Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo

5

baokontum.com.vn

20/06/2024 12:58

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước đây, gia đình chị Bùi Thị Hà, dân tộc Mường (thôn Thung Nai, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) thuộc diện hộ nghèo. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong các năm 2018 và 2023, chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hồi 2 lần, mỗi lần 50 triệu đồng để đầu tư trồng và chăm sóc 3,1ha cao su, gần 1ha cà phê, 2ha mì, 2 sào lúa nước 2 vụ; chăn nuôi gà. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, tích lũy vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất, thu nhập của gia đình tăng lên hàng năm, bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm và gia đình chị đã thoát khỏi hộ nghèo năm 2022.

“Nếu không nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách này, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát được nghèo”- chị Hà bộc bạch.

Chị Bùi Thị Hà thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách giảm nghèo để phát triển kinh tế. Ảnh: Q.Đ

 

Được sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững), UBND xã Đăk Ang đã triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông đi vào khu sản xuất, nước sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 48,06 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 8,07% trong tổng số 1.159 hộ dân toàn xã.

Ông A Kang- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh) cho biết: Trong điều kiện nguồn lực địa phương còn hạn chế nhưng UBND các cấp đã quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện chương trình đảm bảo theo quy định. Quá trình thực hiện luôn nhận được sự phối hợp, tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã  hội. Từ năm 2021 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Tỉnh ủy- HĐND- UBND tỉnh ban hành 62 văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình, trong đó có 13 văn bản quy phạm pháp luật (10 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 3 Quyết định của UBND tỉnh).

Trong 3 năm 2022-2024, ngân sách Trung ương phân bổ 782,261 tỷ đồng, ngân sách địa phương cân đối 71,868 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã triển khai xây dựng 198 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, phục vụ sản xuất và đời sống người dân ở các xã đặc biệt biệt khó khăn.

Đối với dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, huyện Ia H’Drai triển khai 10 dự án nuôi bò sinh sản, nuôi hươu lấy nhung, nuôi heo thịt; huyện Đăk Glei triển khai 13 mô hình hỗ trợ sinh kế; huyện Ngọc Hồi thực hiện 8 dự án hỗ trợ bò cái sinh sản, trồng sả Java; huyện Đăk Hà triển khai 29 mô hình hỗ trợ bò cái sinh sản, dê, chăm sóc cà phê; huyện Kon Rẫy triển khai 15 mô hình hỗ trợ bò sinh sản, hỗ trợ các loại cây giống như cao su, mắc ca, sầu riêng, cây ăn quả; huyện Sa Thầy hỗ trợ 19 dự án, trong đó có 16 dự án nuôi bò cái sinh sản, 1 dự án nuôi heo thịt, 2 dự án hỗ trợ trồng cây ăn quả. 

Trong 3 năm 2022-2024, toàn tỉnh đã tổ chức được 56 phiên giao dịch việc làm với 2.167 người tham gia. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các huyện nghèo Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, Kon Plông tổ chức gần 50 phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ pháp lý, giới thiệu việc làm cho người lao động tham gia thị trường việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, các cấp còn tổ chức 50 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác giảm nghèo cho hơn 3.000 người.

Về đào tạo nghề (dự án 4), đến nay đã tổ chức được 33 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1.234 học viên. Trong đó, huyện Đăk Hà mở 15 lớp với 371 học viên; huyện Kon Rẫy mở 18 lớp với 863 học viên; đào tạo các nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả như sầu riêng, mắc ca, kỹ thuật nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt, kỹ thuật nuôi bò sinh sản, heo sọc dưa, hươu lấy nhung, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, cao su.

Từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, người dân xã Đăk Ang có điều kiện phát kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: QĐ

 

Ông A Kang cho hay: Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại các địa phương đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số dự án đầu tư quan trọng đã đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10.220 hộ/149.471 hộ, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Có 6.258 hộ thoát nghèo, tương ứng 4,19%, đạt 103,7% so với kế hoạch; hộ cận nghèo 6.568 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo như Kon Plông, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai đều đạt và vượt cao so với kế hoạch được giao.         

Quang Định


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-giam-ngheo-41468.html