Già làng A Plung bảo tồn văn hóa truyền thống

612


13/08/2018 13:30


Không chỉ đánh cồng chiêng giỏi, già làng A Plung ở làng Kon Kơ La (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) còn chơi được nhiều nhạc cụ truyền thống như t’rưng, ting ning…. Nặng lòng với việc gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, nhiều năm qua, già A Plung đã ra sức truyền dạy cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống cho dân làng…

Tôi theo già A Plung bước lên nhà sàn. Ông mở toang cánh cửa gỗ, kéo chiếc rèm cũ kỹ ra cho “tỏ mắt”, lấy bộ cồng chiêng và những nhạc cụ truyền thống như đàn t’rưng, ting ning được ông cất giữ cẩn thận để giới thiệu. Già A Plung bảo, nếp nhà sàn này cũng là nơi đêm đêm già thường truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống cho bà con dân làng.

Không đợi khách mở lời, già A Plung kéo ngay chiếc đàn t’rưng ra giữa nhà như thể biểu diễn cho khách xem. Chiếc đàn t’rưng làm bằng những ống tre nứa có kích cỡ khác nhau xếp thành hàng trên giá theo thứ tự đi dần từ ống lớn đến ống nhỏ, từ ống dài đến ống ngắn.

Chỉnh sửa lại mấy sợi dây kết nối với các ống tre nứa xong đâu đấy, già A Plung dùng dùi gõ vào các ống cây để thử âm thanh. Từng thanh âm phát ra từ chiếc đàn t’rưng dù không to, không vang xa nhưng rất đặc biệt.


20180812144044gia a plung huong dan cac chau bieu dien dan t rung
Già A Plung hướng dẫn các cháu biểu diễn đàn t’rưng

 

Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, già A Plung bảo: Muốn thưởng thức trọn vẹn cái hay của âm thanh phát ra từ tiếng đàn t’rưng thì đợi một lát để già đi gọi hai đứa cháu của mình về phụ họa.

Già A Plung giải thích: Khác với t’rưng của các dân tộc Ba Na, Gia Rai, đàn t’rưng của người Xơ Đăng ở làng Kon Kơ La này còn có thêm bộ gõ phụ. Tuy gọi là bộ gõ phụ nhưng nhờ vào âm thanh “đệm” này khiến cho tiếng đàn t’rưng phát ra nghe như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi có cơn gió thoáng qua…

A Plung cho biết, ngày trước, đồng bào Xơ Đăng nơi đây thường sử dụng đàn t’rưng để đuổi chim, chuột trên rẫy mỗi khi mùa lúa chín hay khi đi rẫy, bởi âm thanh của t’rưng rất khỏe khoắn, vui tươi, tạo cho con người cảm giác phấn khích, hân hoan càng hăng say lao động.

Đang kể chuyện hào hứng bỗng giọng của già A Plung chùng xuống: Bây giờ thì t’rưng không còn đặt ở rẫy và cũng không còn được dân làng dùng nhiều nữa.

Y Đát (14 tuổi) và A Nghĩa (10 tuổi) nghe ông mình kể chuyện cùng khách với giọng buồn như cũng buồn theo ông. Khi được hỏi đến việc học đàn t’rưng, ánh mắt của cô bé và cậu bé này bỗng sáng lên.

Y Đát cho biết, em được ông ngoại chỉ dạy từ năm lên 10 tuổi. Bây giờ em có thể biểu diễn được đàn t’rưng thành thạo. Mỗi khi ở trường có văn nghệ, em thường đăng ký tiết mục độc tấu đàn t’rưng để giới thiệu cái hay và sự hấp dẫn của nhạc cụ truyền thống này cùng mọi người như một cách để gìn giữ, bảo tồn văn hóa.

Còn A Nghĩa cho biết, vì yêu thích tiếng đàn t’rưng nên em đã được ông chỉ dạy từ năm lên 7 tuổi. Đêm đêm, ông thường kể cho em nghe chuyện ngày xưa đàn ông Xơ Đăng ở làng hay dùng đàn t’rưng đánh trên nương rẫy để đuổi muông thú khi mùa màng đến. Và dù bây giờ, đàn t’rưng không còn dùng ở rẫy nữa nhưng em cũng muốn học hỏi để gìn giữ nét văn hóa độc đáo cho làng.

