baokontum.com.vn
26/07/2024 06:17
Số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, nổi bật nhất là tăng trưởng GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên, với 6,47%, tuy nhiên, thu hút đầu tư lại cho thấy những vướng mắc cần tháo gỡ.
Bước vào năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tích cực tuyên truyền và quảng bá về tiềm năng đầu tư của tỉnh.
Đáng chú ý là công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai, trên tinh thần “đồng hành và phục vụ”.
Trong đó việc tổ chức thành công các chương trình Cà phê doanh nghiệp – Doanh nhân hằng tháng đã tạo nên một kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành đã lắng nghe, nắm bắt kịp tình hình hoạt động đầu tư và nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân.
Từ đầu năm đến nay, qua các chương trình Cà phê doanh nghiệp – Doanh nhân, đã ghi nhận và giải quyết 17 vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ yếu liên quan đến đất đai, quy hoạch xây dựng thủ tục đầu tư.
Tăng cường đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ các ‘’điểm nghẽn’’ về thủ tục đầu tư. Ảnh: T.H
Khi thông tin hai chiều giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp thông suốt thì nhũng nhiễu, phiền hà sẽ giảm đến mức thấp nhất. Như vậy mới đúng với tinh thần chính quyền đồng hành, phục vụ doanh nghiệp mà chúng ta đang phấn đấu- Chủ tịch Lê Ngọc Tuấn đã nhấn mạnh.
Mặt khác, tỉnh cũng chỉ đạo các sở ngành chức năng chủ động tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có dự án đang hoạt động, đang triển khai trên địa bàn tỉnh; đề xuất xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về đất đai, quy hoạch xây dựng và chậm tiến độ.
Chú trọng khâu tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; điều chỉnh tiến độ đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút 11 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 208 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số dự án đầu tư thu hút được đáng kể (11 dự án so với 6 dự án), nhưng tổng vốn đăng ký lại giảm mạnh (208 tỷ đồng so với 1.107 tỷ đồng).
Như vậy, tính đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 398 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 83.447 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo về thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, vì nhiều nguyên nhân mà công tác xúc tiến đầu tư chưa đạt được như kỳ vọng.
Trong đó, có những nguyên nhân khách quan, như một số điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương chưa hoàn thiện; hệ thống luật pháp về đầu tư còn nhiều bất cập; một số quy định chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ. Từ đó, việc thực thi và giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông, logistics kém phát triển dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp e ngại, thay vì tìm đến tỉnh thì sẽ ưu tiên lựa chọn những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt hơn để đầu tư- báo cáo của Sở KH&ĐT nêu.
Mặc dù công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư, dẫn đến thu hút đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nguyên liệu, lao động và đất đai.
Theo một số doanh nghiệp, một nguyên nhân rất quan trọng là địa phương thiếu quỹ đất sạch để thực hiện thu hút đầu tư. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng có chung nhận định này.
Tạo quỹ đất sạch là một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút đầu tư. Ảnh: TH
Một thực tế thường gặp ở tỉnh ta là khi triển khai các dự án thường thiếu quỹ đất sạch. Hầu hết các dự án khi triển khai đều phải bắt đầu từ khâu áp giá, đền bù, giải tỏa, tốn rất nhiều thời gian thực hiện, chưa kể là rủi ro gặp khiếu kiện, tranh chấp khá cao.
Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư luôn chịu sự tác động từ các biến động về giá vật tư, tiền tệ, công lao động, nguyên liệu, cơ hội thị trường. Vì vậy, có không ít nhà đầu tư mất thế chủ động hay vỡ kế hoạch dự án, vì bị ách tắc trong chờ đợi mặt bằng để triển khai.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 tổ chức tháng 4/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm nhấn mạnh rằng, để tăng cường thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình Xúc tiến Đầu tư năm 2024 tỉnh Kon Tum đã được phê duyệt.
Trong đó đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh (như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, dược liệu). Kêu gọi, thu hút đầu tư đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hiện trạng đất đai và tiềm lực của địa phương; tăng cường tạo lập quỹ đất sạch.
Xúc tiến thu hút các dự án đầu tư theo hướng có chọn lọc, có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế.
Đẩy mạnh hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư; các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm môi trường đầu tư.
Tiếp tục tổ chức tốt chương trình “Cà phê Doanh nghiệp – Doanh nhân”, Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp năm 2024 và Hội nghị cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh. Qua đó nắm bắt tình hình, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp để có giải pháp kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của các đơn vị, địa phương nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Thành Hưng
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/go-vuong-trong-thu-hut-dau-tu-42033.html