[Tin Kon Tum] – “Trong thời gian 16 năm làm hướng dẫn cho nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu lịch sử, văn hóa tại Kon Tum. Điều để lại cho tôi nhiều cảm xúc khó quên, đôi khi cảm giác đến nghẹt thở khi được bố trí hướng dẫn cho những đoàn cựu chiến binh Mỹ tham quan lại chiến trường xưa tại Kon Tum. Tôi luôn nhận thấy hiện hữu trong họ là một miền ký ức. Đó là ký ức về một vùng đất, về con người, về sự đau thương, mất mát, sự sám hối khiến họ không nguôi ngoai dù cuộc chiến trên chiến trường đã thực sự kết thúc từ lâu.” Đó là lời tâm sự và cảm nhận của ông Nguyễn Đô Huynh, cựu hướng dẫn viên du lịch, Công ty Du lịch Kon Tum về cảm xúc của mình sau nhiều năm hướng dẫn cho những đoàn khách cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại cửa ngõ Bắc Tây Nguyên hoặc là vợ, gia đình, bạn bè, người thân của họ theo chương trình tham quan lại Chiến trường xưa: Sân bay Kleng – Điểm cao 601 – Đăk Tô-Tân Cảnh – Sân bay Phượng hoàng – Đồi Charlie (E42) – Plei Kần – Bến Hét – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, do Công ty tổ chức.
“Thông thường khi đi tham quan du lịch, khách luôn sôi nổi, hoạt náo vui vẻ vì là thời gian nghỉ ngơi thư giãn, đến điểm tham quan thì đặt câu hỏi dồn dập cho hướng dẫn về văn hóa, lịch sử của vùng đất đó. Nhưng khi hướng dẫn cho đoàn khách cựu chiến binh Mỹ thì ngược lại, sau những câu chào hỏi xã giao thông thường là khoảng im lặng kéo dài hàng giờ, đôi lúc làm người hướng dẫn bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu”. “Có những đoàn khi đến nơi rồi mà họ không thể xuống xe tham quan được vì xúc động, tôi phải kêu tài xế chạy tới một đoạn, sau đó mới quay lại ”.
Sau này khi đã tiếp xúc với nhiều đoàn tôi mới hiểu ra qua những thông tin trao đổi rất ngắn gọn trong khoảng im lặng ấy. Trước hết, chính là sự mặc cảm tội lỗi và sự hối hận khôn nguôi. 40 năm sau khi người Mỹ thất bại tại chiến trường Đăk Tô-Tân Cảnh, họ mặc cảm về những tội lỗi đã gây ra cho những người dân trên vùng đất này. Không những làm cho vợ chồng ly tán, con không có cha, bố mẹ già không người nương tựa mà còn gieo nỗi đau Da Cam cho cả dân tộc Việt Nam đến nhiều thế hệ kế tiếp.“Tôi không thể tin khi nhìn thấy trên những khuôn mặt từng trải ấy là những giọt nước mắt lăn dài, đôi lúc nấc nghẹn đi hoặc khóc rõ to khi biết được thông tin trên vùng Sa Thầy, Đăk Tô có trẻ em bị di chứng chất độc da cam nhiều nhất nước”.
Tiếp đến là sự tức giận vì cảm giác bị lừa dối và bị bán đứng trong cuộc chiến tại Việt Nam, điều này cũng đã được Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nêu trong những nhận định của mình, trong cuốn Hồi ký có nhan đề: Nhìn lại quá khứ: Tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam: Hồi ký Robert S. Mcnamara – NXB Chính trị Quốc gia, xuất bản năm 1995: “Trong suốt thời gian dài chiến đấu ở Việt Nam vì những điều được tin rằng là đúng đắn và chính nghĩa, rằng tìm cách bảo vệ nền an ninh của nước Mỹ và ngăn chặn sự lớn mạnh của chủ nghĩa cộng sản và thúc đẩy nền dân chủ chính trị với quyền tự do cá nhân. Nghe theo những lời kêu gọi của các chính quyền của Kennedy, Johnson và Nixon đã đưa ra các quyết định, và bằng những quyết định đó, kêu gọi sự hy sinh, cống hiến và đúng là đã gây ra sự đau khổ ghê gớm dưới danh nghĩa của các mục đích và gía trị đó…”.
Những người con, vợ, mẹ của cựu chiến binh Mỹ là người trực tiếp chịu nỗi đau khổ, khắc khoải đợi chờ tin cha, chồng, con của mình nơi xa nửa vòng trái đất. Nỗi đau khắc khoải ấy được vỡ òa, nức nở khi nhận được thi hài hay một vài dòng báo tin ngắn gọn là mất tích tại chiến trường ở Việt Nam. Nơi mà người thân của họ đã bị những lời dối trá, sai lệch sự thật dẫn đường mù quán và rồi khi phát hiện ra sự thật thì đã muộn màng. “Có rất nhiều người thân của cựu chiến binh Mỹ đã đến đây mang theo ký ức đeo đẳng họ suốt 40 mươi năm về cuộc chiến phi nghĩa ấy và họ đã nhìn thấy ở dân tộc Việt niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ cho dân tộc mình chứ không hề bành trướng hay đe dọa an ninh bất cứ quốc gia nào như lời kêu gọi”.
