chúng tôi biết về quan niệm đánh giá về nết na của người phụ nữ Ba Na trong gia đình.


1552371084 144 “Hồn cốt” người làng Kon Kơ Tu 1
Các du khách trong và ngoài nước đều rất thích khám phá làng cổ

 

Quan sát khách đến làng cổ Kon Kơ Tu tham quan, chúng tôi thấy khách rất thích thú khi xem các chị dệt thổ cẩm. Sản phẩm của các chị trở thành những món hàng kỷ niệm có giá trị và theo khách qua tận trời Âu.

Theo chị Y Xanh, trong làng còn có các bà, các chị Y Na, Y Mứt, Y Xenh, Y Yin… chuyên dệt thổ cẩm. Nhà chị Y Na còn là nơi lưu trú của nhiều khách Tây khám phá làng cổ trước khi họ theo thuyền độc mộc ngược dòng Đăk Bla hay muốn băng rừng, lội suối trở về với thiên nhiên trên những dãy đồi trong làng. 

Du khách có người cũng nặng nợ với người làng Kon Kơ Tu. Con gái bà Y Na lấy một kỹ sư người Pháp và vẫn thường đi về Việt Nam. Tại thời điểm tôi đến, nghe nói người kỹ sư người Pháp- con rể bà đang làm việc tại huyện Kon Plông. Tại nhà Y Na, tôi gặp một cháu gái “lai Tây” xinh xắn và đáng yêu đang được bà chăm nom.

Bà Y Na cũng thật lòng khi trao đổi với tôi nghề dệt thổ cẩm, kinh doanh thổ cẩm và người con rể Tây của mình. Song thấy bà bận bịu, tôi không dám làm phiền. Chồng bà- ông A Ben cũng đang bận rộn chuẩn bị đón một đoàn khách Tây vào tham quan và nghỉ tại nhà mình. 

Có người hỏi, điều gì khiến du khách thường tìm đến làng Kon Kơ Tu? Phải chăng đây là ngôi làng giữ được những nét cổ xưa nhất của người Ba Na về kiến trúc nhà rông, nhà sàn dài, không gian văn hoá cồng chiêng; người dân hiền hoà, mến khách và còn giữ nhiều phong tục, tập quán, hát kể sử thi (hơmon hơri), hát đồng dao (‘nhoi hơri), nghề truyền thống dệt thổ cẩm…  Có lẽ là tất cả những điều trên cộng lại. Nhưng, theo tôi, sản phẩm thổ cẩm và nghề dệt thổ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên “hồn cốt” của người Ba Na.

Tự hào về nghề dệt thổ cẩm, chị Xanh còn tự hào về ngôi làng Kon Kơ Tu của mình. Trong tiếng Ba Na, “Kon Kơ Tu” có nghĩa là làng cổ. Trải qua bao biến thiên của thời gian, của lịch sử, nhưng người Ba Na vẫn thuỷ chung với ngôi làng cổ của mình. Ngược lại, làng cổ ôm ấp, bao dung và nuôi khát vọng người dân trên bước đường mưu sinh, vươn đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Rời làng cổ Kon Kơ Tu, nhưng trong tôi vẫn còn mãi những hình ảnh đẹp về những người phụ nữ Ba Na bên khung dệt, về những sản phẩm thổ cẩm, về cái nét duyên ngầm của người phụ nữ bên trang phục thổ cẩm và bản chất chân thật của người dân nơi đây.

Có lẽ những nét đẹp truyền thống tạo nên “hồn cốt” của người Ba Na làng cổ đã khiến du khách luyến lưu- tôi lan man nghĩ trên đường trở về, kết thúc một hành trình khám phá đầy thi vị.

Bài và ảnh: VĂN NHIÊN