baokontum.com.vn
“Vốn quý” của đồng bào DTTS là những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng. Ngày nay,“vốn quý” đó được phát huy, gìn giữ qua nhiều thế hệ và trở thành nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch.
Một trong những “vốn quý” của đồng bào DTTS tại Kon Tum chính là văn hóa cồng chiêng. Bằng tình yêu, sự đam mê và trách nhiệm với dân tộc, những người con của mảnh đất Kon Tum đã góp công, góp sức, lan tỏa tình yêu, nối dài “vốn quý” này đến mai sau.
Như huyện Đăk Hà, những năm gần đây đã xây dựng được nhiều đội chiêng nữ ở các thôn, làng đồng bào DTTS. Vượt qua định kiến chỉ nam giới mới đánh chiêng, các chị em phụ nữ đã học, rèn luyện, mang lại kết quả tốt. Đơn cử như Đội chiêng nữ làng Đăk Rơ Chót (xã Đăk La) tập luyện rất bài bản và có sự đồng lòng của các chị em phụ nữ và nghệ nhân trong làng. Đội chiêng sinh hoạt đều đặn, luôn tìm tòi, học hỏi và giữ được nét đặc trưng cơ bản nhất của cồng chiêng, múa xoang dân tộc Ba Na.
Những “vốn quý” của thôn, làng đồng bào các DTTS đang được thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy. Ảnh: M.V
Cứ thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, sau thời gian lên rẫy, các chị em tập trung về nhà rông của làng miệt mài luyện tập. Sau nhiều năm tập luyện, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của một số nghệ nhân lớn tuổi, các chị em trong đội đã học hỏi và dần thuần thục kỹ năng diễn tấu cồng chiêng và múa xoang. Đội chiêng hiện có 30 thành viên, trong đó 12 thành viên đánh chiêng, còn lại là múa xoang.
Từ kiến thức, kỹ năng được học, Đội chiêng nữ làng Đăk Rơ Chót đã tham gia nhiều chương trình, liên hoan, hội thi văn hóa trên địa bàn huyện Đăk Hà và tỉnh. Tại Tuần lễ Văn hóa – Du lịch gắn với Phiên chợ nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà năm 2024, đội chiêng đã biểu diễn nhiều bài chiêng truyền thống và điệu múa xoang duyên dáng. Sự tự tin của các chị em đã khiến nhiều người dân và du khách cảm thấy thích thú, ai nấy đều muốn ghi lại những hình ảnh đẹp ấy và cùng hòa mình vào tiếng chiêng, điệu múa uyển chuyển, mượt mà.
Bên cạnh đó, “vốn quý” này của thôn, làng còn được nhiều bạn trẻ kế thừa và tiếp nối, cả về kỹ năng đánh chiêng và ý thức tự hào về văn hóa truyền thống của cha, ông để lại. Em Y Hà Vy (16 tuổi) – thành viên Đội chiêng nữ làng Đăk Rơ Chót chia sẻ: “Lúc đầu em cũng rất bỡ ngỡ không biết phải tập, sử dụng chiêng như thế nào. Nhưng được sự hỗ trợ của nghệ nhân lớn tuổi, em và các thành viên trong đội đã hiểu, tập luyện siêng năng và đã được tham gia biểu diễn nhiều sự kiện văn hóa của huyện và tỉnh. Điều đó khiến em rất tự hào và tích cực gìn giữ văn hóa tốt đẹp này của cha, ông”.
Ngoài văn hóa cồng chiêng, các nghi lễ truyền thống cũng là “vốn quý” của thôn, làng đồng bào DTTS ở Kon Tum. Trong đó, có nghi lễ vòng đời người, nghi lễ mùa màng vẫn được bảo tồn và phục dựng thường xuyên.
Như nghi lễ chuyển về làng mới của người Xơ Đăng ở làng Giang Lố 1, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) được cộng đồng nơi đây tái hiện hàng năm và thu hút nhiều người dân, du khách gần xa tham dự.
Ở thôn, làng đồng bào DTTS, các nghi lễ vòng đời người, nghi lễ mùa màng, nghi lễ tục làng… vẫn được lưu giữ và phát huy. Ảnh: MV
Theo ông Thao In (67 tuổi) – nghệ nhân làng Giang Lố 1, dân làng chọn tháng 3 – 4 (dương lịch) hàng năm tổ chức tái hiện nghi lễ để cộng đồng người Xơ Đăng nơi đây ôn lại và tự hào truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
“Để chuẩn bị cho nghi lễ, dân làng sẽ tìm vị trí mới phù hợp. Sau khi gà gáy lần một vào sáng sớm, vợ, chồng già làng thức dậy nhóm lửa, sau đó, đánh 3 hồi trống đánh thức bà con dân làng chuyển đồ về làng mới. Lễ mừng làng mới bắt đầu bằng việc già làng làm nghi thức tế lễ. Trong đó, mâm cúng tế lễ sẽ bày sẵn thịt gà, thịt heo, rượu cần, muối, gạo. Sau phần lễ là phần hội, bà con hòa tấu các nhạc cụ dân tộc rồi cùng nhau múa xoang truyền thống”- ông Thao In cho hay.
Với những người yêu văn hóa dân tộc, khi được chứng kiến đều có thể cảm nhận ý nghĩa của nghi lễ này. Anh Siu Thuần (36 tuổi, dân tộc Gia Rai) – du khách huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Vào tháng 4 vừa qua, gia đình tôi đến huyện Ngọc Hồi du lịch và được tham dự nghi lễ ý nghĩa, độc đáo này. Bản thân tôi là người DTTS, vì vậy, tôi rất thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc, muốn đi nhiều nơi để trau dồi kiến thức, khám phá nhiều hơn”.
Có thể thấy, thôn, làng là cái nôi của những “vốn quý” hình thành và phát huy giá trị. Không riêng cồng chiêng và các nghi lễ mà những văn hóa truyền thống khác như tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm hay như chế tác nhạc cụ dân tộc, hát dân ca vẫn giữ được “nhịp đập” trong từng thôn, làng.
Bên cạnh ý thức và nỗ lực tự thân của người dân cũng phải ghi nhận sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các hội thi, hội diễn, lớp tập huấn đã khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, từ đó, mỗi thành viên trong thôn, làng lại cùng nhau học hỏi, truyền dạy, giúp văn hóa truyền thống được duy trì.
Mai Vàng
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/phat-huy-von-quy-cua-dong-bao-dtts-42351.html