Đinh Su Giang – chàng trai của đại ngàn

651

[Tin Kon Tum] –


29/12/2018 07:15


Đến với văn chương xuất phát từ tình yêu đối với con người và cảnh vật thiên nhiên của quê hương, anh đã sống trọn đam mê và không ngừng truyền cảm hứng về tình yêu văn hóa dân tộc cho giới trẻ trong cộng đồng người Tây Nguyên.

Đinh Su Giang, dân tộc K’Dong, sinh năm 1978, tại Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An, nhưng lại lớn lên bên hồ Toong Pô của Măng Đen thơ mộng – nơi nhưng người Mơ Nâm, Ca Dong định cư lâu đời. Cuộc sống nơi thâm sâu giữa đại ngàn luôn tồn tại những câu chuyện ly kỳ nhuốm màu liêu trai, được cha ông dệt thành những câu chuyện cổ tích, sử thi thần thoại hấp dẫn; và, mỗi đêm trăng sáng hay bên bếp lửa bập bùng, Su Giang thường được các già làng kể lại về chuyện rừng, chuyện làng, chuyện về “bảy hồ, ba thác”, truyền thuyết về vùng đất T’Mang Deeng (Măng Đen)…

Là một giáo viên Văn (tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành sư phạm Ngữ Văn) và với quan niệm, “văn hóa dân tộc phải tự mình giữ lấy”, chàng trai Đinh Su Giang đam mê nghiên cứu văn học, nhất là các tác phẩm sử thi Tây Nguyên; các tiểu thuyết của các nhà văn Nga, Mỹ và truyện ngắn của các nhà văn hiện đại…


Đinh Su Giang chàng trai của đại ngàn
Đinh Su Giang (người đi đầu) dân tộc K’Dong, sinh năm 1978, tại Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An, nhưng lại lớn lên bên hồ Toong Pô của Măng Đen. Ảnh: L.S

Năm 2005, truyện ngắn đầu tay của anh: “Hoa mua” được in trong tập truyện ngắn MÙA CỦA NGÀY HÔM QUA  nhiều tác giả- Nhà xuất bản Giáo dục. Truyện ngắn này được sáng tác tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông, trong những ngày thầy giáo Đinh Su Giang mới vào nghề, nhắc nhớ những hoài niệm về tuổi học trò; những hoài niệm về những người thầy giáo, cô giáo vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp “trồng người” không ngại gian lao, tận tụy gắn bó với nghề để “ươm mầm” con chữ cho con em đồng bào dân tộc trên vùng đất Đông Trường Sơn.

Đến với văn chương xuất phát từ tình yêu đối với con người và cảnh vật thiên nhiên của quê hương, anh đã sống trọn đam mê và không ngừng truyền cảm hứng về tình yêu văn hóa dân tộc cho giới trẻ trong cộng đồng người Tây Nguyên. Theo thời gian, lần lượt các truyện ngắn của anh ra đời. Đặc biệt là Tập truyện ngắn “Búp Thông xanh” được Nhà xuất bản Văn học cấp phép xuất bản cuối năm 2017, gồm 9 truyện ngắn, được lấy cảm hứng từ con người và thiên nhiên Kon Plông.

