Sản xuất lúa nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của cộng đồng và mỗi gia đình đồng bào Xơ Đăng ở xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Có rất nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời của cây lúa, trong đó tết lúa về kho là một trong những nghi lễ quan trọng vẫn được người dân nơi đây duy trì, gìn giữ.
Ở Mường Hoong, mỗi năm, người dân chỉ làm một vụ lúa, nhưng chừng đó thôi cũng đủ gạo để các gia đình ăn quanh năm. Lúa được canh tác trên các thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới chân suối lên đến lưng chừng núi. Đến mùa thu hoạch, những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng óng trải dài trông rất đẹp mắt.
Người dân nơi đây quan niệm rằng mỗi vụ mùa thuận lợi, bội thu là do được các thần linh ban tặng; ngược lại, vụ mùa thất bát là do thần linh trách phạt.
Hàng năm, người dân thường tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời cây lúa, bắt đầu từ lúc gieo mạ, cấy lúa đến khi thu hoạch, đưa lúa vào kho. Trong đó, nghi lễ cuối cùng trong vòng đời của cây lúa, hạt lúa đó là tết lúa về kho được coi là một trong những nghi lễ rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông A Ban – Phó Bí thư Đảng uỷ xã Mường Hoong, trước khi nói về tết lúa về kho, mọi người phải biết về nghi lễ mừng lúa mới bởi 2 nghi lễ này có liên quan mật thiết với nhau. Nếu như lễ mừng lúa mới diễn ra vào đầu vụ thu hoạch thì tết lúa về kho lại diễn ra vào lúc mọi công việc mùa màng, gặt hái đã xong xuôi, hạt lúa được người dân cất vào kho.
Ông A Ban chia sẻ: Lễ hội ăn mừng lúa mới diễn ra khi những thửa ruộng bậc thang ngả màu vàng óng, người dân chuẩn bị thu hoạch vụ lúa mới. Mừng lúa mới là dịp để dân làng bày tỏ tình cảm biết ơn đối với thần linh, đất trời đã ban cho mùa màng bội thu; đồng thời, thể hiện tình yêu, sự trân trọng đối với hạt lúa; cầu mong cho lúa đang chín ngoài ruộng thêm trĩu bông, không bị thú rừng, chim, chuột phá hoại, dân làng quanh năm có lúa đủ ăn không bị đói.
Khi tổ chức lễ ăn mừng lúa mới, trong mỗi đám ruộng người ta chọn một số bông to nhất, đẹp nhất, chín đều nhất để ngắt về. Việc này được làm rất tỉ mẩn. Để chuẩn bị cho lễ ăn mừng lúa mới người dân ra ruộng lựa chọn những bông lúa sây hạt, trĩu bông để ngắt về; ngắt lần lượt từng thửa ruộng, nhà có bao nhiêu thửa ruộng thì phải ngắt đủ bằng đó thửa.
Những bông lúa được ngắt về sẽ chia làm 2 phần, một nửa đem cất vào kho lúa (được gọi là “lúa cữ”) sau này sẽ đem dùng trong tết lúa về kho; một nửa còn lại, người dân đem vò ra, giã, sàng xảy cho sạch sẽ để lấy gạo nấu cơm cúng thần linh. Sau lễ hội này, người dân sẽ bắt tay vào việc thu hoạch lúa.
Khi tất cả các gia đình trong làng gặt hái xong xuôi, lúa được phơi khô chuyển về đầy ắp các kho thóc dựng ở cạnh nhà hoặc ở ngoài bìa làng, già làng sẽ chọn một ngày để tổ chức tết lúa về kho.
Mỗi gia đình đồng bào DTTS ở Mường Hoong có ít nhất 1 kho lúa, nhiều nhà có tới 2, 3 kho lúa. Kho lúa là gia tài của các hộ dân, là mồ hôi, công sức lao động cả năm trời vất vả nên mọi người rất có ý thức bảo quản, giữ gìn cho nhau.
