Hạn hán ở Tây nguyên, Trung bộ bao giờ chấm dứt?

17

thanhnien.vn

Nắng nóng gay gắt, nhiều nơi hạn hán

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tháng 1 – tháng 4, khu vực Bắc bộ và Trung bộ đã xảy ra 3 đợt nắng nóng: từ ngày 31.3 – 4.4 xảy ra tại khu vực Tây Bắc, vùng núi phía bắc và các tỉnh từ Thanh Hoá – Phú Yên; từ ngày 13 – 17.4 xảy ra tại khu vực Tây Bắc, Trung Trung bộ; từ ngày 19 – 21.4 xảy ra ở Thanh Hóa – Phú Yên, trong đó khu vực Tây Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa – Thừa Thiên – Huế xảy ra nhiều ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ từ 36 – 39 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Hạn hán ở Tây nguyên, Trung bộ bao giờ chấm dứt?

Hạn hán ở Tây nguyên, Trung bộ bao giờ chấm dứt?

Số ngày nắng nóng trung bình tại khu vực Tây Bắc, Bắc Trung bộ vào tháng 3 phổ biến từ 2 – 4 ngày (cao hơn từ 1 – 2 ngày so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong tháng 4, tại Tây Bắc trung bình là 9 ngày (cao hơn 6 ngày so với TBNN).

Tây nguyên xuất hiện 3 đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 3 – 8.4, 13 – 17.4 và 21 – 22.4. Số ngày nắng nóng tại khu vực này vào tháng 3 phổ biến từ 2 – 4 ngày (cao hơn từ 1 – 2 ngày so với TBNN). Trong tháng 4 xảy ra 11 ngày nắng nóng (cao hơn 7 ngày so với TBNN cùng thời kỳ).

Tình hình khô hạn, thiếu nước tại khu vực Tây nguyên đang diễn ra gay gắt, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước ảnh hưởng lớn đến cây trồng có kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk và Lâm Đồng có khoảng 2.992 ha bị ảnh hưởng hạn hán (trong đó có 1.885 ha lúa, 1.103 ha cây lâu năm, 4 ha cây hàng năm).

Tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi đã xảy ra, ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng.

Xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối

Cơ quan khí tượng dự báo, trong tháng 5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng 1 – 2 độ C, có nơi cao hơn. Tháng 6, cao hơn từ 0,5 – 1,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 7 – tháng 9, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng từ 0,5 – 1 độ C.

Từ tháng 5 – tháng 7, nắng nóng tiếp tục xuất hiện tại khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Tây nguyên. Dự báo số đợt nắng nóng ở các khu vực phổ biến cao hơn TBNN, tại Tây bắc khoảng 4 – 5 đợt, khu vực Đông Bắc bộ 3 – 4 đợt và đồng bằng Bắc bộ 6 – 8 đợt; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế 7 – 9 đợt, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận 4 – 6 đợt và tại khu vực Tây nguyên từ 3 – 4 đợt.

Mùa mưa tại Tây Bắc bắt đầu vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, các khu vực khác ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện từ giữa tháng 5. Mùa mưa tại Tây nguyên xuất hiện từ nửa đầu tháng 5.

Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, riêng khu vực Trung bộ, trong các tháng chính của mùa mưa (từ tháng 9 – tháng 11) có xu hướng cao hơn so với TBNN.

Tình trạng hạn hán ở khu vực bắc Tây nguyên tiếp tục đến nửa đầu tháng 5, sau đó có khả năng giảm dần, riêng phía nam Tây nguyên có thể chấm dứt hạn từ giữa tháng 5; các tỉnh khu vực phía bắc của Trung Trung bộ và Nam Trung bộ hạn hán tiếp tục ảnh hưởng từ tháng 5 – tháng 7, sau đó có xu thế giảm dần.

Đáng chú ý, mùa hè năm 2024, khu vực Bắc bộ, Trung bộ nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Nguy cơ cao xảy ra các trận giông, lốc, mưa đá.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/han-han-o-tay-nguyen-trung-bo-bao-gio-cham-dut-185240426055804079.htm