Sau bao nhiêu năm trở lại thăm Đăk Tô-Tân Cảnh, hay tham quan bất cứ nơi đâu ở Việt Nam. Lo lắng đầu tiên của họ là người Việt Nam chưa phai ký ức chiến tranh, không chấp nhận họ vì cuộc chiến gây ra qúa tàn khốc. Điều này đã ám ảnh rất nhiều cựu chiến binh Mỹ, những đồng minh tham chiến và ngay cả người thân của họ nữa. Nhưng khi đến đây, họ thật sự bất ngờ vì người Việt đã đón tiếp niềm nở, bằng sự bao dung, độ lượng, chấp nhận họ cùng với cuộc chiến tranh không muốn nhắc lại quá khứ. Họ đã nhìn thấy sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc đã từng thúc đẩy một dân tộc đứng lên chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó mà có một thời họ đã từng đánh giá thấp điều đó.
Có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ bị hội chứng sau chiến tranh như thấy mình vô nghĩa và họ thật sự đau đớn và sốc vì không biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm đó.“Tôi đã từng chứng kiến một cựu chiến binh Mỹ sau khi thăm lại những hố bom bên trong sân bay Phượng Hoàng, dưới chân đồi Charlie. Sau vài phút quỳ xuống cạnh hố bom cầu nguyện cho người bạn của mình đã khuất trong cuộc chiến từ ngày 21/04 – 24/04/1972 năm ấy. Anh ta tự nhiên lăn lộn quằn quại rồi nôn thốc, nôn tháo. Tôi thấy vậy liền khuyên nhủ anh ta hãy nhìn về phía trước, hãy nhìn dân tộc chúng tôi đã đứng vững sau cuộc chiến như thế nào, người Việt chúng tôi không quên qúa khứ nhưng phải biết chấp nhận mà sống tiếp, sống có ý nghĩa hơn, yêu thương, đùm bọc, đoàn kết hơn và nếu anh muốn nguôi ngoai nỗi đau đó thì hãy chung tay với chúng tôi làm những điều có ích cho những nạn nhân trong cuộc chiến…”.
“Trước đây có đến gần trăm du khách nước ngoài đặt tour tham quan tuyến điểm này hàng năm, không kể khách nội địa như giới trẻ, sinh viên và các tầng lớp, giai cấp khác nhau đã theo chương trình về nguồn tìm hiểu lịch sử, khí thế hào hùng của dân tộc ta trong chặng đường đấu tranh giành độc lập. Càng về sau thì số lượng càng ít đi vì một phần cựu binh Mỹ năm xưa đã già và chết, còn một số khác ngoài mang những vết thương bởi đạn bom trên chiến trường ác liệt luôn hiện hữu nhức nhối mỗi khi trái nắng trở trời, không những thế nỗi đau giày vò tâm trí, mặc cảm tội lỗi, hối hận vì đã bị chính các chính quyền cua mình lừa phỉnh, đẩy ra chiến trường vì một cuộc chiến phi nghĩa. Bây giờ, những tour như vầy rất ít, chỉ còn vài cựu chiến binh hoặc người thân đến đây để nhìn lại vùng ác liệt này năm xưa lần cuối trước lúc sức khỏe không cho thể cho phép thực hiện được những chuyến đi xa …”.
Kết thúc câu chuyện ông đột ngột hỏi: Cháu có biết vì sao Mỹ lại thua và thất bại thảm hại ở Việt Nam không? “Bởi vì Mỹ đã đánh giá thấp đối phương cả về mục đích, lý tưởng của cuộc chiến tranh, đặc biệt Mỹ đã thua vì không hiểu được truyền thống yêu nước và nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh to lớn, vũ khí vô cùng lợi hại của nhân dân ta trong chiến tranh”.
Cảm ơn và chia tay ông sau một buổi sáng giữa tháng tư tươi đẹp. Tôi lòng vòng qua một lượt thị trấn Đăk Tô tràn ngập cờ hoa. Còn vài ngày nữa là kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh và chào mừng 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nơi đây, bom đạn cày xới, hầm hào, công sự ác liệt của các trận chiến năm xưa nay đã được phủ lên một màu xanh tươi tốt. Cuộc sống đã và đang hồi sinh hàng ngày rất mạnh mẽ trên chiến trường khốc liệt này.
Điều này sẽ xoa dịu bớt những ký ức đau buồn cho những người thân cựu chiến binh Mỹ cũng như những người tham gia, quan tâm đến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 ấy.
Tường Lam