Tây Nguyên thấp thỏm nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bão

8

laodong.vnTây Nguyên thấp thỏm nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bãoTuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đăk Lắk – nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Bảo Trung

Tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng, đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20 hiện có 12 vị trí có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa năm 2024. Điều đáng nói, các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở đang xuất hiện ngày một nhiều dọc đèo Bảo Lộc.

Quốc lộ 20 có vai trò là tuyến giao thông huyết mạch kết nối tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh, thành phố phía Nam. Thế nên nếu các điểm sạt lở không được xử lý kịp thời thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT).

Còn tại đèo Prenn, đoạn qua TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), mới mở rộng, nâng cấp cách đây không lâu. Thế nhưng, trên đoạn đường đèo vẫn có nhiều vách núi cao không có taluy. Một số đoạn đường đầu tuyến đèo được xây taluy ngăn sạt lở nhưng cũng có những vị trí ở chân núi gần như bị đào sâu, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá nếu trời mưa to, gió mạnh. Ngoài ra, còn có những tảng đá to, lởm chởm nằm sát đường nhưng chưa được gia cố gây cảm giác lo lắng cho người tham gia giao thông…

Tại Kon Tum, đây là tỉnh có nhiều đồi núi cao nằm ở phía Bắc của khu vực Tây Nguyên. Với điều kiện địa hình chủ yếu đèo dốc, sông suối nên hầu như năm nào các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng cũng bị chia cắt, sạt lở, sụt lún nghiêm trọng… Điều này đã gây mất ATGT, chia cắt một số khu vực.

Những nơi đáng lo ngại nhất là các tuyến đường ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei… Tại đây, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ đi qua các sườn dốc, triền núi cheo leo, một bên là vực sâu, bên còn lại là vách núi đá cheo leo, hiểm trở…

Chị Y Hiên, một người dân ở xã Tu Thó, huyện Tu Mơ Rông – cho biết: “Hầu hết nhà dân trong vùng đều ở sát bên triền núi, gần đường, nền đất nhão nhoẹt và ngấm nước trong mùa mưa. Vài trận mưa lớn đã cuốn trôi đất đá khiến người dân ăn không ngon ngủ yên”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đăk Lắk thông tin, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh có nhiều đoạn dốc cao, khúc cua nguy hiểm, cộng thêm xuất hiện sương mù dày đặc gây mất ATGT trong mùa mưa bão.

Những khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông gồm các đoạn qua địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk; địa phận đèo Chư Kpô, đường tránh thị xã Buôn Hồ. Đặc biệt, đoạn từ Km1705 – Km1712 là khu vực có nhiều cây thông lâu năm, cành cây vươn dài ra đường che khuất tầm nhìn và nguy cơ bị gãy đổ trong mùa mưa.

Tại Đăk Nông trên tuyến Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa cũng từng xảy ra vụ sụt lún nghiêm trọng (tháng 8.2023). Tại khu vực sạt trượt xuất hiện vết đứt gãy lan rộng, sụt lún sâu từ 1 – 3m.

Tại làn đường chính, mặt đường bêtông nhựa xuất hiện các vết nứt, lún với tổng chiều dài khoảng hơn 127m. Đối với sự việc này, UBND tỉnh Đăk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự cố sụt lún nghiêm trọng trên Quốc lộ 14 vẫn chưa được triển khai khắc phục, bảo đảm cho các phương tiện lưu thông qua lại.

Đèo Prenn (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có một số vị trí dễ gây sạt lở, mất an toàn giao thông cho các phương tiện di chuyển. Ảnh: Mai HươngĐèo Prenn (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có một số vị trí dễ gây sạt lở, mất an toàn giao thông cho các phương tiện di chuyển. Ảnh: Mai Hương

Chủ động nắm bắt, tăng cường tuần tra

Ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho hay, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt đất đá.

Trong đó, chú trọng đến các tuyến đường huyết mạch, quan trọng trên địa bàn tỉnh như đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Mimosa, Quốc lộ 27, 27C, 28, 28B; các Tỉnh lộ và các trục đường huyện.

Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi xảy ra mưa lớn; nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường. Ngành chức năng cũng kiên quyết tổ chức di dời, chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu xảy ra.

Ông Đặng Trần Huân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum – cho biết: “Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức trực ban trong mùa mưa lũ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, mực nước hồ chứa, trên các sông, suối vùng hạ du, vùng trũng thấp để chủ động có giải pháp điều tiết. Các địa phương cử cán bộ thường trực tại các tuyến đường xung yếu nhằm thường xuyên kiểm tra an toàn công trình”.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/tay-nguyen-thap-thom-noi-lo-sat-lo-trong-mua-mua-bao-1367346.ldo