baokontum.com.vn
06/07/2024 13:01
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng, là yêu cầu tất yếu của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay. Quyết không do dự, không nằm ngoài xu thế, ngành Giáo dục Kon Tum đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo động lực vượt qua những khó khăn đặc thù về địa hình, về khoảng cách của một tỉnh miền núi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục tỉnh đã liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số và triển lãm trưng bày sản phẩm, công nghệ giáo dục; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng như: nâng cao năng lực ứng dụng AI để xây dựng kế hoạch dạy học nhằm tăng tính tương tác, tạo hứng thú học tập cho học sinh DTTS; phương pháp tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến; xây dựng học liệu, khai thác nguồn học liệu và tìm kiếm thông tin trên internet.
Nếu như trước khi dịch Covid-19 bùng phát, việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tỉnh mới chỉ nhen nhóm ở một vài trường điểm ở khu vực thành phố Kon Tum, thì trong và sau dịch Covid-19, chuyển đổi số (cả trong công tác quản lý và dạy học) đã được triển khai đồng bộ trong toàn ngành, dần đến với các trường ở vùng sâu, vùng xa.
Một số trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: N.P
Hiện nay, trong giảng dạy, vượt qua những khó khăn ban đầu như thiếu phương tiện, đường truyền không ổn định, cả giáo viên và học sinh bỡ ngỡ, chưa quen với hình thức dạy và học mới khi chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang dạy học trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid -19, cả giáo viên lẫn học sinh đều chủ động hơn trong việc lựa chọn hình thức học, chủ động cả về phương tiện và chủ động cả trong việc truyền bá, tiếp nhận thông tin.
Lấy ví dụ cụ thể từ việc giảng dạy tiếng Anh. Với đặc thù của môn học đòi hỏi phải có quá trình giao tiếp, trao đổi để rèn luyện các kỹ năng, nhất là kỹ năng nghe – nói, đã khiến cho học sinh ở các vùng khó khăn ít có điều kiện, ít có môi trường để tiếp cận, trau dồi và đạt kết quả cao trong môn học này. Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi số, nhờ chuyển đổi hình thức dạy và học, các học sinh ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh chỉ cần có kết nối internet, có máy tính hay điện thoại thông minh là có thể học trực tuyến với các giáo viên ở vùng phố thị trong tỉnh, trong nước và thậm chí là cả nước ngoài.
Hay là quá trình bồi dưỡng, ôn luyện cho các học sinh trong các đội tuyển chuẩn bị tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các năm, để giúp cho các em được tiếp cận với những chuyên gia, giáo viên hàng đầu trong nước, thay vì cả thầy lẫn trò phải di chuyển đến các thành phố lớn thì cũng nhờ ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mà các em có thể học ngay tại nhà mình. Không phải mất nhiều thời gian đi lại, mất nhiều chi phí, thầy cô giáo và học sinh cùng nhau trao đổi, chia sẻ, giải đáp những thắc mắc dù bất cứ ở nơi đâu, khoảng cách bao xa và bất cứ thời gian nào.
Và tất nhiên không chỉ ứng dụng trong học tiếng Anh, trong quá trình ôn luyện cho các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia mà với những lợi thế như tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, xóa nhòa khoảng cách xa – gần, khó khăn – thuận lợi, hình thức học trực tuyến đã được nhiều trường, nhất là ở bậc THCS, THPT ứng dụng trong dạy và học.
Hướng dẫn cho học sinh vùng sâu, vùng xa phương pháp học trực tuyến. Ảnh: NP
Không chỉ trong công tác giảng dạy, ngành Giáo dục tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trong tuyển sinh. Đến nay các trường học trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sổ sách, phát triển các kho học liệu số các cấp học, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm bài giảng điện tử, bài dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng, thiết bị dạy học số và các học liệu khác; triển khai hệ thống thư viện số dùng chung cho các cơ sở giáo dục phổ thông; cổng thư viện số kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ học liệu với các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, ngành Giáo dục tỉnh cũng đã triển khai cho học sinh lớp 9 đăng ký xét tuyển các nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT trong tỉnh với hình thức này. Sự chuyển đổi này không chỉ tiết kiệm được chi phí về thời gian, hồ sơ giấy tờ, đảm bảo được tính minh bạch, chính xác trong quá trình tuyển sinh mà còn giúp các em học sinh dần làm quen với việc đăng ký dự thi, xét tuyển trong kỳ thi THPT sắp tới.
Với ưu thế tạo ra sự tiếp cận thông tin, kiến thức thuận lợi hơn, thu hẹp khoảng cách địa lý, không gian, linh hoạt về thời gian, chuyển đổi số đã được các thầy cô giáo, học sinh tích cực hưởng ứng. Và liên tục những năm gần đây, Kon Tum có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đứng vị thứ cao trong khu vực, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia tăng dần qua các năm là minh chứng cho thấy chuyển đổi số đang góp phần mang đến những “mùa vàng” cho Giáo dục tỉnh nhà.
Nguyên Phúc
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-gop-phan-nang-cao-chat-luong-giao-duc-41731.html