Bình yên vùng ngoại ô phía Tây Bắc thành phố

603

Từ ngã tư Phan Đình Phùng – Bà Triệu đi về hướng Tây Bắc, chỉ vài phút đi đường, đoàn chúng tôi đã dừng lại một làng Ba Na khá nổi tiếng, đó là làng PleiTơNghia. Mặc dù ở cạnh trung tâm thành phố nhưng làng vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa của mình: những con đường làng quanh co rợp bóng cây xanh, những ngôi nhà sàn, nhà dài vách đất bện rơm, mái lợp ngói vảy nằm chênh vênh trên những mô đất cao thấp, úp lưng vào nhau, hướng về phía nhà rông như đàn gà con đang được mẹ vỗ về, che chở…. Đặc biệt ngay lối cầu thang lên nhà rông có hai biểu tượng: chiếc ghè thiêng và nồi đồng là hai trong số vật tín ngưỡng dân gian của người Tây Nguyên, thông qua những vật thiêng ấy dân làng muốn cầu mong Yàng ban cho sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc.

15.5.13

Những ngôi nhà sàn vách đất, mái ngói vảy rêu phong nằm ẩn mình dưới những tán me già làm thổn thức biết bao lòng du khách.

Rồi những ngôi nhà sàn vừa được xây bằng gạch những năm gần đây trông khá chắc chắn, sạch sẽ và cũng không kém phần duyên dáng bên những ngôi nhà sàn cổ làm bẵng gỗ quý xưa kia mà chủ nhân đã và đang ý thức chăm chút giữ gìn qua bao nhiêu thế hệ. Và qua đó chúng ta dễ dàng nhận ra nét trù phú, sung túc của ngôi làng nổi tiếng này. Bên cạnh đó là những ngôi nhà trệt xây theo lối kiến trúc hiện đại của người Kinh, hướng ra mặt đường phố thị…  

15.5.1115.5.12

Chiếc ghè thiêng – một trong những tín ngưỡng vạn vật hữu linh và ngôi nhà dài kiên cố hơn nửa thế kỷ vẫn còn vững chãi là minh chứng cho sự thịnh vượng của làng từ xưa đến nay.

Rời làng khoảng năm phút, ngay bên trái đường không xa là làng Plei Don nằm trên một khoảng gò cao ráo là một trong những làng định cư lâu năm nhất ở Kon Tum. Thật xao xuyến lòng người khi thấp thoáng dưới những tán me già hàng trăm năm tuổi là những ngôi nhà sàn san sát, xinh xắn nằm ung dung, tự tại dưới nắng mưa của thời gian. Và đáng yêu biết nhường nào khi ta bắt gặp những mái đầu tóc vàng hoe nhấp nhô với đôi mắt to tròn, bẽn lẽn, xấu hổ dấu mình qua những ô cửa nhỏ khi thấy người khách lạ hỏi thăm đường… 

Chúng tôi tiếp tục băng qua chiếc cầu nhỏ, nhìn về bên phải là Nhà máy đường Kon Tum. Đang mùa cao điểm thu hoạch mía nên mọi công việc ở đây khá tấp nập. Từng chiếc xe tải nối đôi nhau đưa mía vào nhà máy, rồi lại hối hả chạy lên những quả đồi xa tít đưa mía về cho kịp vụ thu hoạch trong năm. Được biết những năm vừa qua, nhà máy là đơn vị luôn đạt nhiều thành tích trong công tác sản xuất và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con nông dân nơi đây.

 

15.5.14 Dòng sông Đăk Bla hiền hòa trôi mãi về Tây.

 

Bên tả là dòng Đăk Bla xanh trong vắt, duyên dáng uốn mình rồi trôi mãi về Tây, mang trong mình biết bao trầm tích, phù xa, làm tốt thêm những ruộng mía, nương ngô xanh ngút ngàn tầm mắt. Dòng sông cũng cung cấp rất nhiều tôm cá cho cư dân trong vùng. Còn là nơi cho những thế hệ trẻ thơ thỏa sức nô đùa và là nhân chứng cho biết bao tình yêu đôi lứa của trai gái người Ba Na, J’rai sống dọc đôi bờ nên duyên vợ chồng sau những đêm trăng hò hẹn…                             

 

Tiếp tục đi khoảng 1km nữa là làng KonRờBàng (Ba Na, Rơ Ngao) khá bằng phẳng, rộng và đẹp với những ngôi nhà nhỏ đan xen nhô ra mãi bến nước ven sông. Điểm đầu tiên đập vào mắt làm tôi phải reo lên vì thán phục, đó chính là mái nhà rông cao to như lưỡi rìu khổng lồ chém ngược lên trời cao, như đang thể hiện sức mạnh hùng tráng, ý chí đoàn kết của cộng đồng, sự tài hoa cuả các nghệ nhân. Thông qua tác phẩm độc đáo, phi thường này là niềm tự hào sâu sắc trong trái tim của mỗi người dân nơi đây.

