Sa Thầy hoàn thành kế hoạch cải tạo vườn tạp

6

baokontum.com.vn

Sa Thầy là địa phương có tổng diện tích vườn tạp cần cải tạo là 696,83ha, lớn thứ hai của tỉnh (sau huyện Đăk Hà với 983,19ha). Với nhiều giải pháp quyết liệt triển khai, đến nay, huyện Sa Thầy là địa phương đầu tiên trong tỉnh đã hoàn thành cải tạo vườn tạp.

Để tạo sự thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cải tạo vườn tạp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Thầy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/HU ngày 25/10/2021 của về cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Sa Thầy giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 28/3/2024 và Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 28/6/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt. Để có cơ sở cho quá trình triển khai được đồng bộ, hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn tiến hành rà soát toàn bộ diện tích cần cải tạo. Theo đó, tổng diện tích vườn tạp cần cải tạo trên địa bàn huyện là 696,83ha, với 2.366 hộ (trong đó 1.350 hộ người Kinh, 1.016 hộ đồng bào DTTS).

Nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để cùng hiểu về lợi ích của chủ trương và tích cực tham gia.

161651%C4%91%E1%BB%93ng%20b%C3%A0o%20DTTS%20%E1%BB%9F%20r%E1%BB%9D%20koi%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20c%E1%BA%A3i%20t%E1%BA%A1o%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20t%E1%BA%A1p%20(3)

Đồng bào DTTS ở xã Rờ Kơi thực hiện cải tạo vườn tạp. Ảnh: PN

 

Xã Rờ Kơi là một trong những địa phương sớm hoàn thành chủ trương cải tạo vườn tạp. Theo thống kê xã có 100ha vườn tạp của 389 hộ cần được cải tạo. Xã đã phân công cán bộ đến từng hộ gia đình gặp gỡ, trao đổi, động viên và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây trồng cho các hộ gia đình. Đặc biệt, xã đã chủ động vận động, xã hội hóa hỗ trợ cây giống giúp bà con thực hiện cải tạo vườn tạp. Hiểu được lợi ích vừa đẹp nhà, sạch vườn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân trên địa bàn xã tích cực tham gia.

Gia đình ông A Ngun ở thôn Đăk Đe (xã Rờ Kơi) có 1 sào vườn. Trước đây, diện tích này, chủ yếu trồng mì và bỏ hoang, được cán bộ tận tình vận động, hướng dẫn, gia đình ông đã phát dọn sạch sẽ, cải tạo đất và trồng sầu riêng, mắc ca. Ông tâm sự: Diện tích này gia đình có cắm một ít mì nhưng vì không chăm sóc nên cây còi cọc, hiệu quả kinh tế không cao nên chủ yếu là bỏ hoang. Được cán bộ xã, thôn hướng dẫn, hỗ trợ, gia đình đã dọn dẹp, cải tạo lại và chuyển sang trồng cây sầu riêng, mắc ca. Trước mắt nhìn vườn tược sạch đẹp, gọn gàng hẳn, vài năm nữa cây trồng cho quả, gia đình sẽ có thêm nguồn thu.

Ông Mai Nhữ Nam- Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Được tuyên truyền, vận động, người dân trong xã tích cực tham gia. Toàn bộ diện tích vườn tạp cần được cải tạo đều đã hoàn thành, người dân chủ yếu trồng  mắc ca, sầu riêng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, tổng diện tích cải tạo vườn tạp ở huyện Sa Thầy đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 757,73ha, với 2.541 gia đình tham gia, gấp gần 11 lần so với kế hoạch năm 2024 (70 ha), gấp 2,5 lần toàn bộ diện tích Đề án đề ra trong giai đoạn 2021-2025 (300ha). Để giúp các hộ dân cải tạo vườn tạp, từ các nguồn vốn, huyện Sa Thầy đã chủ động hỗ trợ về cây giống, phân bón cho người dân. Theo thống kê, có 1.064 hộ được hỗ trợ từ các nguồn vốn để thực hiện cải tạo, trong đó có 1.016 hộ đồng bào DTTS, chiếm 95,5% số hộ được hỗ trợ.

Xã Rờ Kơi cấp cây sầu riêng giống cho bà con để cải tạo vườn tạp. Ảnh: P.N

 

Từ diện tích vườn tạp được dọn dẹp, cải tạo lại, người dân đã trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cây sầu riêng 533,08ha (bằng 80% diện tích sầu riêng hiện có trên địa bàn tính đến ngày 31/12/2023), cây mắc ca 104,81ha và cây khác 58,94ha. Trong đó, nguồn Ban Thường vụ Huyện ủy vận động, hỗ trợ 747 hộ, trong đó có 742 hộ đồng bào DTTS trồng 137,48ha (sầu riêng 111,97ha; mắc ca 25,51ha); nguồn từ các chương trình MTQG hỗ trợ 317 hộ, trong đó 274 hộ đồng bào DTTS 33,65ha (sầu riêng 87,85ha, mắc ca 35ha, cây khác 10,8ha); nhân dân tự trồng 425,70ha (sầu riêng 333,26ha; mắc ca 43,5ha, cây khác 48,94ha). Tổng nguồn kinh phí đã thực hiện lồng ghép từ các chương trình, huy động ước thực hiện khoảng12.596,12 triệu đồng (nguồn sự nghiệp khuyến nông 322 triệu đồng; nguồn từ các chương trình MTQG 3.530 triệu đồng; nguồn Ban Thường vụ Huyện ủy vận động 1.154,12 triệu đồng; nguồn nhân dân thực hiện mua cây giống 7.590 triệu đồng).

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, số lượng các hộ gia đình đăng ký nhu cầu hỗ trợ giống cây sầu riêng rất lớn. Tất cả các nguồn giống cây trồng (chủ yếu cây sầu riêng) mà các hộ gia đình (đa số là hộ đồng bào DTTS) được hỗ trợ từ nguồn vận động của các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, nguồn từ các chương trình MTQG trên địa bàn, các hộ gia đình được hỗ trợ từ 15 cây trở lên đều cam kết đối ứng bằng việc lắp đặt hệ thống nước tưới tiết kiệm. Đến nay, đã có 298 hộ chủ động lắp đặt hệ thống nước tưới (tổng kinh phí đối ứng lắp đặt khoảng 1.686,6 triệu đồng) trước khi nhận giống cây hỗ trợ.

Bà Y Sâm- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy cho biết: Điều đáng mừng là trong quá trình thực hiện cải tạo vườn tạp, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bà con hiểu được lợi ích nên đã tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, với sự chủ động, sáng tạo và huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong triển khai, huyện Sa Thầy trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành cải tạo vườn tạp. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện, sự thay đổi tích cực của người dân trong cách nghĩ, cách làm, thể hiện được ý chí,  khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính khu vườn, khu rẫy.        

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/sa-thay-hoan-thanh-ke-hoach-cai-tao-vuon-tap-43321.html