Người kết nối thông tin tìm mộ liệt sỹ

352

26/10/2019 06:15

Việc làm của những người đang lặng thầm với công việc kết nối thông tin tìm mộ liệt sỹ xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm đối với thân nhân liệt sĩ và hơn hết là sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc – đúng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” biết bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Vào một ngày, ông Nguyễn Huỳnh- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh nhận được một bức thư từ người bạn học thời trẻ tên Bùi Phương Đông, trú tại nhà số 43, ngõ 92, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong thư, ông Bùi Phương Đông nhờ ông Huỳnh kết nối thông tin tìm mộ liệt sỹ Mạc Văn Dụ – anh vợ mình, sinh năm 1946, quê ở xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, hy sinh ngày 03/01/1969 tại Mặt trận Tây Nguyên.

Theo lời kể trong bức thư, liệt sỹ Mạc Văn Dụ được Quân đoàn III tăng cường cho Tỉnh đội Kon Tum và hy sinh tại Kon Tum. Bố mẹ mất sớm, khi liệt sỹ Mạc Văn Dụ đi B, em gái là Mạc Thị Tuyến (vợ ông Phương) đang học tại Liên Xô nên không gặp được anh trai trước lúc đi. Nhiều năm qua, dù đã ngoài bảy mươi tuổi, vợ chồng ông Phương, bà Tuyến vẫn luôn nỗ lực nhờ tìm kiếm thông tin của liệt sĩ Mạc Văn Dụ nhưng không có kết quả. Với niềm mong mỏi tìm được người anh trai duy nhất, vợ chồng ông Phương, bà Tuyến đã gửi kèm theo thư 3 bản trích lục thông tin về quân nhân hy sinh; giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công.

Nguoi ket noi thong tin tim mo liet sy Ông Nguyễn Huỳnh (mặc áo trắng) cùng gia đình ông bà Bùi Phương Đông, Mạc Thị Tuyến thắp hương trước mộ Liệt sỹ Mạc Văn Dụ. Ảnh: LVT

 

Ngay sau khi nhận được bức thư và các bản trích lục, ông Huỳnh đã nhanh chóng đối chiếu giữa 3 văn bản và nhận thấy sự khác nhau: Nếu như trong giấy báo tử ghi rõ tên Mạc Văn Dụ, cấp bậc Hạ sỹ, ngày tháng năm sinh, tên mẹ, ngày nhập ngũ, đơn vị, ngày hy sinh, nơi hy sinh tại Mặt trận, thì trong bản trích lục thông tin về quân nhân hy sinh do Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương lại ghi là Mạc Văn Rụ (cũng các thông tin như trên), nhưng riêng về nguyên quán lại là Niên Mạc, Thanh Hà, Hải Dương và nơi hy sinh là Kon Gung, H16- Kon Tum; nơi an táng ban đầu Đồi Kon Gung-H16-Kon Tum.

 Là người gắn bó với vùng đất Bắc Tây Nguyên nhiều năm, là cán bộ sát dân, sát cơ sở, đặc biệt là giữ cương vị Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh trong nhiều năm, sau khi xem kỹ các văn bản trên, ông Nguyễn Huỳnh nhận ra những điều trùng hợp. Thứ nhất, về thổ ngữ vùng miền, có nơi trùng âm R và D, cho nên đọc Dụ thành Rụ; N trùng L cho nên đọc Liên Mạc thành Niên Mạc, bởi vậy liệt sỹ Mạc Văn Rụ cũng chính là Mạc Văn Dụ. Thứ hai, về nơi liệt sỹ Mạc Văn Dụ hy sinh, ông thuộc như lòng bàn tay.

Vì lòng tri ân những người đã hy sinh cho Tổ quốc, vì thấu hiểu sự mong mỏi muốn tìm được người thân của gia đình ông Bùi Phương Đông, ông Nguyễn Huỳnh không quản ngại mưa gió, một mình cùng chiếc xe máy vượt đường xa, dốc trơn, tới gặp gỡ nhiều người để tìm kiếm thông tin. Chắp nối thông tin, sàng lọc dữ liệu, cuối cùng công cuộc tìm kiếm của ông Huỳnh đã có kết quả. Hài cốt liệt sỹ Mạc Văn Dụ đã được quy tập, xây cất đàng hoàng, chăm sóc cẩn thận tại phần mộ số 7, hàng mộ 7, lô mộ 9 ở Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Kon Tum.

Sau khi nhận được thông tin từ ông Nguyễn Huỳnh, vợ chồng ông Bùi Phương Đông, Mạc Thị Tuyến vui mừng khôn xiết, ông bà cùng người thân lập tức từ Hà Nội vào Kon Tum, nhận và làm lễ thắp hương viếng người anh thân yêu sau 50 năm hy sinh mới tìm thấy mộ.

Có lẽ, ông Nguyễn Huỳnh chỉ là một trong số rất nhiều người đang lặng thầm với công việc kết nối thông tin để tìm mộ liệt sỹ. Trên thực tế, đã có rất nhiều ngôi mộ liệt sỹ được tìm thấy, được chăm sóc bằng chính những người thân của họ theo cách đó. Những việc làm của ông Nguyễn Huỳnh và của biết bao người xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm đối với thân nhân liệt sĩ và hơn hết là sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc – đúng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” biết bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Lê Văn Thiềng

Đi tới nguồn bài viết