Vang mãi bản anh hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ

24

cand.com.vn

Tối 5/5, chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi “Dưới lá cờ quyết thắng” đã được tổ chức tại khu vực sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi D1, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Chương trình nghệ thuật đặc biệt trên được tổ chức, phát sóng, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, kết nối đến 5 điểm cầu gồm: TP Điện Biên Phủ, TP Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu lặng đi vì xúc động trước những hình ảnh của chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện trong chương trình.

Tham dự chương trình cầu truyền hình, tại điểm cầu Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội…

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Các đại biểu tham dự chương trình tại điểm cầu TP Điện Biên Phủ.

Tại điểm cầu Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2022 – 2025; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đoàn đại biểu Đảng Tập hợp những người Houphuetists vì Dân chủ và Hòa Bình (RHDP) cầm quyền tại Bờ Biển Ngà.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Các đại biểu tham dự chương trình tại điểm cầu Điện Biên Phủ.

Tại điểm cầu Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Vang mãi bản anh hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ -1
Bộ trưởng Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại điểm cầu Thanh Hoá.

Vang mãi bản anh hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ -0
Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Tại điểm cầu Nhà rông Kon Klor (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao; Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Các đại biểu tham dự chương trình nghệ thuật tại điểm cầu TP Điện Biên Phủ.

Tại điểm cầu Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1(thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2022 – 2025; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an…

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thực hiện nghi lễ chào cờ tại chương trình.

Tham dự tại 5 điểm cầu còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, TP lân cận nơi tổ chức điểm cầu; các đồng chí cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu CAND; dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và kháng chiến chống thực dân Pháp, Mẹ Việt Nam anh hùng, quân và nhân dân các tỉnh, thành ở các điểm cầu.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Các nghệ sĩ tái hiện màn kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo chia sẻ từ đạo diễn chương trình Khuất Ly Na, tên gọi cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu “Quyết chiến – Quyết thắng” Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953, là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích. Thông qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao  được tái hiện chân thực và toàn cảnh, không chỉ ở Điện Biên mà còn trên khắp cả nước.

Cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng truyền tải thông điệp Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc. Gần 9 năm, chúng ta đã dồn sức để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ mà khắp cả nước đều có những chiến công để đóng góp chung. Với tinh thần đó, chương trình đã lựa chọn các điểm cầu ở Kon Tum, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để nói lên sự đồng lòng của cả dân tộc, góp sức người, sức của, sự hy sinh xương máu, với tất cả những gì mình có để đóng góp cho chiến thắng.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Những ca khúc hào hùng kết hợp với vũ đạo, điệu múa phản ánh tinh thần “Quyết chiến – Quyết thắng” của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta mà còn cả trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay. Đó là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đường lối đối ngoại khéo léo. 5 điểm cầu sẽ ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.

Ngay phần mở đầu, chương trình đã gây ấn tượng mạnh với các đại biểu và khán giả bằng hoạt cảnh hoành tráng bộ đội kéo pháo 105mm. Cùng với đó, những cảnh trượt ngang, cảnh đoàn xe đạp thồ, cảnh đồng bào gùi muối cho bộ đội, bộ đội hành quân, kéo pháo nối tiếp nhau và điểm kết là các chiến sĩ phất lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” đã gây nhiều xúc động cho các đại biểu và khán giả.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0

Một điều đặc biệt, tại điểm cầu Điện Biên, chương trình nghệ thuật được tổ chức trong khu vực sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi D1, nơi mà cách đây 70 năm trước đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đợt tấn công thứ 2 của chiến dịch. Từ nơi đây có thể quan sát được toàn bộ lòng chảo Điện Biên. Thực dân Pháp từng bố trí tại đây Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Angiêri rất thiện chiến chiếm giữ. Sau 2 ngày tiến công và giằng co với địch với những trận đánh long trời lở đất, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi D1-một trong 49 cứ điểm, 3 phân khu trung tâm, 8 trung tâm đề kháng gồm 17 tiểu đoàn, 7 đại đội độc lập với tổng số 16.200 quân tinh nhuệ nhất của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0
Một số tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược, nơi được gọi là điểm hẹn của lịch sử, thể hiện trí tuệ Việt Nam về nghệ thuật quân sự, nơi hai bên đấu trí và cả dũng khí. Chính vì thế, câu chuyện của điểm cầu Điện Biên phải thể hiện được những tính toán từ hai phía, những bước chuyển về mặt thế cục cục diện chiến trường và những giai đoạn quan trọng nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Điện Biên, ê-kíp sản xuất đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, lên tới hàng trăm người. Những kỷ niệm của các cựu chiến binh đã làm sống lại không khí, tinh thần của chiến dịch Điện Biên Phủ. “Trong không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa khi hội ngộ đều rất vui, minh mẫn để kể câu chuyện của mình. Chúng tôi rất ấn tượng với những bác lưng đã còng, ngồi xe lăn hay đi chống gậy nhưng chỉ cần nhắc tới từ chiến sĩ Điện Biên thì họ lập tức bỏ hết cả gậy, cả xe lăn và đứng thẳng người lên”, nhà báo Tạ Bích Loan cho biết.

“Dưới lá cờ quyết thắng” -0

“Dưới lá cờ quyết thắng” -1

“Dưới lá cờ quyết thắng” -2
Một số tiết mục tại chương trình.