“Cùng với t’rưng, tôi còn yêu lắm tiếng đàn ting ning – tiếng đàn mà xưa kia các chàng trai Xơ Đăng hay mượn để gửi gắm tình cảm của mình với người yêu” – già A Plung nói.

Nhắc đến đây, già A Plung bước vào gian phòng bên trong lấy cây đàn ting ning ra gảy một bản cho khách thưởng thức. Âm thanh tiếng đàn phát ra trong veo, nghe rất vui tai.

Già A Plung kể, thời còn trẻ, khi làng có chuyện vui tụ họp ở nhà rông, sau khi đã ngà ngà say men rượu cần, ông cùng các trai làng thường mang ting ning ra gảy để chuyện trò, để chuyển tải tình cảm đến cô gái mà mình yêu thương có khi đến tận đêm khuya… Bây giờ trai làng không còn tỏ tình với người mình yêu bằng cây đàn này nữa. Lớp người già cũng không còn mấy người còn sống để giữ tiếng đàn ting ning…

Sợ bị mai một văn hóa truyền thống nên những lúc gia đình có chuyện vui, già A Plung thường mang ting ning ra gảy vừa để góp vui, vừa nhắc nhở cho con cháu và bà con dân làng không quên nhạc cụ truyền thống một thời không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con nơi đây.

Đêm đêm, nghe văng vẳng tiếng đàn ting ning vui tai phát ra từ nhà già A Plung, nhiều thanh niên trong làng cũng tìm đến để xem ông gảy đàn. Bây giờ, ở  Kon Kơ La dần cũng có người biết gảy ting ning rồi – già A Plung vui mừng nói.

Giới thiệu xong 2 nhạc cụ truyền thống, già A Plung mới chịu mang bộ cồng chiêng ra khoe với chúng tôi. Từ ngày mất đi một chiếc chiêng trong bộ cồng chiêng của làng, già A Plung càng ý thức giữ chiêng kỹ hơn.

Già A Plung cho biết, sau chiến tranh, cồng chiêng của làng bị thất lạc gần như hoàn toàn, cả làng chỉ còn lại 1 bộ cồng chiêng 12 chiếc nhưng đã bị mất 1 chiếc. Thiếu cồng chiêng, các hoạt động văn hóa, lễ hội của làng cũng không còn diễn ra nhiều như xưa kia. Năm 2015, làng được hỗ trợ cho 1 bộ cồng chiêng mới, với vai trò là già làng, già đã ra sức tuyên truyền, vận động bà con dân làng học đánh cồng chiêng, múa xoang để bảo tồn bản sắc văn hóa.

Bản thân già A Plung từ nhỏ vì đam mê đánh cồng chiêng và là người đánh cồng chiêng giỏi ở làng nên đã đứng ra truyền dạy cho hết lớp người lớn tuổi rồi đến lớp lớp thanh thiếu nhi trong làng thông qua các lớp truyền dạy cồng chiêng do Phòng Văn hóa huyện tổ chức. Bên cạnh đó, già A Plung còn truyền dạy cồng chiêng ngay tại nhà mình vào những buổi tối cuối tuần.

Nhờ già A Plung, đến nay, làng Kon Kơ La đã thành lập được 2 đội cồng chiêng (1 đội người lớn, 1 đội thiếu nhi) chuyên tham gia biểu diễn trong các lễ hội của làng, các hoạt động văn hóa trên địa bàn xã, huyện, tỉnh.

Mang bộ cồng chiêng ra ngắm nghía từng chiếc một, già A Plung nói: Cồng chiêng như báu vật vậy. Để báu vật phát huy giá trị vốn có thì phải làm cho cồng chiêng được ngân vang…

Bài, ảnh: Tú Quyên 

Đi đến nguồn bài viết