Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ Cà chít (sến đỏ) |
Đặt chân tới Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum, du khách luôn cảm nhận được sự yên bình, thanh thản. Mấy tháng đầu năm 2021 phải đóng cửa, hạn chế tối đa người ra vào tham quan, dự lễ vì dịch COVID-19, tới nay nhà thờ đã mở cửa trở lại.
Bên trong Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum |
Thầy A Den, đại diện Nhà thờ cho biết, Giáo phận Kon Tum đặc biệt nhất vùng Tây Nguyên bởi giáo dân toàn người dân tộc. “Ở đây có gần 12.000 giáo dân, sinh sống tại 10 làng, chủ yếu người Ba Na. Hầu hết, bà con làm ruộng, nương rẫy, không biết kinh doanh, buôn bán. Trước ở trong nhà thờ có mở trường dạy cả văn hóa (dạy tiếng Ba Na) và định hướng nghề nghiệp. Giờ, từ mẫu giáo các em đã được học tiếng Việt nên mọi đứa trẻ được học trường công lập bên ngoài”, thầy A Den kể.
Theo đại diện nhà thờ, Giáo xứ Chính tòa quy định mỗi tháng có lễ rửa tội cho các em nhỏ vào thứ Hai đầu tháng, với số lượng khoảng 30 em trở lên/lần. Ngoài ra, chiều thứ Bảy và cả ngày Chủ nhật hằng tuần vẫn phục vụ thánh lễ.
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020 và đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 1/2021 ở Gia Lai, Giáo xứ Chính tòa hạn chế tối đa việc cho khách vào tham quan. Riêng sau thời điểm dịch bùng phát ở Gia Lai, Nhà thờ đóng cửa, không tiếp khách. Giáo xứ quy định bà con đi dự thánh lễ với số lượng chỉ từ 30 người trở xuống, ngày Chủ nhật tối đa được 50 người, nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế như rửa tay sát khuẩn khi tới cổng, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang y tế, ngồi giữ khoảng cách 2-3m trong nhà thờ”, thầy A Den kể và cho biết hiện nay vẫn nhắc nhở bà con thận trọng trước các diễn biến phức tạp của dịch ở Ấn Độ và các nước láng giềng.
Theo thầy A Den, Nhà thờ Chính tòa Kon Tum do chính một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng, được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 hoàn thành và tồn tại đến ngày nay. Giai đoạn 1994 – 1996, công trình được tu sửa nối thêm 2 hành lang 2 bên hiên. Tới 2013, nhân kỷ niệm 100 tuổi, nhà thờ được sơn sửa lại một chút bên ngoài.
Những ngày này, nhà thờ luôn mở cửa phục vụ du khách, và luôn có người nhắc mọi người phải đeo khẩu trang, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Phải đến nhà thờ khi chiều về, hoàng hôn dần lẩn khuất sau những rặng cây bằng lăng cổ thụ. Những gốc sứ già bung hoa trắng muốt, cùng sắc đỏ hoa giấy tô điểm thêm cho di tích cổ kính, mới cảm được hết sự thiết kế hài hòa kiến trúc Roman (Pháp) và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Qua biến động tháng năm, Nhà thờ gỗ vẫn đứng đó hiên ngang, như chính tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên.
Vật liệu để xây dựng Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum rất đặc biệt, hoàn toàn bằng gỗ tốt nhất thời bấy giờ là Cà chít (sến đỏ) – loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… công trình kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Nhà thờ là kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.