Nếu Điện Biên Phủ là sân khấu chính, truyền tải những nét phác thảo chính của bức tranh chiến thắng Điện Biên Phủ, thì điểm cầu Hà Nội mang tới một nét riêng của Thủ đô anh hùng.

Điểm cầu Hà Nội có hai nhân chứng lịch sử đều đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dưới cương vị là lính quân y hoặc chiến sĩ liên lạc cho các bác sĩ tuyến đầu, đại diện cho đóng góp của giới trí thức cho kháng chiến.

Nếu so với điểm cầu Thanh Hóa có các dân công hỏa tuyến, Kon Tum là lực lượng chia lửa với Điện Biên thì câu chuyện hậu cần mặt quân y của cầu Hà Nội được khai thác sâu, giải đáp những câu hỏi như: Năm ấy các sinh viên y khoa của Hà Nội đã rời lên chiến trường như thế nào? Những sáng kiến có một không hai của các bác sĩ tuyến đầu xuất phát từ Hà Nội cống hiến cho chiến trường Điện Biên là gì?

Khắc họa bản anh hùng ca của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ -0
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng Kỷ niệm chương và hoa các cựu chiến sĩ Điện Biên.

Điểm cầu TP Hồ Chí Minh là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Về mặt địa lý, miền Nam xa nhất so với chiến trường Điện Biên Phủ nên việc đóng góp trực tiếp về nhân lực, vật chất có thể không bằng các địa phương khác, nhưng thời điểm đó, dựa trên chủ trương phân tán lực lượng của thực dân Pháp ở trên tất cả các mặt trận, đồng bào miền Nam đã tiến công trên cả ba mặt. Mặt trận quân sự: Có rất nhiều trận đánh nhỏ tập trung vào các đồn bốt, tiêu hao hàng nghìn sinh lực địch. Mặt trận chính trị: Phong trào yêu nước diễn ra rất sôi nổi và rộng rãi trên khắp miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn – Gia Định, trong đó có tầng lớp trí thức yêu nước. Công tác binh vận: vận động người dân không đi lính cho Pháp, không tham gia vào các lực lượng quân sự của Pháp – Điều đó khiến cho nhiều trung đoàn, tiểu đoàn của Pháp xảy ra tình trạng đào ngũ, dẫn đến quân đội của Pháp ở miền Nam Việt Nam gặp nhiều khủng hoảng. Các nội dung này được thể hiện sinh động bằng hoạt cảnh với hình thức multimedia kết hợp múa, màn hình led, thuyết minh viên, phóng sự, clip ngắn…

Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngoài những đại cảnh hoành tráng, khán giả vô cùng xúc động khi được gặp lại một nhân chứng lịch sử đã đi qua những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Đó là ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chàng thanh niên 28 tuổi, lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại người vợ trẻ với hai con, đứa con trai lớn chỉ mới 4 tuổi, con gái thứ hai mới sinh được khoảng 2 tháng.

Điện Biên và Tây Nguyên là hai vùng địa lý cách xa nhau hơn 1.000km. Nhưng Bắc Tây Nguyên có vai trò gắn kết chiến lược cùng thắng lợi của Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông – Xuân (1953-1954). Trong đó, Kon Tum đóng vai trò đặc biệt, chia lửa với Điện Biên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất mong đợi chiến dịch Bắc Tây Nguyên bắt đầu trong thời điểm chúng ta đang chuẩn bị kéo pháo ra để bố trí lại lực lượng theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Cùng lúc đó, quân Pháp đã tiến hành cuộc hành quân Át-Lăng lên vùng Liên khu 5. Và 3 trận công đồn nổ ra tại Kon Tum thắng lợi đã tạo nên tiếng vang lớn, làm quân Pháp phải tập trung sự chú ý lên Bắc Tây Nguyên. Đây là chiến dịch được đánh giá rất cao về nghệ thuật quân sự.

Xuyên suốt trong chương trình, các đại biểu, khán giả đã được thưởng thức những màn trống hội hào hùng, những bài thơ, ca khúc hoành tráng về chiến dịch Điện Biên Phủ, các thước phim phóng sự đặc sắc, xen lẫn là những cuộc trò chuyện xúc động cùng các nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước; những tình cảm, cảm xúc kính yêu, tự hào đối với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ đội, lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ… của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, những ca khúc, chương trình nghệ thuật này được Ban tổ chức dày công dàn dựng, tổ chức ghi hình ở các địa danh lịch sử như Đồi A1, C1, C2, các địa danh lịch sử tại Tây Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh…

Quá trình quân và dân cả nước chuẩn bị cho chiến dịch, đặc biệt là cuộc chiến đấu anh hùng, kiên cường của quân và dân ta với “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng đã được tái hiện không chỉ qua lời thuật lại của các nhân chứng mà còn được khắc tạc bằng những hình ảnh nghệ thuật đặc sắc. Kết thúc chương trình “Dưới lá cờ quyết thắng” là bài hát “Giai điệu Tổ quốc” của nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện tình đoàn kết, ca ngợi sức mạnh, chiến thắng của quân và dân tộc Việt Nam, khát vọng của dân tộc Việt Nam trong tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu và nhân dân ở 5 điểm cầu cũng như khán giả xem truyền hình cả nước…


Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/vang-mai-ban-anh-hung-ca-chien-thang-dien-bien-phu-i730311/