Là một tỉnh nằm ở khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, có đường biên giới giáp với cả Lào và Campuchia, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, việc hội nhập quốc tế của tỉnh Kon Tum là việc tất yếu, cần thiết nhằm phục vụ chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, Kon Tum cũng xác định rõ một số khó khăn, thách thức bên cạnh những nền tảng thuận lợi trước tình hình thế giới, trong nước và tỉnh hiện nay, qua đó đã có những chỉ đạo, định hướng kịp thời để đưa tỉnh Kon Tum vững bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum thăm, làm việc và chúc Tết tỉnh Ratanakiri
Những mặt thuận lợi…
Với xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo của thế giới trong thời gian tới. Châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành khu vực phát triển năng động và trở thành trung tâm kinh tế của thế giới và là hạt nhân của hội nhập quốc tế trong những năm tới. Ngày càng có nhiều cơ chế hợp tác trên nhiều cấp độ và lĩnh vực được thúc đẩy ở châu Á – Thái Bình Dương; Các chính sách, chủ trương, định hướng, tư duy hội nhập quốc tế của Đảng ta ngày càng được hoàn thiện, cụ thể; khung pháp lý ngày càng hoàn chỉnh tạo cơ sở cho các địa phương triển khai có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế. Trên thế giới, hội nhập quốc tế vẫn diễn ra mạnh mẽ trên nhiều cấp độ và lĩnh vực, từ phạm vi toàn cầu, khu vực song phương, từ kinh tế, chính trị, an ninh, các lĩnh vực chuyên ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, từ đó sẽ thúc đẩy tình hình hội nhập nhanh hơn của các địa phương trong cả nước.
Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cùng với đất nước, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, an ninh, quốc phòng được giữ vững, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân từng bước được nâng cao, tạo nội lực cho việc triển khai hội nhập quốc tế; Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của tỉnh trên một số lĩnh vực đã triển khai thành công bước đầu, củng cố quan hệ với các tỉnh giáp biên, thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, hội nhập kinh tế có bước chuyển biến, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cải thiện, thu hút và triển khai vốn FDI, ODA, viện trợ phi chính phủ nước ngoài ngày càng hiệu quả, tạo tiền đề và kinh nghiệm cho quá trình triển khai hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Tỉnh Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, là trung tâm của khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, có lợi thế về kinh tế cửa khẩu. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Đây là điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý trong công tác triển khai hội nhập quốc tế của tỉnh.
Những khó khăn, thách thức…
Bối cảnh quốc tế trong những năm tới cũng sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với quá trình hội nhập quốc tế của nước ta như cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đang có những tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam và đặt ra nhiều vấn đề mới về phát triển đối với các nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh, gây khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa, kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch…; Sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, các xung đột tại các khu vực nòng cốt vẫn còn tiếp diễn, tranh chấp chủ quyền biển đảo, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, các vấn đề an ninh phi truyền thống, các thách thức về mô hình phát triển sẽ tác động đến quá trình hội nhập của nước ta và thông qua đó tác động đến địa phương.
Trình độ phát triển mọi mặt của Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và của tỉnh còn yếu, thu hút FDI và ODA còn thấp hơn so với các địa phương khác; Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chủ động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, có tư tưởng ỷ lại vào các cơ quan thực hiện công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại; Khả năng nhận định, đánh giá và dự báo trước tình hình diễn biến trên thực tế để chủ động xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai công tác hội nhập quốc tế còn hạn chế; Thiếu cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan liên quan và đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng đã được đào tạo, bồi dưỡng, có kinh nghiệm qua quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đủ cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng các đòi hỏi của hội nhập quốc tế toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới…
Đ/c PCT Thường trực UBND tỉnh trong buổi tiếp Đại sứ Ireland tại Việt Nam
đến thăm tỉnh Kon Tum vào ngày 23/04/2014.
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh…
Xác định được những thời cơ và thách thức trên, tỉnh Kon Tum đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; quán triệt và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời gian qua của đất nước cũng như của tỉnh Kon Tum, quan điểm chỉ đạo cụ thể như:
Trước hết cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng tỉnh Kon Tum giàu đẹp nói riêng.
Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả các tiềm năng của toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân, bao gồm cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạng tổng hợp và năng lực cạnh tranh của tỉnh; gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết giữa các vùng trọng điểm, khu vực, địa phương trong toàn tỉnh.
Hội nhập kinh tế tiếp tục là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của địa phương.
Nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết với các địa phương giáp biên, các địa phương của các nước trên thế giới.
Với những quan điểm, định hướng trên của các cấp ủy đảng, chính quyền Kon Tum đã và đang từng bước phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực trong quá trình hội nhập quốc tế nhằm đưa tỉnh phát triển một cách toàn diện, vững chắc; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng; duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực, cải thiện đời sống nhân dân; Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc giữ vững độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Quảng bá hình ảnh, văn hóa, các tiềm năng, thương mại, du lịch của địa phương, của Việt Nam đến các nước trên thế giới; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; thu hút đầu tư, viện trợ góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng sống của người dân trong thời gian tới./.
Yến Trân