Kiến trúc Chùa ở Kon Tum

1808


 

Ngôi chùa bao giờ cũng được dựng ở những mảnh đất thu giữ khí thiêng trời đất, trên cao, thế đất đẹp, phía trước có dòng chảy hoặc ao hồ, thường quay về hướng Nam, hướng để phát triển thiện tâm. Dễ dàng nhận thấy kiến trúc những ngôi chùa ở Kon Tum chịu ảnh hưởng của kiến trúc chùa miền Trung, đặc biệt là chùa Huế, thường xây dựng dàn trải trên một mặt bằng theo chiều rộng không gian, ít chú trọng đến chiều cao, mang lại cảm giác dung hòa với thiên nhiên, phong cảnh xung quanh. Điều này hoàn toàn khác với những kiến trúc của những ngôi chùa miền Nam, chú trọng đến chiều cao, nhiều tầng, nhiều lớp nhằm nâng tầm vị thế, lẫn quy mô. Cấu trúc chùa Kon Tum thường theo kiểu chữ Nhất, chữ Đinh, chữ Công, chữ Khẩu,…Lối đi lại hàng ngày ở chùa là những cửa ngõ nhỏ, nằm một bên. Tam quan chùa xây dựng không quá đồ sộ, được trang trí với những hình tiết thanh thoát, nhẹ nhàng và chỉ mở trong những ngày lễ hội. Ngay giữa tam quan là trục chánh đạo dẫn vào tiền đường và chánh điện, ngang qua hoa viên của chùa. Của chùa luôn rộng mở với mọi chúng sinh, nơi thờ không bao giờ bị che chắn. Bao quanh hai bên chùa là cây cối xanh tươi quanh năm, tạo cảm giác an nhiên, thư thái cho tăng ni phật tử và du khách khi đến thăm.

 

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến đổi do tác động của chiến tranh, khí hậu, quy mô, kiến trúc hiện nay của ngôi chùa Kon Tum đã thay đổi sóng vẫn giữ được nét truyền thống cơ bản, là nơi sinh hoạt tôn giáo nghiêm trang. Nói về kiến trúc chùa Kon Tum có thể kể đến những đại diện tiêu biểu như: chùa Bác Ái, chùa Phước Lâm, chùa Trung Khánh,…

 

1. Chùa Tổ đình Bác Ái

 

Chùa Tổ đình Bác Ái là cơ sở Phật giáo có mặt sớm nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1/QĐ-CTUB ngày 8 tháng 1 năm 2009. Năm 1932 Tổ đình Bác Ái được bắt đầu xây dựng do cụ Võ Chuẩn đứng ra thiết kế và đốc công tạo dựng, đến năm 1933 thì chùa tổ chức làm lễ lạc thành rất long trọng, được vua Bảo Đại ngự giá, ban sắc và một biển gạch với đề tự “Sắc Tứ Bác Ái Tự”. Năm 1968, do biến cố lịch sử diễn ra ác liệt nên ngôi chùa bị pháo bắn trúng, Hòa thượng Thích An Chánh cho trùng tu lại một số công trình như thay mẽ tre bằng gỗ, tường gạch vôi vữa, mái lợp ngói ở gian Chánh điện, trần đóng la phông.

  



9.10.11
Chùa Tổ đình Bác Ái

 