Kho lúa của một hộ gia đình người Xơ Đăng ở Mường Hoong
Già làng A Toả (làng Tu Hoong) cho biết: Trong tết lúa về kho, các gia đình sẽ lấy những bông “lúa cữ” ở trong kho (được ngắt về từ đầu vụ khi tổ chức lễ mừng lúa mới) đem ra vò, giã lấy gạo nấu cơm cúng thần linh rồi sau đó các gia đình mới được lấy lúa mới từ kho ra ăn. Nhà nào còn lúa cũ thì phải ăn hết mới được ăn đến lúa mới. Lúa vụ cũ không được để trong kho mà phải mang vào nhà để riêng từ lúc dọn dẹp kho chuẩn bị gặt lúa mới. Bởi, theo quan niệm của người Xơ Đăng ở Mường Hoong, lúa mới thu hoạch và lúa vụ cũ không được để chung với nhau; làm như vậy thần lúa sẽ giận, trừng phạt, vụ mùa sau sẽ bị thất thu.
Già A Tỏa đưa lúa cũ mang vào nhà để riêng
Trước ngày tổ chức tết lúa về kho của làng, các gia đình phải thực hiện nghi lễ này ở nhà trước. Trong mỗi gia đình, người lớn tuổi nhất sẽ là người đảm nhận công việc này. Theo đó, lễ vật phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà, thường là gần bếp lửa, người chủ lễ sẽ khấn, báo cáo với thần linh về thành quả lao động, tạ ơn thần linh. Lễ vật không cần cầu kỳ, nhà nào có điều kiện thì mổ heo, nếu không có thì chỉ cần con gà, ghè rượu và nhất định không thể thiếu cơm nấu bằng gạo được giã từ những hạt “lúa cữ”.
Hôm sau, dân làng sẽ tập trung tại nhà rông để tổ chức tết lúa về kho chung của cả làng. Các gia đình sẽ góp rượu ghè, cùng nhau nướng nếp, làm heo, gà mà trước đó người dân đã góp tiền mua để cúng thần đất, thần lúa, thần trời và tổ chức ăn mừng, nhảy múa tưng bừng như lễ hội mừng lúa mới. Đây là dịp dân làng bày tỏ những tình cảm của mình với núi rừng, với ruộng, rẫy đã tạo ra của cải vật chất để dân làng có cuộc sống ấm no, đầy đủ lúa ăn quanh năm…
Không khí sinh hoạt cộng đồng là nét độc đáo trong các lễ hội của dân tộc tại chỗ Kon Tum nói chung, của người Xơ Đăng nói riêng; trong đó có tết lúa về kho của người Xơ Đăng. Vào những dịp này những người dân trong làng có thể bày tỏ, chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống, bỏ qua cho nhau những hiềm khích, xích mích trước đây.
Sau khi tập trung ăn uống xong, các gia đình lại tiếp tục mời nhau đến từng nhà vui chơi, ăn uống linh đình, cứ thế hết nhà này qua nhà khác. Mọi người vui say và quên đi những ngày lao động mệt nhọc.
Đây cũng là cơ hội để già làng và những người già kể cho con cháu, lớp trẻ trong làng nghe về tổ tiên, luật tục, những câu chuyện, truyền thuyết xa xưa, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, săn bắn… Lễ hội này còn là dịp để trai gái gặp gỡ, đối đáp, tỏ tình với nhau…
Sau ngày tổ chức tết lúa về kho, cả làng phải ở nhà thêm 1 ngày nữa, không ai được đi đâu xa hay ra khỏi làng bởi nếu đi sẽ gặp xui xẻo ai làm trái sẽ bị trừng phạt. “Đấy là quan niệm xưa, còn theo cách hiểu hiện nay thì do mọi người đã ăn uống say sưa, đầu óc không tỉnh táo, cơ thể rệu rã nếu đi xa dễ gặp phải tai nạn, ngày xưa thì gặp phải thú dữ không thể chống cự được; có khi còn gây lộn, đánh nhau với người bên ngoài” – anh A Ban giải thích thêm.
Tết lúa về kho đánh dấu một mùa lao động, sản xuất đã kết thúc và người dân sẽ bước mùa nghỉ ngơi, vui chơi, tổ chức các lễ hội của làng, của dòng họ. Mùa vui này của đồng bào Xơ Đăng ở Mường Hoong sẽ được nối dài cho tới tận lúc người dân là làm lễ bắc máng nước để bước vào vụ gieo trồng mới.
Bài, ảnh: Thùy Hương