Cảnh báo thủ đoạn giả mạo nhân viên Bảo hiểm xã hội để chiếm đoạt tài sản

34

baotintuc.vn

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận ít nhất hai trường hợp bị lừa đảo với số tiền lên đến gần 250 triệu đồng.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh có tình trạng đối tượng giả mạo nhân viên Bảo hiểm xã hội gọi điện thoại đến người dân, yêu cầu liên hệ cung cấp sổ Bảo hiểm xã hội, Căn cước công dân để chỉnh sửa thông tin về bảo hiểm xã hội. Đối tượng cung cấp địa chỉ cơ quan Bảo hiểm xã hội không đúng thực tế, sai địa chỉ hoặc yêu cầu liên hệ qua điện thoại.

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum khẳng định, đây là hành vi giả mạo nhân viên Bảo hiểm xã hội để yêu cầu cung cấp thông tin sai quy định. Tất cả tổ chức, cá nhân muốn thực hiện chỉnh sửa thông tin hoặc giao dịch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần đến trực tiếp các địa chỉ đã được công bố của Bảo hiểm xã hội. Nếu giao dịch trên nền tảng internet, các tổ chức, cá nhân cần làm đúng trên địa chỉ dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội là https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/; Ứng dụng BHXH số VssID; Website Bảo hiểm xã hội tỉnh tại địa chỉ https://kontum.baohiemxahoi.gov.vn/ hoặc số điện thoại Tổng đài chăm sóc khách hàng Bảo hiểm xã hội Việt Nam 19009068.

Bảo hiểm xã hội tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phổ biến đến các đơn vị trực thuộc; các đơn vị sử dụng lao động phổ biến đến người lao động; các Tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội các huyện phổ biến đến nhân viên thu, người dân đề cao tinh thần cảnh giác. Người dân cần thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện, thông tin đại chúng, nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trước đó, giữa tháng 5/2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum nhận được thông tin về việc chị H. (làm việc tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi) bị một đối tượng giả làm nhân viên của Bảo hiểm xã hội huyện Ngọc Hồi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 222 triệu đồng. Sau đó, một trường hợp khác là chị L. (giáo viên mầm non tại thành phố Kon Tum) cũng trình báo bị một đối tượng lừa đảo hơn 20 triệu đồng với hành vi tương tự.

Theo các nạn nhân, thủ đoạn của các đối tượng này là gọi điện đề nghị điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, yêu cầu cầm Căn cước công dân và mã xác nhận đã gửi qua tin nhắn tới cơ quan Bảo hiểm xã hội để điều chỉnh thông tin (thực tế không có mã xác nhận nào được gửi tới tin nhắn). Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu kết bạn qua mạng xã hội zalo hoặc facebook để gửi đường link cho người dân nhấp vào lấy lại mã xác nhận. Sau khi nhấp vào đường link, điện thoại của các nạn nhân bị đối tượng kiểm soát hoàn toàn, các thao tác sử dụng app ngân hàng bị theo dõi và dễ dàng bị các đối tượng chiếm đoạn tài sản.

“Khi đối tượng lừa đảo gọi điện đã đọc tất cả thông tin cá nhân của tôi một cách đầy đủ và chi tiết. Do đó, tôi đã tin tưởng làm theo, vì nghĩ chỉ có nhân viên Bảo hiểm xã hội mới có được các thông tin đó. Sau khi tôi bị lừa đảo, tại nơi tôi làm việc đã có thêm nhiều cán bộ khác bị đối tượng gọi điện với thủ đoạn tương tự nhưng mọi người đã cảnh giác. Tôi đã làm đơn gửi Công an huyện Ngọc Hồi để điều tra, làm rõ vì số tiền hơn 200 triệu với gia đình tôi là rất lớn; đồng thời đề nghị, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân thông tin bảo mật của cá nhân tôi đã bị các đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt”, chị H. chia sẻ.