 

Và tôi cảm thấy rất thích thú khi quan sát những hình vẽ trang trí trên 8 cây cột chính, mỗi cột phải đến hai người ôm mới xuể. Tám bức vẽ đơn sơ nhưng không kém phần sống động, giúp chúng ta có thể mường tượng cảnh sinh hoạt đời thường đã gắn bó sâu sắc trong tâm linh mỗi người dân, như: Cảnh dân làng cùng các anh bộ đội cụ hồ đang vui vẻ uống rượu trong buổi lễ đâm trâu; một đôi vợ chồng đang thu dọn cây cỏ để gieo trồng vụ mùa khi mưa đến; một bà mẹ vừa sinh xong mang đứa con của mình ra suối tắm, trình diện với thần linh và hình ảnh các chiến binh xưa kia đóng khố, cởi trần trông thật khỏe mạnh, oai dũng cầm khiên, giáo, mác đang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ buôn làng… 

 

15.5.1515.5.1615.5.17

Ảnh phác họa những anh hùng, chiến binh xưa gợi ta nhớ đến thuở rất xa, khi vùng này còn nhiều dã thú và các bộ tộc chinh chiến liên miên.

 

Điểm cuối dừng chân trong cuộc hành trình đầu tiên của đoàn là một làng cổ nằm khép mình bên dòng sông thơ mộng – làng KonHngorK’Tu, dân tộc Rơ Ngao có lẽ là làng đông dân nhất tỉnh, thuộc thôn Phương Quý, xã Vinh Quang. Đoàn chúng tôi lưu lại rất lâu vì phong cảnh quá hữu tình và con người thật dung dị, dễ mến. Nhất là ta có thể cảm nhận rõ nét tính cộng đồng thể hiện qua những nếp nhà sàn quây quần đầm ấm bên nhau tự bao đời.

 

15.5.18 Một góc làng KonHngorK’Tu thể hiện đặc trưng nếp sống cộng đồng của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum.

 

Ngoài những lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc của người Ba Na mà chúng ta đã được biết đến qua sách báo. Nơi đây còn khiến ta như lạc vào một thế giới khác, thế giới của những con người bình thường giản dị: sự thanh thản của các cụ già; sự năng động luôn hòa mình với thiên nhiên của giới trẻ; sự hồn nhiên ngây thơ của lũ con nít… Nếp sinh hoạt đời thường ấy chan chứa biết bao tình cảm trìu mến, thân thương.

 

15.5.19 15.5.20

Khoảng khắc cụ già ngồi ung dung nhả khói thuốc hay một bé gái đón mẹ đi làm về trông thật bình yên và hạnh phúc là hình ảnh thường được du khách tìm kiếm trong hành trình du lịch của mình.

 

Làng chăn nuôi rất nhiều gia súc, những con bò ở đây rất sạch sẽ và khỏe mạnh bởi mỗi ngày hai lượt được chủ nhân cho bơi qua bên kia sông gặm cỏ rồi chiều lại quay về làm nhộn nhịp cả một bến sông. Trong ánh nắng chênh chếch của buổi chiều vàng, những cái đầu bò nhấp nhô như một đàn “cá sấu” giữa sông sâu và phía sau là những “ông chủ nhỏ” ngộ nghĩnh bơi qua sông chỉ có một tay còn tay kia giơ lên để đỡ lấy quần áo cho khỏi ướt.

 

Mặt trời đã xuống núi phía đằng Tây nhưng chúng tôi như bị thôi miên, không ai chịu đứng lên để ra về mà luôn hướng tầm mắt về phía bên kia sông để đợi các chiếc xuồng độc mộc nhỏ nhắn như đang nhảy múa một vũ điệu quen thuộc chở những người dân cuối cùng trở về làng.

 

15.5.21 Hoàng hôn trên sông Đăk Bla.

 

Trong khói chiều lan tỏa qua góc bếp và các ô cửa nhỏ bay lên trên những nóc nhà, quyện vào chút ánh sáng còn sót lại cuối ngày trông ngôi làng thật ấm áp, bình yên. Chúng tôi rời làng trong không khí rộn ràng, âm thanh í ới chuẩn bị cho bữa cơm tối của các gia đình mà lòng tràn ngập niềm vui vì đã bắt gặp được những điều bình dị giữa đời thường.                                                                                   

 

                                                                                      Bài, ảnh: Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết