Làm giàu trên quê hương mới

129

25/03/2021 13:04

Rời tỉnh Hòa Bình đến định cư tại thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) đã gần 30 năm, ông Xa Văn Kiểm và vợ là bà Xa Thị Hòa (cùng dân tộc Mường) luôn cần cù, cố gắng lao động, sản xuất, làm giàu trên quê hương mới.

Nhớ lại những ngày tháng chân ướt chân ráo đến với Kon Tum, ông Kiểm kể: Vợ chồng tôi vào Kon Tum với 2 bàn tay trắng, và ý chí, quyết tâm vươn lên thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Theo sự vận động của chính quyền địa phương, chúng tôi khai hoang được hơn 4 ha đất để trồng mì. Khi có nguồn thu, chúng tôi tiếp tục trăn trở, tìm tòi hướng đi, phát triển thêm các mô hình kinh tế khác, xây dựng được cuộc sống như bây giờ.

 Năm 2007, nhận thấy diện tích canh tác mì đã trở nên cằn cỗi, bạc màu, vợ chồng ông Xa Văn Kiểm quyết định chuyển đổi trồng 2 loại cây chính là cà phê và cao su. Nhờ địa phương hỗ trợ cây giống, cộng thêm được ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp, gia đình ông Kiểm đã đầu tư được 2ha cà phê và 2,3ha cao su.        

Xác định đây là 2 loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng ông Kiểm đã có sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng, nhất là dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi kiến thức qua sách báo, internet, đồng thời tham gia các lớp tập huấn do chính quyền địa phương, Hội Nông dân huyện tổ chức. Đồng thời thường xuyên tham quan nhiều mô hình để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…, áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình.

Làm giàu trên quê hương mới
Mô hình trồng cây cao su của gia đình ông Kiểm. Ảnh: T.T

Đất không phụ công người, mồ hôi vợ chồng ông đổ xuống từng ngày đã cho lại kết quả bằng những cây cà phê, cao su tươi tốt. Hàng năm, 2 loại cây này đem về cho gia đình ông khoảng 250 triệu đồng (trong đó thu nhập từ cà phê chiếm khoảng 150 triệu đồng).

Không những cần mẫn làm ăn, cố gắng vươn lên trong cuộc sống, vợ chồng ông Kiểm còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Đối với vườn cà phê, cao su của gia đình vào thời vụ chăm sóc, thu hoạch, bình quân mỗi ngày cần khoảng 10 lao động. Theo đó, xuyên suốt cả mùa vụ, gia đình ông Kiểm phải thuê đến cả trăm lao động. Đối với những người đến làm việc cho gia đình, vợ chồng ông Kiểm còn tận tình hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật canh tác, động viên mọi người mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. 

Tại căn nhà nhỏ trong rẫy, ông Kiểm tỉ tê trò chuyện: Những năm đầu xây dựng mô hình trồng cà phê, việc tưới nước cho cây là phần cực nhất. Tôi thường xuyên phải dẫn nước từ nơi khác về rất mất công. Chính vì vậy, 2 vợ chồng quyết định dành 1.000m2 đất rẫy để nạo vét, đào ao phục vụ việc tưới tiêu được thuận tiện. Về sau tôi nảy ra ý tưởng sử dụng ao này để nuôi cá phát triển triển kinh tế.

Qua tìm hiểu, vợ chồng ông Kiểm quyết định nuôi cá trắm cỏ. Đây là loài cá cho thịt thơm ngon, ít xương dăm, có giá bán trên thị trường khá cao (khoảng 75 – 80 ngàn/kg). Năm đầu tiên, vợ chồng ông Kiểm thả 20kg cá giống, có giá trị 2 triệu đồng, chỉ trong vòng 6 tháng, gia đình ông thu được 4 – 5 tạ cá thương phẩm. Nhận thấy đây là hướng đi có tiềm năng, vợ chồng ông Kiểm đã quyết định đầu tư thả thêm cá giống. Hiện tại, dưới hồ của gia đình ông đang có trên 1 tấn cá trắm cỏ.

Làm giàu trên quê hương mới
Ao cá đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Kiểm. Ảnh: TT

Bà Xa Thị Hòa vui vẻ tâm sự: Mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 40 – 50 triệu đồng từ nuôi cá. Càng ngày, chúng tôi càng có nhiều kinh nghiệm để phát triển mô hình. Ví dụ, chúng tôi đặc biệt lưu ý tới nguồn nước trong ao. Hàng ngày, vợ chồng tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra mực nước, màu nước để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra. Nhờ vậy, có thể biết được tình trạng ô xi, môi trường, chất lượng nước trong ao, đồng thời rải vôi làm sạch nước theo định kỳ.

Theo bà Hòa, cá trắm cỏ là loài cá dễ nuôi, thức ăn của chúng khá đa dạng, chủ yếu ăn cỏ, rong, bèo và các sinh vật nhỏ, phù du. Bên cạnh những thức ăn đó, vợ chồng bà cũng thêm cám trong nước để cá chủ động tìm kiếm nguồn thức ăn dồi dào, mau lớn hơn.

Ngoài cá trắm cỏ, vợ chồng ông Kiểm hiện đang thử nuôi giống cá diêu hồng. Đàn cá phát triển ổn định, bước đầu đã cho xuất bán ra thị trường. Dự tính nếu lứa cá này đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư nuôi thêm.

Từ những mô hình kinh tế của mình, trung bình mỗi năm, gia đình ông Kiểm thu về khoảng 300 triệu đồng (đã trừ chi phí). Hiện tại dù đã bước sang tuổi 59, nhưng không lúc nào vợ chồng ông Kiểm ngơi tay. Hàng ngày hết tất bật với cây cà phê, cao su, chăm sóc ao cá, vợ chồng ông còn canh tác thêm 1.000m2 ruộng lúa để chủ động nguồn lương thực cung cấp cả năm cho gia đình.

Quệt vầng trán thấm đẫm mồ hôi, ông Kiểm tâm sự: Để có được cuộc sống hiện tại là cả một chặng đường dài nỗ lực và cố gắng của gia đình tôi. Gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Kon Tum, có những lúc phải đối mặt với thất bại, sóng gió, nhưng chưa một lần nào vợ chồng tôi nản chí. Bởi chúng tôi hiểu rằng, thành công chỉ đến khi kiên trì, không từ bỏ.       

Tất Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/net-dep-doi-thuong/lam-giau-tren-que-huong-moi-18216.html