Quan tâm chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng cho đồng bào DTTS

4

baokontum.com.vn

Cùng với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng của đồng bào DTTS là vấn đề được tỉnh ta chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần xây dựng nguồn nhân lực đồng bào DTTS tỉnh có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền về công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe, thể trạng cho người dân luôn được các ngành chức năng và các địa phương chú trọng, xem đây nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các địa phương chủ động đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi, phát triển bảo hiểm y tế vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Ngành Y tế phối hợp các ngành chức năng và các địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án, tiểu dự án về chăm sóc sức khỏe nhân dân.Trong đó, ưu tiên thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, dinh dưỡng trẻ nhỏ, tầm soát giảm tỷ lệ trẻ em khuyết tật.

165828Ng%C3%A0nh%20Y%20t%E1%BA%BF%20ch%E1%BB%A7%20%C4%91%E1%BB%99ng%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20c%C3%A1c%20ch%C6%B0%C6%A1ng%20tr%C3%ACnh%20nh%E1%BA%B1m%20gi%E1%BA%A3m%20thi%E1%BB%83u%20t%C3%ACnh%20tr%E1%BA%A1ng%20suy%20dinh%20d%C6%B0%E1%BB%A1ng%20%E1%BB%9F%20tr%E1%BA%BB%20em

Ngành Y tế chủ động thực hiện các chương trình nhằm giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ảnh: TH

 

Tiểu biểu là mô hình “Chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời” được triển khai tại 23 xã vùng đặc biệt khó khăn trên toàn tỉnh; chương trình giám sát hoạt động bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai, hoạt động bổ sung vitamin A tại 20 trạm y tế thuộc 5 huyện, thành phố.

Các trạm y tế duy trì công tác theo dõi cân nặng và chiều cao, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và theo dõi tăng trưởng của trẻ em. Trong đó, đảm bảo trên 90% trẻ em dưới 2 tuổi được cân, đo ít nhất 3 tháng/lần, 95% trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi được theo dõi về dinh dưỡng hàng tháng. Đồng thời, triển khai cung cấp thực phẩm dinh dưỡng để điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính tại các xã khó khăn.

Ngành y tế cũng quan tâm chỉ đạo các trạm y tế, hướng dẫn và khuyến khích các bà mẹ áp dụng chế độ ăn lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong thời kỳ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về làm mẹ an toàn tại các xã có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, tỷ lệ sinh tại nhà cao.

Nhờ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm rõ rệt trong các năm qua. Nếu như năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của toàn tỉnh là 38,1% thì đến cuối năm 2023 đã giảm xuống mức 28,7%.

Các địa phương tích cực chỉ đạo cơ quan Y tế trên địa bàn tổ chức các hoạt động khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp cho người cao tuổi tại các xã vùng đồng bào DTTS như bệnh về mắt, tim mạch, huyết áp. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn người cao tuổi phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS sống vùng khó khăn giúp người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

165924%C4%90%E1%BA%A3m%20b%E1%BA%A3o%20dinh%20d%C6%B0%E1%BB%A1ng%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong%20nh%E1%BB%AFng%20y%E1%BA%BFu%20t%E1%BB%91%20g%C3%B3p%20ph%E1%BA%A7n%20n%C3%A2ng%20cao%20th%E1%BB%83%20tr%E1%BA%A1ng%20cho%20tr%E1%BA%BB%20em%20v%C3%B9ng%20DTTS

Đảm bảo dinh dưỡng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao thể trạng cho trẻ em vùng DTTS. Ảnh: T.H

 

Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, tỉnh và các địa phương trên địa bàn quan tâm đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị y tế nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh.

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 trạm y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa được cải tạo, nâng cấp, 2 trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) được xây mới.

Đến nay, toàn tỉnh có 99% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế có bác sĩ và 97,1% trạm y tế xã có hộ sinh (hoặc y sĩ sản nhi); 100% trạm y tế xã khám, chữa bệnh BHYT; trên 85% dân số được tạo lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại trạm y tế.

Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh ta vẫn còn cao so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và thuộc diện cao nhất cả nước; tỷ lệ người cao tuổi được khám bệnh ít nhất 1 lần trong năm còn thấp, chỉ đạt trên 50% tổng số người cao tuổi.

Vì vậy, thời gian tới, công tác chăm lo sức khỏe, nâng cao thể lực, tầm vóc cho người dân vùng đồng bào DTTS tiếp tục là nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện.

Theo kế hoạch Phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025, duy trì giảm tỷ suất tử vong trẻ em DTTS dưới 1 tuổi xuống dưới 35,5‰ và tuổi thọ bình quân của đồng bào DTTS bằng hoặc trên 67 tuổi; giảm tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng về chiều cao xuống dưới 32% và về cân nặng xuống dưới 21,3%. Đến năm 2030, giảm tỷ suất tử vong trẻ em DTTS dưới 1 tuổi xuống dưới 40‰, nâng tuổi thọ bình quân của đồng bào DTTS lên bằng hoặc trên 70 tuổi; đồng thời, giảm tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng về chiều cao xuống dưới 30% và cân nặng xuống dưới 15,8%.            

Thùy Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-nang-cao-the-trang-cho-dong-bao-dtts-42647.html