baokontum.com.vn
14/05/2024 13:26
Tại Liên hoan Sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ III được tổ chức tại nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi) vừa qua, người dân và du khách được đắm chìm trong không gian sôi động, rực rỡ sắc màu với váy, áo thổ cẩm. Tại đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với nữ nghệ nhân Y Tủi (43 tuổi, thôn 4, xã Kroong, thành phố Kon Tum) bởi cách dệt điêu luyện và những câu chuyện hay về thổ cẩm của người Ba Na.
Trong khoảng sân rộng, rợp bóng mát dưới mái nhà rông Kon Klor, khung cửi của nghệ nhân Y Tủi thu hút ánh nhìn tò mò, thích thú của nhiều du khách bởi sự độc đáo riêng. Xung quanh chỗ ngồi của mình, nghệ nhân Y Tủi chọn lựa những tấm vải, váy, áo thổ cẩm đẹp, đặc sắc nhất để trưng bày, phơi trên giàn cho mọi người chiêm ngưỡng. Bên khung dệt, chị luôn vui vẻ, nở nụ cười trên môi, sẵn sàng “thị phạm” các động tác dệt, đồng thời, giải thích tỉ mỉ cho du khách về ý nghĩa các họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm.
Chị Y Tủi là một trong số ít những nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ tuổi được tuyển chọn, đại diện cho địa phương tham gia Liên hoan lần này. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhất là dệt thổ cẩm, chị đã thừa hưởng sự khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các mẹ nên việc dệt đối với chị dễ dàng, trở thành đam mê không thể thiếu.
Đôi tay nghệ nhân Y Tủi thoăn thoắt bên khung dệt. Ảnh: H.T
Thoăn thoắt đôi tay bên khung cửi, chị Y Tủi kể rằng, mỗi lần được các bà, các mẹ chỉ dạy dệt thổ cẩm, chị học rất nhanh. Khi lên 14 tuổi, chị đã thành thạo hầu hết các kỹ năng của nghề, biết tạo nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo. Đối với chị, tuổi thơ lớn lên luôn gắn liền với việc xe tơ, dệt vải, làm các loại váy, áo, vật dụng bằng thổ cẩm sử dụng trong đời sống hàng ngày.
Vừa nói chị Y Tủi vừa thực hiện những động tác từ dễ đến khó cho mọi người xem. Mỗi khi hoàn thiện một họa tiết hay công đoạn khó, chị luôn dành chút thời gian nghỉ ngơi rồi bắt đầu công đoạn tiếp theo. Theo chị, đó là cách để chị dệt đạt được hiệu suất cao, có thể dệt cả ngày không biết mệt mỏi.
Trong thời gian nghỉ tay, được du khách yêu cầu, chị mang hết các tấm thổ cẩm trên giàn phơi xuống cho mọi người xem. Những tấm này đa phần đều được chị Y Tủi dệt từ trước, chọn lựa những tấm đẹp và đặc sắc nhất để trưng bày.
Lật dở từng tấm, chị Y Tủi tỉ mỉ giải thích về từng chất liệu, họa tiết, màu sắc cho du khách tìm hiểu: “Đây hầu hết là các loại vải để may váy, áo cho phụ nữ nên phần hoa văn được chú trọng. Mỗi hoa văn là một nét văn hóa, kinh nghiệm dân gian được chúng tôi chọn lọc, gìn giữ và trao truyền qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết còn mang ý nghĩa tâm linh, phong thủy, cầu mong thần linh về sức khỏe, may mắn cho người mặc” .
Nghệ nhân Y Tủi bên khung dệt. Ảnh: HT
Nghệ nhân Y Tủi giải thích, qua mỗi thế hệ, tùy theo điều kiện sinh hoạt và đời sống biến đổi mà người Ba Na sẽ sáng tạo, biến hóa các họa tiết, hoa văn thêm phần độc đáo, phù hợp với thị hiếu. Ngày nay, dù sợi màu công nghiệp đã trở nên phổ biến, có giá rẻ nhưng vẫn không thể nào thay thế được những cách làm truyền thống, bà con dân tộc Ba Na tại xã Kroong vẫn giữ bí quyết xe sợi, nhuộm màu và dệt hoa văn truyền thống.