Nhìn tổng thể kiến trúc, chùa Tổ đình Bác Ái xây dựng theo hướng Bắc Nam, kiểu chữ Môn, mở đầu cho hướng đó là cổng tam quan án ngự, đến nhà Chánh điện ở trung tâm và 2 bên tả hữu là Đông Lang và Tây Lang. Chánh điện xây dựng theo kiến trúc chùa Huế gồm 3 gian 2 mái, cổ lầu chia làm 3 gian: Tiền đường, Trung điện và Thượng điện. Trên đỉnh nóc mái đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nhật”, mái lợp ngói vảy, tường gạch vôi vữa theo kỹ thuật dân gian truyền thống đương thời. Hầu hết các vì, kèo, cột đều được xây dựng bằng các loại gỗ quý như sao tía, trắc, cà chít hết sức chắc chắn, chạm trổ trau chuốt, công phu, gờ cạnh tỉ mỉ, sắc sảo, do những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân người Huế tạo dựng. Trong gian Chánh điện, hệ thống tượng thờ được bô trí từ thấp đến cao, đầu tiên là bộ tuượng Tam Thế Phật; Di Đà Tam Tôn; Hoa Nghiêm Tam thánh,…Ngoài Hoa viên chùa Bác Ái còn có tổ hợp các bia, mộ tháp, miếu thờ Thần hoàng Bổn cảnh, miếu Sơn thần, Đoàn quán và nhà trù. Qua nhiều lần trùng tu, Chùa Tổ đình Bác Ái nét kiến trúc ban đầu đã bị thay đổi, một số điểm điêu khắc độc đáo như rồng chầu, dây cuốn, đã không còn. Hệ thống tượng thờ được phủ lớp đồng sáng, không giữ được nét đẹp nguyên sơ. Tuy nhiên, một số hiện vật quý giá mang giá trị nghệ thuật tạo hình như Tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Quan Âm bằng gốm men rạn, Hoành phi, Câu đối, hộp Sắc phong, Bửu ấn,…vẫn còn được trung bày, phảng phất vết tích thời gian.

 



9.10.12
Họa tiết “Lưỡng long chầu nhật” trên Tam quan chùa Tổ đình Bác Ái

 



9.10.13

 Hoa viên chùa Tổ đình Bác Ái

Chùa Tổ đình Bác Ái thực sự là một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, mô phỏng kiến trúc Huế.

2. Chùa Trung Khánh

 

Tọa lạc tại số 288 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, Chùa Trung Khánhcó địa thế rất đẹp: xung quanh bao bọc bởi nền đất bằng phẳng, hướng Nam nhìn ra sông Đăk Bla, phía Đông Nam là khu trung tâm thương mại. Chùa Trung Khánh được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ XX, là nơi tu niệm của người dân làng Trung Lương. Lúc đầu những người dân cùng góp công sức lấy tre nứa xây dựng chùa, đến năm 1950, trụ trì Thích Huệ Chiếu đã cho xây dựng khang trang lấy tên là ‘Trung Khánh tự”.

 

9.10.14 

 

Bước chân lên bậc tam quan, chúng ta sẽ bắt gặp khuôn viên chùa có hồ sen nhỏ, giữa hồ là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên, trước mặt tượng là hương án, nơi đặt bát hương và đặt đồ lễ. Nhìn từ ngoài vào chùa Trung Khánh mang dáng vẻ uy nghi, với bố cục Chánh điện tráng lệ, uy nghi. Diện tích chùa Trung Khánh không lớn nhưng được xây dựng rất đẹp đẽ với lối kiến trúc hài hòa mà không kém phần uy nghi. Những hàng cột trong chùa lớn tạo cảm giác vững tâm và tin tưởng cho người đi lễ chùa. Từ hoành phi câu đối, văn bia hay tên người cung tiến đều được tiền nhân ghi lại rất trân trọng. Cách xây mái trùng thiềm, đỉnh nóc trình bày lưỡng long chầu hỏa luân xa; phần vách giữa hai mái trình bày sự tích Đức Phật. Xung quanh tường được trang trí bằng những bức tranh, câu đối hài hòa, tạo không gian ấm áp, gần gũi mà tôn nghiêm. Trung tâm Chánh điện là nơi làm lễ bề thế, vuông vức thể hiện sự giáo hoá nhân gian của các Ngài rộng mở và bao la, không bó hẹp, không phân biệt đối xử. 

 



9.10.15
Họa tiết “Lưỡng long chầu hỏa xa” trên tam quan chùa Trung Khánh

 

3. Chùa Phước Lâm

 

Chùa Phước Lâm theo phái Bắc Tông, tọa lạc tại sô 42 Mạc Đĩnh Chi, thành phố Kon Tum. Được xây dựng vào năm 1963, là “niệm phật đường” để bà con trong vùng có nơi thờ cúng và thể hiện tâm nguyện của mình.