Mở đầu tập truyện ngắn là truyện T’Mang Deeng (Măng Đen). Su Giang lấy cảm hứng từ truyền thuyết của dân tộc M’ Nâm về sự hình thành vùng đất T’Mang Deeng (Măng Đen) xinh đẹp. Đó là mảnh đất trong con mắt người con út của thần Pling Gu Kang Pô “Trên phiến đá nhô ra giữa lưng chừng núi cao, phóng tầm mắt nhìn, người ta chỉ thấy một màu xanh rừng già phủ khắp một vùng bằng phẳng rộng lớn chạy mãi cho tới đầu nguồn dòng sông Đăk Pơ Ne. Trong vùng bằng phẳng, xanh thẳm đó thấp thoáng trong rừng cây có bảy ngôi làng nhỏ nằm rải rác: làng Gu Kăng Đăm có nhiều nóc nhà và khoảng sân nhà rông rộng lớn; làng Gu Kăng Lung, Gu Kăng Rơ Pong, Gu Kăng Dơ Ry nằm dưới những tán cây sơ ry; làng Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng đang tỏa khói, làng người em út Gu Kăng Pô nằm phía mặt trời mọc. Làng nhỏ, xung quanh có đám hoa reng rê đỏ thắm. Đó là 7 hồ nước nhỏ nhắn trong vùng T’Mang Deeng rất xinh đẹp, đẹp nhất là Toong Pô- hồ nước làng người em út, trên mặt hồ những dây leo rũ xuống, hoa phong lan mọc trên những tán cây cao nở suốt mùa mưa nắng. Nước hồ trong một cách kỳ lạ, như giọt nước mắt của cô gái lần đầu tiên biết nhớ thương, như tâm hồn thuần khiết, như trái tim biết chia sẻ yêu thương và như bầu trời tháng ba tươi đẹp. Câu chuyện còn thể hiện khát vọng của con người vượt lên định kiến, vượt lên lời nguyền để mưu cầu hạnh phúc…

 Dưới cái nhìn của Su Giang thì Măng Đen như một cô gái đẹp ở tuổi mộng mơ đa cảm, giàu xúc cảm, dễ ngân rung trước mọi đổi thay. Một thay đổi bất kỳ về thời tiết dù ở miền Bắc hay miền Trung hoặc ngoài biển Đông thì Măng Đen cũng thay đổi theo. Nó như một phím dương cầm, chỉ một chiếc lá rơi cũng thảng thốt một âm thanh. Vào mùa đông những cơn mưa phùn, đúng hơn là những hạt sương nặng, triền miên rơi xuống có khi vài ba tháng. Lúc đó không khí ướt đẫm hơi sương ngưng tụ, mờ ảo phủ khắp vùng. Không gian thật  tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sột soạt nước từ trên tán lá cao rơi xuống như có một con thú nhỏ nào đó đang gặm nhấm cây cỏ. Vào mùa khô, nhất là dịp tháng ba và tháng tư Măng Đen đẹp vô kể. Thông xanh bạt ngàn xen cả vào trong rừng già, khí hậu mát mẻ như ở trong rừng. Trên những con đường vắng vẻ, hoa mua, hoa sim nở tím đường…

Rừng là nỗi nhớ của Su Giang. Thói quen của chàng trai đại ngàn này là hễ vui buồn cũng đều nhớ về rừng, nhớ về những ngôi làng; nhớ phong tục, trước mùa thu hoạch bà con phải làm lễ “rước Mẹ Lúa” từ rẫy về kho, lễ ăn trâu, lễ cúng máng nước; nhớ hình ảnh chàng trai Xơ Đăng với hình ảnh ngực trần căng như cánh ná, bắp chân, bắp tay bóng loáng như sừng trâu đực; nhớ cô gái Xơ Đăng với mái tóc dày như một mái nhà rông lợp kín bờ vai trần trắng sáng, bắp chân trần ẩn hiện trong tà váy như ánh chớp trong đêm dông…Su Giang yêu rừng đến nỗi nhớ mong về rừng như nhớ một người tình.

Bắt đầu từ năm 2005, Đinh Su Giang cầm bút ghi lại những gì đã xảy ra ở miền rừng, để thức tỉnh người đọc về sự suy thoái của môi trường, thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên và vì sự tồn vong của chính mình. Với anh, rừng là quan trọng, nếu mất đi, dù nhiều tiền cuộc sống cũng chẳng còn ý nghĩa. Nhìn sâu vào ánh mắt và nụ cười của Su Giang, tôi có thể cảm nhận được một tình yêu rừng mãnh liệt ở nơi anh.

                                                                               Lê Sang