Hoa văn thổ cẩm của người Ba Na có nghệ thuật dân gian độc đáo riêng, có nhiều họa tiết về thiên nhiên, cảnh sinh hoạt đời thường gắn với nhà rông, sông hồ. Văn hóa mặc, trang phục của người Ba Na cũng thể hiện sự phân cấp địa vị xã hội trong cộng đồng. Người giàu có, quyền thế thường mặc những trang phục có nhiều màu đỏ, còn tầng lớp bình dân thường mặc những trang phục có màu đỏ, đen, vàng pha trộn, người nghèo mặc trang phục màu đen nhiều hơn.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tại xã Kroong, các sản phẩm nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na đã trở thành thương hiệu riêng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch. Chị Y Tủi là một trong số ít những nghệ nhân trẻ tại làng tích cực gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc mình, thành thạo các kỹ thuật đan dệt, xe sợi, tạo hình hoa văn đẹp, độc đáo.
Chị Y Tủi cho biết: “Từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề dệt thổ cẩm, bà con trong làng vui lắm. Ai cũng ra sức khôi phục, giữ gìn, ghi chép lại các cách dệt hay, những loại hoa văn cổ đã bị thất truyền. Lớp trẻ trong làng cũng tích cực học dệt, mặc các trang phục truyền thống trong ngày thường cũng như trong lễ hội. Giữ được nghề dệt sẽ góp phần giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Nghệ nhân Y Tủi (phải) vừa dệt vừa trò chuyện vui vẻ. Ảnh: H.T
Bên cạnh những sản phẩm mang nét truyền thống, chị Y Tủi còn biết cách tân, sáng tạo những sản phẩm hợp với thị hiếu của người sử dụng nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống. Ngoài làm rẫy, những lúc nông nhàn, chị cùng các chị em nghệ nhân trong làng dành nhiều thời gian để dệt vải, làm ra các sản phẩm phục vụ cho gia đình, cộng đồng và theo đơn đặt hàng của du khách. Với sự độc đáo, đẹp mắt, mang nhiều nét riêng, các sản phẩm dệt thổ cẩm tại địa phương dần được mọi người biết đến, sử dụng làm quà tặng cho người thân, bạn bè ở xa.
Chị Y Tủi chia sẻ: “Để có những sản phẩm đặc sắc nhất, tôi thường cùng các nghệ nhân khác phân chia các công đoạn để dệt, tùy vào thế mạnh của mỗi người. Khi có nhu cầu cần dệt, chúng tôi tập trung hết sức, có khi vài ngày là hoàn thiện, có khi vài tháng mới xong. Trong đó, giá mỗi bộ váy, áo thổ cẩm dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Dệt thổ cẩm tuy vất vả và có thu nhập không cao nhưng đó là đam mê nên ai cũng hăng hái làm và không biết mệt”.
Với mong muốn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, ngoài dệt thổ cẩm, nghệ nhân Y Tủi còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương; thường xuyên sử dụng các sản phẩm thổ cẩm trong đời sống, các sự kiện lớn nhỏ. Đối với người trẻ, chị thường khuyến khích các em học nghề để biết và hiểu được các giá trị truyền thống, từ đó thêm yêu quý và tích cực giữ gìn. Có dịp trò chuyện, chúng tôi ai cũng cảm thấy ở chị một tình yêu mãnh liệt với thổ cẩm và văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Được tham gia Liên hoan lần này, tôi cảm thấy rất tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình lan tỏa nét đẹp thổ cẩm, văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Qua các sản phẩm của mình, tôi muốn nhiều du khách, chính quyền địa phương biết đến những giá trị đặc sắc, tinh túy của thổ cẩm, từ đó , có thêm nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên cho các nghệ nhân tiếp tục tâm huyết, đưa các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc phát triển hơn nữa” – chị Y Tủi cho hay.
Hoàng Thanh