 

 9.10.16

 

Chùa hướng về phía Nam, được xây dựng trên một gò đất cao, bố cục theo lối chữ “Đinh”, thiết kế theo kiểu tiền phật hậu tổ, gian chính thờ bộ tượng Tam Thế Phật, gian sau thờ Đạt ma sư tổ và các vị trụ chì của chùa đã viên tịch, hai bên tả hữu thờ vong linh những tín đồ phật tử được gửi về chùa để hưởng sự thanh bình nơi cửa Phật. Với ảnh hưởng từ lối kiến trúc chùa Huế, chùa được xây dựng chú trọng chiều rộng, ngói lợp âm dương, vách bằng gạch. Cổng Tam quan xây dựng bằng bê tông, trên đỉnh mái gắn bánh xe luân hồi. Các mảng mái, tường, cửa, cột, khoảng cách trong ngoài hợp lý, trông rất cách điệu, nhưng vẫn uy nghiêm. Năm 2003 chùa được trùng tu lại Chánh điện, từ gỗ thành sắt và kính, mở rộng khuôn viên lưu trú, thuận lợi cho khách thập phương đến chùa. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được đặt ở trung tâm hoa viên chùa như quan sát, phù hộ chúng sinh cuộc sống an lành hạnh phúc. Hàng năm, vào các dịp Phật Đản, Lễ Vu Lan,…các tăng ni Phật tự bổn đạo đến dự lễ Phật đọc kinh cầu nguyện rất đông.  

 



9.10.17
Bánh xe luân hồi trên đỉnh Tam quan chùa Phước Lâm

 

4. Chùa Hồng Từ

 

Chùa Hồng Từ do Hòa thượng Thích Đức Thiện sáng lập ra vào năm 1958, tọa lạc tại số 249 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum. Lúc đầu chùa được xây dựng bằng ván và trụ cột bằng gỗ, mặt hướng về phía Bắc, dưới tác động của chiến tranh, năm 1968 chùa bị tàn phá, sập hoàn toàn. Năm 1972 chùa được xây dựng mới, rất kiên cố, mặt ngoảnh về hướng Nam, lối kiến trúc chữ Đinh, tiền Phật hậu Tổ. Cổng tam quan được trang trí hình “Lưỡng long chầu nhật”. Ở trung tâm sân chùa đặt một cái đỉnh lớn dùng để thiêu hương. Hai bên của Chánh điện có đặt tượng Lân hí cầu bằng đá rất đẹp, bên trái là tượng Hộ pháp, bên phải thờ tượng Tiên Diện. Đi vào trong Chánh điện có thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thủ thiên nhãn, tiếp đến là bộ tượng Phật Thích ca ở hai bên. Trung tâm Chánh điện tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, đúc bằng đồng nặng 1000kg, cao 1,2m, sơn son thiếp vàng. Phía sau chùa thờ Tổ sư Bồ Đề Lạy Ma và những vị trụ trì đã viên tịch. Bên trái Chánh điện và sau nhà thờ tổ đặt 2 tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tay cầm bình ngọc mắt hơi nhìn xuống giống như muốn phổ độ chúng sinh. Trong khuôn viên chùa trồng bồ đề cổ thụ, quanh năm rợp bóng mát, càng tôn thêm sự uy nghiêm cho chùa Hồng Từ.

 

Những ngôi chùa trên đất Kon Tum là một mảnh ghép trong tiến trình lịch sử của mảnh đất này. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ kiến trúc chùa Huế song mỗi ngôi chùa Kon Tum đều có những nét đặc trưng riêng với kiến trúc độc đáo, ghi dấu ấn trong lòng mỗi tăng ni Phật tử và khách thập phương. Chùa vừa là nơi thờ cúng, cầu nguyện linh thiêng của các tín đồ, hướng người ta đến những giây phút yên tĩnh, trút bỏ mọi ưu tư, phiền não của cuộc sống xô bồ. Mỗi ngôi chùa lại là những công trình kiến trúc để chúng ta chiêm ngưỡng, làm phong phú thêm cho bề dày lịch sử kiến trúc Kon Tum.

 

Hà Oanh



Đi đến nguồn bài viết